22/04/2014 17:43 GMT+7

345 người lớn ở TP.HCM đã mắc bệnh sởi

THÙY DƯƠNG - L.TH.H
THÙY DƯƠNG - L.TH.H

TTO - Tính từ đầu năm đến ngày 22-4, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM đã tiếp nhận điều trị nội trú cho 1.031 lượt bệnh nhân bệnh sởi, trong đó có 345 (33%) là bệnh nhân người lớn. Bệnh nhân mắc bệnh sởi lớn tuổi nhất điều trị tại bệnh viện là 66 tuổi.

Người dân ùn ùn đi chích ngừa sởiHà Nội mở điểm tiêm ngừa sởi cho trẻ đến 6 tuổiCách nào bảo vệ trẻ trước dịch sởi?Chống dịch kiểu không minh bạch

JyjeIQnN.jpgPhóng to
Dân TP.HCM đưa con em đến tiêm ngừa bệnh sởi tại Viện Pasteur - Ảnh: Hữu Khoa

Theo bác sĩ Võ Minh Quang, phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, người lớn mắc bệnh sởi thường lành tính, ít có nguy cơ tử vong trừ một số trường hợp như cơ địa suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, phụ nữ có thai, bệnh lý ác tính khác thì bệnh có thể diễn tiến nặng.

Lưu ý một số bệnh nhân có dạng sởi không điển hình, người bệnh chỉ phát ban nhẹ không theo trình tự như trên nên có thể bị bỏ sót và nhầm lẫn với bệnh Rubella hoặc dị ứng.

Không nhớ đã được tiêm ngừa hay chưa

Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, rất dễ lây lan. Vi rút lây từ người bệnh sang người lành khi ho, hắt hơi, nói chuyện... Diễn tiến thường gặp nhất là bệnh nhân có dấu hiệu sốt, sổ mũi, nhức đầu, viêm họng, viêm kết mạc trong vài ngày. Đây là giai đoạn bệnh lây nhiều nhất.

Sau đó là phát ban bắt đầu từ cổ lan dần xuống thân mình rồi đến chân, thường không gây ngứa và có thể sốt cao liên tục.

Sau giai đoạn phát ban, người bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn hồi phục, khi đó bệnh nhân giảm sốt, các dấu phát ban mờ dần theo thứ tự xuất hiện và khỏi bệnh.

Một số trường hợp mắc bệnh sởi vào bệnh viện khám khi mới bị sổ mũi, nhức đầu chưa có phát ban, có thể bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như nhiễm siêu vi, sốt xuất huyết, ...

Biến chứng hay gặp nhất ở bệnh sởi là viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn. Đối với các trường hợp này cần phải điều trị kháng sinh, nếu nặng hơn có thể phải hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy hoặc thở máy.

Các công tác giám sát bệnh sởi và sốt phát ban tại bệnh viện cho thấy phần lớn bệnh nhân người lớn mắc sởi đều không biết mình đã được tiêm ngừa sởi hay chưa.

Tự cách ly để hạn chế lây bệnh

Bác sĩ Minh Quang nhấn mạnh, biện pháp phòng ngừa bệnh sởi tốt nhất là tiêm ngừa. Khi có những triệu chứng nghi ngờ bệnh sởi việc quan trọng là tự cách ly trước để hạn chế lây bệnh cho người xung quanh như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không đến chỗ đông người.

Người bệnh cần đến các phòng khám tại cơ sở y tế gần nhất như bệnh viện quận/huyện, bệnh viện có khoa truyền nhiễm để được chẩn đoán xác định. Nếu bệnh nhẹ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị triệu chứng, hướng dẫn tự cách ly và theo dõi bệnh tại nhà, tái khám.

Trường hợp có biểu hiện nặng hoặc đối tượng đặc biệt bác sĩ sẽ cho nhập viện cách ly và điều trị.

Bệnh sởi có thể điều trị bằng phương pháp y dược cổ truyền

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc điều trị bệnh sởi bằng phương pháp y dược cổ truyền, bác sĩ Trần Văn Năm - phó giám đốc Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - cho biết về nguyên tắc khi bị bệnh sởi, trẻ cần được cách ly, chăm sóc kỹ bằng cách cho uống đủ nước, ăn đủ chất dinh dưỡng, nhỏ mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý, chăm sóc da, răng-mũi-miệng.

Trong điều trị, bác sĩ sẽ cho trẻ sử dụng các dược liệu có ba nhóm đặc tính:

- Một là kháng sinh thực vật, hạ sốt, lợi tiểu như kim ngân hoa, cây sài đất, cỏ mực, cỏ mần trầu, gừng tươi, kinh giới, rễ tranh…

- Hai là tăng sức đề kháng bằng lá hoặc rễ cây đinh lăng lá nhỏ, bố chính sâm, sâm đại hành, mạch môn, thiên môn…

- Ba là chống dị ứng: tía tô, rau má, bạc hà…

Ngoài ra, dùng các nhóm thuốc để tăng cường thải độc qua đường hô hấp, đường mồ hôi, đường tiểu. Cũng có thể sử dụng một hoặc hai loại dược liệu trong mỗi nhóm nói trên trộn chung với nhau, mỗi loại dùng từ 15-20g tươi (10-12g nếu dạng khô) nấu nước hoặc sắc uống trong ngày.

Hiện trên thị trường có một số chế phẩm được một số công ty, cơ sở y tế bào chế sẵn tiện dùng như trà tiêu độc Kim ngân hoa, chai Toa căn bản, Nhân sâm bại độc, viên thuốc Kim ngân vạn ứng… Nếu sử dụng các thuốc trên kịp thời sẽ rút ngắn được thời gian phục hồi bệnh và hạn chế được các biến chứng nặng.

Theo bác sĩ Trần Văn Năm, trừ trường hợp trẻ bị sởi có biến chứng nặng, phụ huynh có thể đưa trẻ bị bệnh sởi đến Viện Y Dược học dân tộc TP điều trị sởi bằng phương pháp y dược cổ truyền.

Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý không nên nghe những người không có chuyên môn hướng dẫn uống thuốc này, thuốc kia để điều trị sởi cho trẻ vì việc này rất nguy hiểm.

Thực tế, một loại thuốc không thể điều trị cho tất cả các loại bệnh và điều trị bệnh không chỉ có một vị thuốc này hay một vị thuốc khác mà là cả một nhóm dược liệu được phổi hợp ra bài thuốc cho trẻ uống.

Chưa kể không đi khám bệnh mà cứ uống cây này, lá khác theo kiểu truyền khâu lại càng không hay.

Do vậy, cách phòng bệnh sởi duy nhất vẫn là tiêm ngừa văcxin sởi, giữ vệ sinh cơ thể và môi trường, ăn uống đủ chất, vitamin nhóm C, B, A, D…

THÙY DƯƠNG - L.TH.H
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên