23/04/2014 08:24 GMT+7

Dịch sởi: bài học cho cả ngành y tế

LAN ANH
LAN ANH

TT - Trong cả ngày 22-4, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc tập huấn tăng cường kiến thức phòng chống dịch sởi cho thầy thuốc ở 23 địa phương từ Quảng Bình trở ra.

345 người lớn ở TP.HCM đã mắc bệnh sởiĐà Nẵng tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻNgười dân ùn ùn đi chích ngừa sởi

NBjVgq9b.jpgPhóng to
Hà Nội đang hết sạch văcxin dịch vụ 3 trong 1 ngừa sởi - quai bị - rubella - Ảnh: Việt Dũng

Bài học Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM phân tuyến phân tải từ đầu vụ dịch để giảm biến chứng, giảm tử vong được nhiều thầy thuốc quan tâm.

Sự phân tuyến chậm trễ

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, ngay từ cuối năm 2013 khi cùng lúc có năm ca sởi nhập viện ông đã thấy điều bất thường.

“Chúng tôi đã lên báo với Viện Pasteur TP.HCM về sự bất thường này, đồng thời triển khai phân tuyến điều trị bệnh nhân sởi, ca nhẹ thì tư vấn cho điều trị ngoại trú, ca nặng thì cách ly điều trị để tránh nhiễm chéo, vì một bệnh nhân mắc sởi và đồng nhiễm với các virút, vi khuẩn khác thì chi phí điều trị có thể gấp 20 lần so với những trường hợp sởi thông thường”- bác sĩ Khanh nói.

Tuy nhiên Hà Nội học được bài học này quá muộn, khi số trường hợp nhiễm chéo và tử vong do sởi đã ở mức cao. Tính đến ngày 22-4, ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - xác nhận đã có 119 ca tử vong liên quan đến sởi, nhưng thực tế con số cập nhật mới nhất đã lên tới 128 trường hợp (tính cả số mới tử vong và bệnh nhân nặng phải xin về tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai và tỉnh Nghệ An).

Chất vấn ông Phạm Nhật An, phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, về việc tại sao một bệnh viện đầu ngành như vậy lại không phân tuyến phân tải từ đầu (đến tận ngày 17-4 khi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đến làm việc mới triển khai phân tuyến), ông An cho biết Luật khám chữa bệnh hiện nay không phân tuyến, và khi bệnh nhi đã đến thì không thể từ chối!

Trước tình trạng người dân đổ xô đi tiêm văcxin phòng sởi, ông Phu cho rằng khuyến cáo mới nhất những người chưa mắc sởi, đã tiêm đủ hai mũi văcxin ngừa sởi thì từ 20 tuổi trở lên nên tiêm nhắc lại mũi thứ ba.

Hiệu quả miễn dịch sẽ có ở 2-3 tuần sau tiêm. Tuy nhiên người lớn tuổi không nên ùn ùn đổ xô đi tiêm văcxin dịch vụ, do trước đây có thể họ đã mắc sởi và có miễn dịch suốt đời.

Ngoài ra, có đến 68% bệnh nhân sởi là dưới 10 tuổi, rất hãn hữu mới có người trung niên và cao niên mắc sởi (ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư người cao tuổi nhất mắc sởi là 44 tuổi).

Bài học dịch sởi

Đây là phát biểu của cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, tại buổi tập huấn cho thầy thuốc các tuyến về dịch sởi.

Theo ông Khuê, sởi là căn bệnh có văcxin phòng, nhưng giai đoạn vừa qua khi dịch xảy ra thì người dân hoang mang như các căn bệnh không văcxin, không thuốc chữa. “Đây là bài học của cả ngành y tế”- ông Khuê cảnh báo.

Một bài học lớn như vậy, nhưng yêu cầu tối thiểu là minh bạch thông tin để người dân biết được mức độ của dịch vẫn chưa được thấm nhuần.

Làm việc với Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội ngày 21-4, ông Nguyễn Khắc Hiền, giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết Hà Nội có 14 ca tử vong do sởi và từ ngày 14-4 đến nay không có thêm ca tử vong nào. Nhưng con số của Bộ Y tế công bố ngày 22-4 là Hà Nội đã có 54 ca tử vong do sởi, chiếm 45,3% số tử vong cả nước.

Trong đó ca tử vong mới nhất là sáng 21-4. Nếu tiếp tục giữ tình trạng mỗi nơi một phách, mỗi nơi một số liệu như vậy, sẽ rất khó để người dân biết được mức độ dịch và có biện pháp phòng dịch.

Và bài học minh bạch vẫn ở tận đâu đó, dù dịch đang ở đỉnh.

Hà Nội thừa nhận có dịch sởi từ tháng 12-2013

Chiều 22-4, tại buổi giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, khi phóng viên Tuổi Trẻ đặt vấn đề tại sao có sự chênh lệch về thống kê ca tử vong liên quan tới sởi tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết:

- Về số ca tử vong Hà Nội công bố, chúng tôi khẳng định các số liệu trên là chính xác, không có chuyện giấu giếm. Hiện Cục Y tế dự phòng đã báo cáo Thủ tướng cả nước có 25 trường hợp tử vong trực tiếp do sởi, con số 119 trường hợp tử vong còn liên quan đến yếu tố đồng nhiễm hay tử vong trên nền bệnh khác. Còn tại sao nói có 25 trường hợp tử vong trực tiếp và 119 trường hợp tử vong “gián tiếp” thì phải đợi các công bố khoa học.

* Bộ trưởng Bộ Y tế mới đây có nói công bố dịch sởi trên toàn TP sẽ ảnh hưởng lớn đến việc học hành, đi lại, du lịch. Xin hỏi có phải vì lý do này mà Hà Nội chọn cách không công bố dịch sởi?

- Hà Nội không nói là không có dịch sởi. Ngay từ tháng 12-2013 chúng tôi đã nói Hà Nội có dịch sởi, nhưng nằm rải rác. Đến nay chưa có tổ dân phố nào có nhiều bệnh nhân mắc sởi, trung bình mỗi phường, xã chỉ có 2-3 bệnh nhân, chứ không nơi nào tập trung thành ổ dịch. Ổ dịch lớn không có, chỉ có những ổ dịch nhỏ từ 2-3 bệnh nhân ở một xã, phường. Việc công bố dịch cũng chỉ là thủ tục hành chính. Mục đích của công bố dịch là để cảnh báo cho người dân và tập trung nguồn lực dập dịch. Dù Hà Nội chưa công bố dịch nhưng việc cảnh báo cho người dân về dịch sởi đã được thực hiện rất quyết liệt. TP Hà Nội đã tập trung nguồn lực, quyết định dành 75 tỉ đồng cho phòng chống dịch sởi với mục tiêu khống chế và giảm được dịch, hạn chế số ca tử vong.

Nhưng thời tiết hiện nay rất bất lợi cho việc dập dịch sởi. Nếu nắng to virút sởi sẽ bị tiêu diệt, nếu cứ âm u thì khả năng lây lan cao. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ nói Hà Nội đã khống chế dịch sởi. Tuy nhiên, việc khống chế dịch khác với việc dập hết dịch. Thực tế dịch sởi hiện đã chững lại, còn để dập hết phải sang tháng 5 và tháng 6-2014.

* 345 người lớn ở TP.HCM mắc sởi

Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, từ đầu năm đến ngày 22-4, nơi này đã tiếp nhận điều trị nội trú cho 1.031 lượt bệnh nhân bệnh sởi, trong đó có 345 (33%) là bệnh nhân người lớn. Bệnh nhân mắc bệnh sởi lớn tuổi nhất điều trị tại bệnh viện là 66 tuổi.

* 10% trẻ mắc sởi đã tiêm một mũi văcxin phòng sởi

Theo Cục Y tế dự phòng, trong số trên 3.400 bệnh nhân sởi đã có xét nghiệm xác định ở mùa dịch này, có 68% dưới 10 tuổi, đặc biệt có 11% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, tức là chưa đến tuổi tiêm ngừa sởi. 35% trong số tử vong do sởi (không có bệnh nền kèm theo) là dưới 9 tháng tuổi. Có 10% bệnh nhân đã tiêm ngừa một mũi, 4,4% tiêm ngừa đủ hai mũi.

* Đà Nẵng tổ chứcchiến dịch tiêm phòng

Sáng 22-4, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng sẽ triển khai chiến dịch tiêm văcxin sởi cho toàn thể trẻ em từ 9-24 tháng tuổi trên địa bàn TP. Thời gian từ ngày 25 đến 29-4-2014. Địa điểm tiêm diễn ra tại tất cả các trạm y tế xã, phường trên địa bàn. Theo Sở Y tế Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay trên địa bàn có hơn 100 ca nghi sởi.

* Viện Pasteur Nha Trang “cháy” văcxin phòng sởi

Do lượng trẻ có nhu cầu tiêm ngừa sởi gia tăng đột biến nên đến chiều 22-4, Trung tâm Sinh học lâm sàng thuộc Viện Pasteur Nha Trang đã không còn loại văcxin “ba trong một” ngừa bệnh sởi, quai bị, rubella. Bà Nguyễn Thị Lan - giám đốc trung tâm - cho hay phải đến ngày 28-4, tại đây mới có lại loại văcxin “ba trong một” này. Theo bà Lan, rất nhiều người dân từ Bình Định đến bắc Bình Thuận đưa trẻ về Viện Pasteur Nha Trang tiêm ngừa bệnh sởi. Bình quân mỗi ngày có khoảng 90 lượt trẻ chích ngừa văcxin này, có ngày trên 100 trẻ. Việc gia tăng đột biến lượng trẻ chích ngừa khiến loại văcxin “ba trong một” ngừa sởi, quai bị, rubella dự trữ tại trung tâm hết sạch.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Lo ngại công bố dịch ảnh hưởng chuyện đi lại, học hànhCách nhận biết, phòng chống bệnh sởiCách nào bảo vệ trẻ trước dịch sởi?Hà Nội chưa công bố dịch sởi Không công bố, chỉ thông báo dịch sởi!

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên