23/05/2014 06:17 GMT+7

Không nên hạn chế khám chữa bệnh trái tuyến

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 22-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung dự án Luật bảo hiểm y tế (BHYT - sửa đổi). Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với quy định mới là bắt buộc BHYT toàn dân, nhưng cho rằng muốn thực hiện được mục tiêu này thì cần phải thay đổi căn bản nhiều quy định trong khám, chữa bệnh hiện nay.

Một số thay đổi có lợi cho người bệnhSửa luật bảo hiểm y tế: thu hẹp quyền lợi bệnh nhân trái tuyếnBệnh nhân được bảo hiểm y tế thanh toán

“Tôi tán thành với quy định BHYT là hình thức bắt buộc được áp dụng đối với mọi đối tượng. Thực tế cho thấy vì không quy định bắt buộc nên có khá nhiều người không tham gia BHYT, khi phát hiện mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, muốn tham gia BHYT thì không được tham gia, dẫn đến nhiều gia đình không đủ khả năng tài chính để chữa trị cho người bệnh, phải chữa trị cầm chừng, thậm chí phải buông xuôi với bệnh tật” - đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) bày tỏ.

“Một dự án luật mang tính nhân văn to lớn, việc thực hiện chủ yếu dựa vào sự tự nguyện mà có nhiều điều bắt buộc là không hợp lý: đóng BHYT bắt buộc, khám chữa bệnh ở những bệnh viện bắt buộc, uống những loại thuốc bắt buộc” - đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) bình luận. Bà Hạnh đề nghị cần phải giải quyết vấn đề bất cập về chất lượng khám chữa bệnh và quyền lợi của trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến, đảm bảo tính công bằng của các đối tượng tham gia BHYT. “Trước tiên phải chấp nhận bỏ quy định về tuyến khám, chữa bệnh để thực hiện cho được chủ trương BHYT toàn dân. Còn các bất cập về chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới, quá tải ở các bệnh viện tuyến trên phải khắc phục sớm nhất. Khi chất lượng của việc khám, chữa bệnh của các bệnh viện tuyến dưới đáp ứng được yêu cầu cũng chẳng ai muốn vượt tuyến, trái tuyến làm gì, trừ khi bệnh viện chuyển tuyến” - bà Hạnh khẳng định. Bà cũng cho rằng một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính khả thi của luật là phải ngăn chặn, chấm dứt ngay vấn nạn về y đức.

Đồng tình, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nói thêm: “Điều 38 của Hiến pháp quy định về sự bình đẳng của mọi người trong việc hưởng các dịch vụ, trong đó có dịch vụ khám, chữa bệnh của y tế. Tôi nghĩ không nên hạn chế trong việc khám, chữa bệnh trái tuyến và vượt tuyến”. Bà An đề nghị ban soạn thảo luật cần nhìn vào thực tế như với những người lao động vãng lai, ví dụ người ở Hòa Bình vào Đồng Nai, hay ở Thanh Hóa vào Bình Dương... để quy định khi sử dụng thẻ BHYT cho thuận lợi hơn. “Nếu hạn chế trái tuyến và vượt tuyến sẽ gây khó khăn cho người lao động” - bà nói.

Cải tạo giống nòi

Bắt đầu từ câu chuyện VN luôn thua kém các nước trong khu vực trong thi đấu thể thao vì thể hình, thể trạng yếu, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng việc sửa đổi Luật BHYT lần này là cơ hội để cải thiện giống nòi. “Nước ta là quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới, cũng lại là quốc gia đứng thứ 13 trong số các quốc gia có gánh nặng về suy dinh dưỡng lớn nhất thế giới. Cụ thể hơn, trong số 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có 2,5 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng mãn tính, trong đó 1/10 suy dinh dưỡng nặng cấp tính” - ông Quốc cho biết.

Đại biểu Dương Trung Quốc tha thiết: “Tôi đề nghị trong lần sửa đổi Luật BHYT này nên bổ sung vào điều 21 phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT nội dung khám, tư vấn dinh dưỡng và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Nếu như chúng ta không quan tâm đến đòi hỏi tối thiểu chính đáng và hợp lý này trong cơ hội sửa đổi Luật BHYT thì đừng bao giờ mơ đến mục tiêu sánh vai cùng các nước trong khu vực”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên