Dịch sởi: bài học cho cả ngành y tế345 người lớn ở TP.HCM đã mắc bệnh sởiBộ Y tế cảnh báo còn 11 tỉnh thành tiêm vắc xin sởi rất chậm
Ngay đầu cuộc làm việc, Thủ tướng hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về chất lượng các máy thở vừa được Chính phủ bổ sung và hiện ngành y tế còn thiếu điều kiện gì để phòng chống dịch sởi?
Bộ trưởng Tiến cho biết một số máy thở khi đưa ra bị chập dây do để lâu trong kho, nhưng qua sửa chữa thì nay đã được đưa vào sử dụng. Bộ trưởng Tiến khẳng định VN không thiếu văcxin sởi, Bộ Y tế đã cung ứng 1,2 triệu liều văcxin sởi đảm bảo đủ nhu cầu của các tỉnh thành, đây là loại văcxin sản xuất theo công nghệ Nhật Bản có chất lượng cao. “Về hậu cần thì máy thở không thiếu, thuốc cũng không thiếu. Ngành y tế dùng các loại thuốc tốt nhất, bệnh nhân có thể sử dụng bảo hiểm y tế hoặc nếu bệnh nhân nghèo thì ngành y tế cấp thuốc và tính vào chi phí chống dịch” - Bộ trưởng Tiến nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay tình hình dịch sởi đã có xu hướng giảm, số bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi đến khám, điều trị giảm đáng kể tại các bệnh viện ở Hà Nội, số bệnh nhân tử vong do sởi và liên quan đến sởi cũng đã từng bước được khống chế. Mặc dù đã có dấu hiệu tích cực, tuy nhiên số nhập viện vẫn còn cao, tình hình dịch sởi còn nghiêm trọng, do vậy không được chủ quan, lơ là với dịch sởi. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các tỉnh thành mà trọng tâm là Hà Nội và TP.HCM tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống dịch sởi. Đặc biệt, Bộ Y tế tập trung chỉ đạo cấp cứu, điều trị, trong cả nước đối với bệnh nhân sởi, hạn chế thấp nhất tử vong do bệnh sởi, tổ chức phân tuyến điều trị, không để lây nhiễm chéo. “Quyết tâm dập tắt dịch sởi trong thời gian sớm nhất. Chúng ta có đủ khả năng để đảm bảo tốt hậu cần phòng chống dịch” - Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, cần theo dõi tình hình dịch bệnh kịp thời, đánh giá đúng mức, từ đó đưa ra chỉ đạo có hiệu lực, hiệu quả. “Ví dụ như vừa qua chỉ đạo tốt, tập trung đúng mức công tác tuyên truyền, vận động thì một là người dân đi tiêm chủng sẽ cao hơn, giảm tỉ lệ mắc; hai là việc dồn vào một bệnh viện dẫn đến lây chéo sẽ được hạn chế. Bởi chúng ta tuyên truyền chưa tốt, mà bà con tin vào bệnh viện trung ương nên muốn đưa con em vào đó” - Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng Chính phủ, tình hình dịch bệnh trong nước ta đang xảy ra những bất thường, do vậy Bộ Y tế phải theo dõi sát và nắm chắc tình hình, có chỉ đạo kịp thời, đúng mức và có trọng tâm.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết các trường học trên địa bàn Hà Nội đến nay tình hình tương đối yên tâm. Với khu vực dân cư thì Hà Nội tổ chức cho các cơ quan chức năng và đoàn thể đến tận nhà dân tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch.
Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, Liên minh toàn cầu về văcxin và tiêm chủng, Tổ chức Y tế thế giới tích cực chuẩn bị chiến dịch tiêm văcxin MR (sởi - rubella) trong quý 4-2014. Chiến dịch này sẽ kéo dài đến hết năm 2015 với mục tiêu tiêm văcxin sởi và rubella cho 23 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi.
Tỉ lệ tiêm vét văcxin sởi của cả nước hiện đạt 65,3% - 5 tỉnh thành có tỉ lệ tiêm vét văcxin sởi đạt trên 90% gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Yên, Hậu Giang. - 24 tỉnh thành có tỉ lệ tiêm vét văcxin sởi đạt 70-90% gồm: Quảng Trị, Yên Bái, Kon Tum, Cần Thơ, Hà Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Quảng Nam, Đắk Nông, Quảng Bình, Vĩnh Phúc, Sơn La, Sóc Trăng, Lào Cai, Hưng Yên, Nam Định, Bạc Liêu, Trà Vinh, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thái Bình. - 23 tỉnh thành có tỉ lệ tiêm vét văcxin sởi đạt 50-70% gồm: Hải Dương, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Điện Biên, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Phú Thọ, Kiên Giang, Quảng Ngãi, TP.HCM, Gia Lai, Tuyên Quang, Hà Giang, Bến Tre, Cao Bằng, Ninh Bình, Nghệ An, Bình Thuận, Tây Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Long, Hải Phòng. - 11 tỉnh có tỉ lệ tiêm vét văcxin sởi đạt dưới 50% gồm: Lâm Đồng, Hòa Bình, An Giang, Tiền Giang, Lai Châu, Đồng Nai, Bình Dương, Cà Mau, Đồng Tháp, Bình Phước, Long An. Nguồn: báo cáo của Bộ Y tế |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận