24/04/2014 05:20 GMT+7

Phòng lây sởi từ trường học, chỗ đông người

LAN ANH - VŨ VIẾT TUÂN - THÙY DƯƠNG
LAN ANH - VŨ VIẾT TUÂN - THÙY DƯƠNG

TT - Theo ghi nhận sáng 23-4, tại Trường THCS Đống Đa (P.Kim Liên, Q.Đống Đa, Hà Nội) có khá nhiều học sinh được nhà trường cho phép nghỉ học ở nhà vì có các dấu hiệu nghi mắc sởi.

Dịch sởi: bài học cho cả ngành y tế345 người lớn ở TP.HCM đã mắc bệnh sởiNgười dân ùn ùn đi chích ngừa sởi

XfDj0YYn.jpg
Học sinh đến trường đều mang khẩu trang để tránh lây bệnh - Ảnh: V.V.Tuân

Đầu giờ sáng, trong phòng y tế của trường đã có hai học sinh ngồi đợi giáo viên phụ trách y tế đến để nhờ tư vấn. Cả hai em đều là học sinh lớp 9A4.

Học sinh sốt phát ban phải nghỉ học

Thanh Hóa: 95 bệnh nhi mắc sởi

Sáng 23-4, thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa cho biết đến nay trên địa bàn 7/27 huyện, thị xã, TP của tỉnh đã có 95 bệnh nhi dương tính với sởi, tập trung ở huyện Quảng Xương, Thiệu Hóa, thị xã Sầm Sơn, TP Thanh Hóa.

Trong số bệnh nhi mắc sởi nêu trên có 79 trẻ mắc sởi được đưa đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị; hiện có bốn bệnh nhi thở bằng oxy, một trường hợp nặng phải thở bằng máy. Trong những ngày qua, bệnh nhi mắc sởi có chiều hướng gia tăng, mỗi ngày có khoảng 10 bệnh nhi mắc sởi vào Bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị, gây quá tải cho bệnh viện...

HÀ ĐỒNG

Em P.H.L. đợi cô giáo đến để hỏi xem có phải em bị mắc sởi hay không. Em cho biết từ chiều tối 22-4, sau khi đi học về, em thấy trên tay có một vài vết nổi mẩn đỏ. Nhưng vì đang trong kỳ thi cuối học kỳ 1 nên sáng nay em không dám nghỉ mà vẫn đến trường. Em L. kể: “Lớp em có nhiều bạn bị sốt, phát ban từ cách đây một tuần. Các bạn ấy đều được thầy cô giáo cho nghỉ học vì nghi bị mắc bệnh sởi. Nếu tính từ tuần trước đến giờ lớp 9A4 của em có gần nửa lớp phải nghỉ học vì phát ban như vậy”.

Hiện các lớp có học sinh nghỉ học đều được các cô giáo nhắc nhở mang khẩu trang khi vào lớp để tránh bệnh sởi và sốt phát ban lây lan. Cô Nguyễn Thị Diệu, giáo viên phụ trách y tế của Trường THCS Đống Đa, cho biết trường phát hiện ca bị sốt, phát ban nghi bị mắc sởi đầu tiên từ ngày 8-4. Ngay hôm đó, nhà trường đã đề nghị phụ huynh đưa em học sinh đi khám, đồng thời báo Trạm y tế phường Kim Liên và Phòng giáo dục - đào tạo quận Đống Đa về trường hợp này. Từ đó đến nay có nhiều học sinh bị phát ban kèm ho sốt, có biểu hiện giống bệnh sởi. Hiện mỗi đầu giờ học buổi sáng và chiều, nhà trường đều cử giáo viên đến từng lớp học kiểm tra sĩ số. Cô Diệu cũng thông tin mỗi ngày có khoảng 20 học sinh trong trường nghỉ học, hôm cao điểm có đến 30 em nghỉ học. Theo ông Hoàng Đức Hạnh - phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, TP đã thống nhất cho phép học sinh bị sốt phát ban nghi sởi, bị sởi nghỉ học chữa bệnh, đồng thời tránh lây lan bệnh sởi vốn là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan.

Tránh lây bệnh từ đám đông

Bác sĩ Đỗ Châu Việt - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM - cho biết trước thông tin số người mắc bệnh sởi tăng cao như hiện nay, nhiều người không khỏi lo ngại khi đến những nơi đông người sẽ bị mắc bệnh. Đây là nỗi lo hợp lý vì bệnh sởi lây lan rất nhanh. Virút sởi sẽ lây từ người bệnh sang người lành khi ho, hắt hơi, nói chuyện...

Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, chích ngừa sởi vẫn là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất. Ngoài ra, để tránh lây lan bệnh trong cộng đồng, những người mắc bệnh sởi cần có ý thức tự cách ly, không nên đến nơi đông người. Bên cạnh sự kêu gọi ý thức tự cách ly của những người bệnh, mọi người cần có ý thức tự bảo vệ chính mình như đến nơi đông người nên đeo khẩu trang và rửa sạch tay thường xuyên để tránh lây bệnh. Với những gia đình đang có trẻ nhỏ, đặc biệt đối với trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa được chích ngừa sởi, người lớn đi ở ngoài về cần tắm rửa, thay đồ rồi mới chăm sóc trẻ vì virút sởi có thể theo người lớn từ ngoài về và gây bệnh cho trẻ.

Khi một bệnh nhi mắc bệnh sởi nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, nhiều người nhà của trẻ đều cố vào bệnh viện thăm, chăm trẻ mà không biết được rằng khi từ bệnh viện về nhà có thể sẽ là nguồn lây bệnh cho trẻ nhỏ ở nhà. Do vậy, cần có biện pháp hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng từ những người thăm nuôi trong bệnh viện. Bệnh viện cũng đã có khuyến cáo với các gia đình này.

Thời gian qua Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các cô giáo mầm non trong TP nhận biết sớm những triệu chứng mắc bệnh sởi ở trẻ như sốt cao liên tục, khó hạ sốt, viêm long đường hô hấp: chảy nước mắt, nước mũi, đổ ghèn... và trước đó có tiếp xúc với bệnh nhân sởi. Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh sởi, các cô giáo cần báo cho gia đình để trẻ được đi khám và cách ly sớm. Nếu trẻ đã được chẩn đoán mắc bệnh sởi, nhà trường cần thông báo cho những trẻ từng tiếp xúc với trẻ mắc sởi để được theo dõi thêm ở nhà, khi có những dấu hiệu nghi ngờ thì phải đi khám sớm...

Thiếu văcxin trong lúc nhu cầu tiêm ngừa lên cao

Hiện văcxin 5 trong 1 dịch vụ ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib, văcxin 3 trong 1 dịch vụ ngừa sởi, quai bị, rubella và văcxin ngừa thủy đậu đều không còn. Cụ thể, văcxin 3 trong 1 đã hết hàng từ ngày 22-3, văcxin thủy đậu hết hàng từ tháng 10-2013 và văcxin 5 trong 1 hết hàng khoảng hai tháng nay.

Chiều 23-4, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có công văn khẩn gửi sở y tế các địa phương, các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhập khẩu văcxin đề nghị cung cấp đủ văcxin sởi cho nhu cầu phòng bệnh sởi. Về việc văcxin dịch vụ hết hàng, Cục Quản lý dược yêu cầu các công ty sản xuất kinh doanh nhanh chóng sản xuất và đặt mua văcxin, phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân. Theo Cục Quản lý dược, việc lập dự trù, đặt hàng mua văcxin của một số cơ sở tiêm chủng không kịp thời, sát với thực tế dẫn đến thiếu văcxin và giải thích không rõ nguyên nhân thiếu gây hiểu lầm trong dư luận là Bộ Y tế cấp phép không kịp thời.

L.ANH - V.V.TUÂN - L.TH.H.

LAN ANH - VŨ VIẾT TUÂN - THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên