22/04/2014 21:06 GMT+7

Cách nhận biết, phòng chống bệnh sởi

LAN ANH ghi
LAN ANH ghi

TTO - Bộ Y tế vừa có khuyến cáo để hướng dẫn các bậc cha mẹ nhận biết và phòng bệnh sởi trong mùa dịch hiện nay.

Cách nào bảo vệ trẻ trước dịch sởi?

zxD1z2c1.jpgPhóng to
Các y, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi T.Ư đang điều trị cho một bệnh nhi mắc sởi - Ảnh: Nguyễn Khánh

1. Phương thức lây truyền của bệnh sởi?

- Lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

- Điều kiện ẩm thấp là môi trường thuận lợi nhất cho bệnh sởi lây lan, đặc biệt đối với người chưa có miễn dịch với bệnh sởi.

2) Những dấu hiệu mắc bệnh sởi?

- Sốt 38-40 độ C và sốt liên tục.

- Ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), chảy mũi, viêm kết mạc (dử mắt, phù nhẹ mi), hắt hơi, tiêu chảy.

- Có những hạt nhỏ kích thước khoảng 1 mi-li-mét nổi lên trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to; nốt có màu trắng hoặc hơi xám, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12 đến 18 giờ.

- Sau khi sốt 3 đến 4 ngày, trẻ bắt đầu phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, tay, sau lưng, chân, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Ban có thể rải rác hoặc dày, có thể ngứa ít.

- Trẻ ăn kém, mệt, mỏi. Thường thì 3 bốn 4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay thứ tự như khi mọc và để lại vết thâm trên da, có thể có bong vảy nhẹ, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Trẻ lại sức dần và hết sốt.

Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh sởi nên đưa đến các cơ sở y tế ban đầu gần nhất để được khám, điều trị và hướng dẫn chăm sóc kịp thời, hạn chế chuyển trẻ lên bệnh viện tuyến trên (nơi đang điều trị các ca sởi nặng) để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

3) Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh sởi như thế nào?

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, việc điều trị chủ yếu để phòng bội nhiễm và điều trị các biến chứng nặng do sởi gây ra. Do đó, việc chăm sóc cho trẻ đóng vai trò rất quan trọng.

- Giai đoạn bệnh nhẹ chủ yếu là chữa triệu chứng như: uống thuốc hạ sốt, nhỏ mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt chloramphenicol 0,1% khoảng 3-4 lần/ngày.

- Ăn đầy đủ thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước để nâng cao thể trạng, tránh bị suy dinh dưỡng và biến chứng do sởi.

- Vệ sinh thân thể, mắt, răng, miệng cho trẻ và giữ thông thoáng nơi ở, tránh gió lùa.

- Người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên rửa tay bằng thuốc sát khuẩn hoặc rửa tay với xà phòng, đeo khẩu trang

- Cần cách ly trẻ tại nhà để tránh lây nhiễm cho trẻ khác và người nhà.

4) Các dấu hiệu tăng nặng của bệnh sởi?

Bệnh sởi có thể gây các biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong nên cần theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu tăng nặng của tr.

- Trẻ khó thở, co kéo nhiều lồng ngực, hoặc có cơn tím tái thở rít

- Trẻ sốt li bì hoặc sốt cao liên tục, uống thuốc hạ nhiệt paracetamol không hạ sốt, hoặc đã hết sốt và có sốt trở lại

- Trẻ co giật hoặc li bì

- Trẻ nôn trớ nhiều hoặc tiêu chảy nhiều lần trong ngày, khát nước nhiều

- Mắt nhiều dử mắt, kèm nhèm nhìn không rõ

- Lúc ban bay, trẻ đã hết sốt nhưng lại sốt lại

- Trẻ có dấu hiệu nghi viêm tai giữa (quấy lúc lắc đầu và đập hoặc dụi bên tai vào vai người mẹ).

5) Các biến chứng sau khi mắc sởi nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời?

- Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não tủy, cam tẩu mã, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng (do quá kiêng khem), loét giác mạc do thiếu sinh tố (vitamin) A. Các biến chứng này rất nặng và dễ gây tử vong.

6) Đề phòng chống bệnh sởi hiệu quả, người dân phải làm gi?

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh sởi. Trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 đến 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi mắc sởi, trẻ sẽ có miễn dịch bền vững.

- Khi trẻ mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi cần cách ly trẻ để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.

Hà Nội đầu tư 75 tỷ đồng phòng chống dịch sởi

Ngày 22-4, Bộ Y tế đã có kết luận thông báo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sau cuộc làm việc với UBND thành phố Hà Nội về phòng chống dịch sởi.

Bộ trưởng Tiến hoan nghênh Hà Nội đã đầu tư 75 tỷ đồng cho phòng chống dịch, tập trung cải tiến cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế chống dịch.

Bộ trưởng Tiến cũng cam kết Bộ Y tế sẽ cấp đủ vắc xin ngừa sởi cho Hà Nội tiêm vét ngừa bệnh cho các cháu 9 tháng - 6 tuổi

LAN ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên