26/07/2013 06:30 GMT+7

Nỗi lo văcxin

LAN ANH
LAN ANH

TT - Tỉ lệ mắc 15 bệnh truyền nhiễm thường gặp và có văcxin bảo vệ như thủy đậu, sởi, quai bị, ho gà, bại liệt... ở VN đã giảm từ 55-100% so với trước khi có văcxin, nhưng chất lượng văcxin và dịch vụ tiêm chủng lại đang gây nhiều lo lắng.

Một trẻ tử vong sau khi tiêm văcxin viêm gan B ở Bình ThuậnSẽ xem xét lại lịch tiêm văcxin viêm gan BKết luận vụ trẻ tử vong sau tiêm văcxin

CMviKozI.jpgPhóng to
Trẻ được chích ngừa sau sinh - Ảnh: N.C.T.

Nỗi lo này càng tăng thêm khi từ đầu năm 2013 đã có 11 trẻ tử vong sau tiêm văcxin.

Một số văcxin thuộc thế hệ cũ

"Việc giữ lịch tiêm văcxin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh là chưa thuyết phục về mặt khoa học, chủ yếu có ý nghĩa đảm bảo 100% trẻ được tiêm ngừa"

Ông Nguyễn Đình Bảng (nguyên viện trưởng Viện Kiểm định văcxin và sinh phẩm y tế)

Bốn trẻ tử vong sau tiêm văcxin viêm gan B trong hai ngày 20 và 21-7 đều với kết luận ban đầu là “sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân”, “đột tử chưa rõ nguyên nhân”. Trước đó, ba tháng đầu năm 2013 có năm trẻ tử vong sau tiêm văcxin Quinvaxem với kết luận rất mù mờ: “một trong năm trường hợp tử vong có thể liên quan tới văcxin” đang khiến các bậc cha mẹ hoang mang về chất lượng dịch vụ tiêm chủng. Từ đầu năm 2013 đã có 10 trẻ tử vong sau tiêm văcxin, còn tính từ tháng 11-2012 chỉ trong chín tháng qua đã có đến 19 trẻ và một thiếu nữ 18 tuổi tử vong sau tiêm văcxin, cao hơn rất nhiều so với bình quân những năm qua là mỗi năm có 10-12 trẻ phản ứng nặng (tử vong) sau tiêm văcxin.

Tuy nhiên, điều đáng nói là những nguy cơ của các tai biến văcxin vẫn còn hiện hữu bởi chất lượng văcxin được sử dụng ở VN thuộc nhóm thế hệ cũ, đã có khuyến cáo thay thế. Theo PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển, nguyên chủ nhiệm chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, văcxin lưu hành ở VN đều đạt các tiêu chuẩn của VN hoặc quốc tế dành cho sản phẩm, nhưng một số văcxin đang sử dụng thuộc thế hệ cũ như văcxin ho gà toàn tế bào, văcxin viêm não Nhật Bản sản xuất từ não chuột đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không sử dụng...

“Điều này phần nào ảnh hưởng chất lượng dịch vụ và tỉ lệ phản ứng sau tiêm. Thực tế sử dụng văcxin có thành phần ho gà vô bào thế hệ mới tại điểm tiêm dịch vụ, tỉ lệ trẻ có sốt, đau chỗ tiêm và các phản ứng nặng hơn là rất thấp. Tỉ lệ phản ứng sau tiêm cao sẽ gây tâm lý lo lắng cho cộng đồng và làm giảm tỉ lệ tiêm chủng” - ông Hiển đánh giá.

Và do “quá tải”?

Trong tất cả các tai biến sau tiêm tính từ tháng 11-2012, dịch vụ tiêm chủng tại các điểm tiêm có tai biến đều được đánh giá tốt. Tuy nhiên trường hợp tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, Quảng Trị (liên quan ba ca tử vong sau tiêm viêm gan B hôm 20-7), hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Quảng Trị đã xác nhận có hàng loạt sai phạm: bảo quản văcxin chưa đúng quy định, để văcxin cùng các sinh phẩm khác dễ gây nhầm lẫn khi vội vã, đông bệnh nhân, quản lý văcxin tại bệnh viện chưa đúng quy định, không ghi chép quản lý văcxin hằng ngày, không lưu vỏ, lọ văcxin theo quy định, không triển khai tiêm văcxin tại phòng tiêm riêng mà tiêm tại phòng bệnh, không đảm bảo yêu cầu vô trùng...

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau sự cố này, ông Nguyễn Văn Bình - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho rằng khó khăn hiện nay là mỗi địa phương chỉ dành 1 ngày/tháng cho tiêm chủng toàn bộ trẻ trong độ tuổi khiến quá tải công việc, không đủ thời gian khám sàng lọc và giữ trẻ ở lại điểm tiêm theo dõi trong 30 phút như quy định. Theo nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, nên giãn hoạt động này ra một tuần, mỗi ngày chỉ tiêm ngừa cho 30 trẻ/điểm. Còn ông Đỗ Sỹ Hiển cho rằng nên kéo dài thời gian tiêm chủng ra 2-3 ngày/tháng.

Sau phiên họp của hội đồng tư vấn chuyên môn về văcxin ngày 24-7, ông Nguyễn Văn Bình đã có quyết định giữ lịch tiêm văcxin viêm gan B mũi đầu trong 24 giờ đầu sau sinh. Lịch tiêm của Bộ Y tế đưa ra, các bệnh viện sẽ phải đồng thuận, nhưng có bệnh viện nào có vướng mắc như Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, nhất là ở các điểm tiêm cấp huyện? Hiện Bộ Y tế chưa có đánh giá cuối cùng và căn cứ khoa học để giữ lịch tiêm này cũng rất yếu, khi bộ cho rằng các huyện vùng sâu vùng xa chưa sàng lọc được bà mẹ viêm gan B, các bệnh viện có xét nghiệm máu trước sinh thì lo ngại bà mẹ nhiễm viêm gan B ở giai đoạn “cửa sổ”, xét nghiệm chưa xác định được, nên phải giữ lịch tiêm này để tránh bỏ sót. Ông Nguyễn Đình Bảng, nguyên viện trưởng Viện Kiểm định văcxin và sinh phẩm y tế, bày tỏ việc giữ lịch tiêm văcxin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh là chưa thuyết phục về mặt khoa học, chủ yếu có ý nghĩa đảm bảo 100% trẻ được tiêm ngừa, song lại có nguy cơ tai biến sau tiêm. Ý kiến này rất cần phải gửi đến Bộ Y tế. Ông Bảng cũng nói rằng nếu ông có con cháu thì cũng không muốn cho con cháu mình tiêm mũi này!

Các ca tai biến nặng sau tiêm văcxin từ đầu năm 2013

- Từ tháng 1 đến tháng 3: năm ca tử vong sau khi tiêm văcxin Quinvaxem 5 trong 1.

- Ngày 6-4: một thiếu nữ tử vong sau khi tiêm mũi ngừa ung thư cổ tử cung.

- Tháng 6: một ca tử vong ở Thái Nguyên sau tiêm văcxin có kết luận “tử vong do sặc sữa”.

- Ngày 20 và 21-7: bốn trẻ tử vong sau tiêm văcxin ngừa viêm gan siêu vi B.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên