21/04/2010 17:02 GMT+7

Bệnh tả: nguy cơ thành dịch rất gần

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Ngày 21-4, tại hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm khu vực phía Nam, ông Lê Hoàng San - Viện phó Viện Pasteur TP.HCM - nhận định hiện nay TP.HCM vẫn chưa tìm được nguồn lây bệnh tả nên chưa xử lý dứt điểm nguồn lây bệnh mà chỉ tập trung xử lý các ca bệnh dương tính.

Theo ông Hoàng San, chỉ cần một trường hợp mắc tả có triệu chứng lâm sàng điển hình sẽ có hàng trăm người mang trùng không có triệu chứng và đây sẽ là nguồn lây khó kiểm soát trong cộng đồng. Chưa kể TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước với mỗi ngày có khoảng một triệu khách vãng lai từ nhiều vùng miền, thậm chí từ các nước có bệnh tả. Do vậy, bệnh tả ở TP.HCM khó kiểm soát, có thể kéo dài và lan tràn trong cộng đồng rất lớn.

5cuQjaDS.jpgPhóng to

Đội y tế dự phòng huyện An Phú (An Giang) phát thuốc chloramine B (diệt vi khuẩn trong nước) cho người dân Takeo, Campuchia - Ảnh: Phòng y tế huyện An Phú cung cấp

TS.BS Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM thừa nhận dù TP đã nỗ lực, chủ động trong công tác phòng chống bệnh tả, tuy nhiên hiện TP có hai điểm yếu trong công tác phòng chống bệnh này. Đó là việc quản lý hàng rong và các ghe thuyền. Bất cứ chỗ nào trên địa bàn TP.HCM đều có mặt của hàng rong và số lượng hàng rong trong TP là bao nhiêu thì không đếm được, trong đó có nhiều hàng rong chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

TP.HCM có chủ trương từ nay đến cuối tháng 5, toàn bộ những người bán hàng rong sẽ được tập hập huấn lại về kiến thức, kỹ năng vệ sinh an toàn thực phẩm. Về lâu dài, UBND TP sẽ đưa những người bán hàng rong vào những khu ăn uống tập trung. Còn trước mắt trong thời gian này, những hàng rong không đủ điều kiện về nước thì các phường, xã phải cấm không cho bán, thậm chí cưỡng chế, tịch thu.

Để quản lý ghe, thuyền tàu từ các tỉnh đến, đặc biệt là các tỉnh miền Tây khi những người ở trên ghe, ăn trên bờ, tắm dưới sông và đi vệ sinh xuống sông, TS Trường Giang cho rằng TP cần có một thời gian dài.

Trước mắt, UBND TP đã quyết định công ty cấp nước TP phải đưa xe bồn hoặc đưa những bồn nước lớn đặt trên những khu vực này để cung cấp nước sạch cho người dân theo giá nước máy của TP. Như vậy, giá nước máy sẽ rẻ hơn 20 lần so với giá nước thực tế mà hiện các ghe này đang phải mua. Đồng thời, TP sẽ tiếp tục đưa những xe vệ sinh công cộng lưu động tới và trong tương lai sẽ xây những nhà vệ sinh công cộng để đáp ứng nhu cầu vệ sinh của những người khách vãng lai.

Theo TS Trường Giang, với một đường biên giới giáp ranh giữa nước ta với Campuchia dài như vậy, khả năng phẩy khuẩn tả từ vùng dịch đó đi theo con đường tự nhiên cũng như đi theo con người vào miền Nam là rất lớn. Như vậy, không chỉ An Giang có bệnh nhân tả mà có thể nhiều tỉnh, thành khác cũng đã có ca bệnh tả nhưng do chưa được phát hiện. Những nơi có ca tả chưa được phát hiện sẽ chưa thể có các biện pháp phòng ngừa, do vậy nguy cơ bùng phát bệnh tả ở các tỉnh phía Nam là rất lớn.

TS Trường Giang hoan nghênh tỉnh An Giang khi ngành y tế An Giang đã chủ động sang Campuchia hỗ trợ nước bạn chống dịch. Nhưng một mình ngành y tế An Giang sẽ khó có thể giúp được Campuchia dập được ổ dịch, do đó theo TS Trường Giang, Viện Pasteur TP.HCM nên đề nghị chính thức với Bộ Y tế, thậm chí với Chính phủ để Việt Nam có thể đưa một lực lượng mạnh mẽ hơn, hùng hậu hơn đến giúp nước bạn chống dịch, đồng thời cũng là giúp chính mình.

Tin, bài liên quan:

Qua Campuchia ngăn dịch tả Lo ngại nguy cơ lây lan dịch tả từ Campuchia vào VN Bệnh tả và chất lượng cuộc sống Dịch tả xuất hiện tại An Giang

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên