21/04/2010 07:43 GMT+7

Qua Campuchia ngăn dịch tả

NHÓM PV, CTV TUỔI TRẺ
NHÓM PV, CTV TUỔI TRẺ

TT - Trước tình hình bệnh tả đang diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh An Giang đã chủ động đưa cán bộ sang Campuchia giúp bạn... Hiện bệnh tả đã xuất hiện tại năm tỉnh thành trong cả nước. Riêng tại TP.HCM, bác sĩ Phan Công Hùng, phó khoa y tế công cộng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng bệnh tả hiện đã lây lan trong cộng đồng.

* Tiến sĩ Sok Touch (Bộ Y tế Campuchia): Dịch tả có thể lan từ Campuchia đến Việt Nam

nUb93ORd.jpgPhóng to
Cán bộ y tế dự phòng của An Giang phát thuốc, hướng dẫn người dân Takeo, Campuchia phòng bệnh tả - Ảnh: Phòng y tế huyện An Phú cung cấp

TS.BS Lê Mạnh Hùng, trưởng khoa nhiễm A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, tỏ ra lo lắng trước thông tin có hai người sống trên chiếc ghe neo ven sông tại khu phố 5, P.Tân Thuận Tây, Q.7 đã nhiễm tả.

Khó khống chế bệnh tả

“Xóm ghe” này có 51 người dân sống trên 14 chiếc ghe. Họ đều lấy nước sông để sinh hoạt và đi vệ sinh xuống sông. Theo BS Phan Công Hùng, điều này rất nguy hiểm vì các ca bệnh trên cạn còn phong tỏa được, chứ khi người bệnh đã sống trên ghe, đã nhiễm bệnh nhiều ngày trước khi được phát hiện, đã đi vệ sinh xuống nước làm nước sông bị ô nhiễm thì nguy cơ lây lan cực cao vì dòng nước này trôi về đâu không ai biết được. Do vậy, vấn đề khu trú, khống chế bệnh tả hiện nay rất khó.

Tại An Giang, theo báo cáo của Sở Y tế, từ ngày 15-1 Bệnh viện Đa khoa huyện An Phú bắt đầu tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy cấp từ hai tỉnh Kandal và Takeo (Campuchia) sang điều trị. Một số trường hợp bị bệnh tả. Đến ngày 1-2 đã có người dân các xã biên giới trong huyện bị tiêu chảy cấp, dương tính với phẩy khuẩn tả.

Bác sĩ Võ Huy Danh, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết đến nay Bệnh viện Đa khoa huyện An Phú đã tiếp nhận điều trị 225 trường hợp tiêu chảy cấp, trong đó có năm bệnh nhân tả. Còn trong số 28 bệnh nhân Campuchia sang điều trị có 12 ca bệnh tả. “Nguồn lây tiêu chảy cấp và bệnh tả ở huyện An Phú đều có liên quan đến dịch bệnh tại Campuchia” - BS Danh nhận định.

mHp75qWd.jpgPhóng to

Đội y tế dự phòng huyện An Phú (An Giang) phát thuốc chloramine B (diệt vi khuẩn trong nước) cho người dân Takeo, Campuchia - Ảnh: Phòng y tế huyện An Phú cung cấp

Giữ tay sạch, ăn chín, uống sôi

Vi khuẩn gây bệnh tả Vibrio cholerae có thể sống trong nước cả tuần và khi trôi theo dòng nước có thể phát tán khắp mọi nơi. Người dân ở những nơi khác có thể lấy nước nhiễm phẩy khuẩn tả này để tưới cây, rửa trái cây, sau đó đem bán. Người ăn phải trái cây, rau sống này mà không được rửa sạch sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.

TS Lê Mạnh Hùng khuyên mỗi người dân phải tự phòng bệnh bằng cách luôn rửa tay với xà phòng trước khi ăn, trước khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh, ăn chín uống sôi. Với các loại rau thường ăn sống, khi đang có bệnh tả phải trụng sơ nước sôi trước khi ăn. Vi khuẩn gây bệnh tả có thể sống ở nhiệt độ 16-42OC, phát triển mạnh nhất ở 37OC.

Như vậy ở nhiệt độ bình thường như hiện nay hết sức thuận lợi cho vi khuẩn tả phát triển. Vi khuẩn tả chỉ chết nhanh trong môi trường có axit, chất sát trùng và chỉ tồn tại 10 phút ở nhiệt độ 55OC. Đặc biệt, vi khuẩn này còn sống được trong cả nguồn nước lợ và nước mặn ở các vùng cửa sông, ven biển. Chính vì vậy, một số hải sản tươi sống cũng chứa mầm bệnh và người dân không nên ăn hải sản ở dạng tươi sống.

Sau khi phát hiện dịch bệnh, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo triển khai kế hoạch phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. “Nhờ vậy dịch tiêu chảy cấp tạm thời được ngăn chặn. Từ 20-3 tới nay các bệnh viện trong tỉnh chưa tiếp nhận thêm ca bệnh tả nào” - BS Danh cho hay.

Sang nước bạn phát thuốc

Tuy nhiên, tới nay tại Campuchia đã có hơn 300 ca mắc bệnh tả với ba trường hợp tử vong, tình hình dịch bệnh vẫn chưa được khống chế. Tại hai tỉnh Kandal và Takeo phần lớn người dân vẫn còn sử dụng nước sông trong ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh.

Trong khi tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia vốn có nhiều cửa khẩu, hằng ngày người dân hai nước vẫn thường qua lại làm ăn, mua bán. Ngoài ra, còn có cả ngàn học sinh Việt kiều sang học tại huyện An Phú nên khả năng lây lan mầm bệnh qua biên giới rất cao.

Do đó, ngoài tăng cường công tác kiểm dịch ở các khu vực cửa khẩu, ngành y tế An Giang đã tích cực giúp phía bạn trong việc phòng chống bệnh tả. “Ngoài hỗ trợ chuyên môn, chúng tôi còn sang Campuchia phát tờ rơi vận động dân giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt, ăn uống và cấp chloramine đại trà cho dân sử dụng” - BS Huỳnh Văn Bồng, giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh An Giang, cho biết.

BS Tô Đức Sinh - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước - cho hay những ngày qua tỉnh Karatie, Campuchia (giáp biên giới tỉnh Bình Phước) đã có nhiều trường hợp tử vong do tiêu chảy cấp nguy hiểm. Ngành y tế tỉnh đã thành lập khoa kiểm dịch y tế tại cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (huyện Lộc Ninh) nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Hiện nay mọi hoạt động giao thương thông qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đều phải chịu sự kiểm dịch chặt chẽ của cán bộ y tế, người được kiểm tra sức khỏe, phương tiện qua lại phải phun xịt thuốc, kiểm tra an toàn vệ sinh với thực phẩm tươi sống...

Dịch tả có thể bùng phát

Tính đến chiều 20-4, Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) xác nhận đã có năm địa phương xuất hiện các ổ dịch tả. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường Nguyễn Huy Nga nhận định dịch tả có nguy cơ bùng phát rất cao.

Theo ông Nga, ở thành thị, nguy cơ bùng phát dịch thông qua thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Còn ở khu vực nông thôn, mầm bệnh có thể lây lan thông qua nguồn nước nhiễm bệnh từ nhà tiêu không hợp vệ sinh. Tại hai tỉnh An Giang và Bắc Ninh, các nguồn nước sông, hồ gần khu vực gia đình bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm nhiễm vi khuẩn tả. Ngoài ra, dịch tả đã xuất hiện ở Việt Nam tới nay là năm thứ tư, người lành mang trùng và một số loài thủy sinh như ốc, tôm, cua nhiễm vi khuẩn, khi chế biến chưa chín, không hợp vệ sinh cũng là một nguồn lây đáng lo ngại.

Chiều 20-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn nhận định đến thời điểm này, tình hình dịch tả ở Việt Nam chưa được gọi là vụ dịch tả mà mới dừng ở các ổ dịch nhỏ lẻ. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch rất cao tại các địa phương có dịch cũ như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa. Tại phía Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng có nguy cơ lây lan dịch cao.

Theo ông Trịnh Quân Huấn, mới đây Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Y tế Campuchia và đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Campuchia đề nghị phối hợp chống dịch. “Chúng tôi đã thông báo sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân Campuchia” - ông Huấn cho biết.

Theo Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn, tại Việt Nam nguồn lây bệnh đáng lo ngại nhất là thực phẩm, nhất là các đồ ăn nguội, thức ăn đường phố, hải sản chưa chín kỹ, rau sống... Vì thế, Bộ Y tế đã yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương soạn sổ tay Cách phòng chống và dập dịch tả, đang in để kịp cấp phát về các địa phương.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn yêu cầu các địa phương dập dịch tả ngay từ các ca bệnh đầu tiên, đồng thời giám sát chặt những trường hợp có liên quan. Trường hợp tại tỉnh Hải Dương có trên 200 người liên quan đến bệnh nhân nhiễm vi khuẩn tả được giám sát chặt chẽ, đến 20-4 là tròn một tuần nhưng không phát hiện thêm bệnh nhân mới.

I4iED13T.jpgPhóng to
Tiến sĩ Sok Touch - Ảnh: Lan Anh
Tiến sĩ Sok Touch, Giám đốc Cơ quan kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế Campuchia:

Dịch tả có thể lan từ Campuchia đến Việt Nam

* Thưa ông, có thông tin 300 người mắc và ba trường hợp tử vong vì dịch tả tại Campuchia, thông tin này có chính xác không?

- Con số tôi có thể chắc chắn là 128, trong đó có một trường hợp tử vong. Nhưng hiện dịch đang bùng phát ở các tỉnh khác, đặc biệt ở khu vực đông bắc Campuchia. Có 10-30 trường hợp tử vong khác mà chúng tôi chưa xác định rõ nguyên nhân, nên số ca nhiễm vi khuẩn tả có thể còn nhiều hơn con số 300 ca...

* Các biện pháp phòng chống và đối phó với dịch tả tại Campuchia hiện nay ra sao?

- Chúng tôi không có điều kiện để kiểm tra từng người. Chúng tôi chỉ có thể kiểm tra những người có dấu hiệu nghi vấn, được đưa vào bệnh viện. Ngoài ra, theo kinh nghiệm đương đầu với dịch SARS trước đây, chúng tôi tăng cường ba phương án. Một là tuyên truyền cộng đồng những cách phòng tránh thích hợp: uống nước đã đun sôi, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Hai là chuẩn bị các loại thuốc thích hợp. Và ba là hướng dẫn dân chúng về sức khỏe cộng đồng.

6TBuCiRZ.jpgPhóng to
Vị trí bị dịch tả ở Campuchia - Đồ họa: như khanh

* Dịch tả từ Campuchia có thể lây đến Việt Nam không?

- Có thể. Hãy nhìn lại những gì xảy ra năm 2008, dịch tả từng bùng phát từ Hà Nội. Đến năm 2009, dịch bùng phát tại Lào. Trước khi bùng phát ở Campuchia, dịch tả đã bùng phát ở phía nam Thái Lan. Người dân đang đi lại, di chuyển khắp nơi. Bệnh dịch tả có khả năng lây lan từ hai giờ đến năm ngày. Trong thời gian năm ngày, có thể bạn đã tới rất nhiều nơi, như thế nguy cơ lây lan vi khuẩn tả càng nhanh.

Chúng tôi đang kiểm soát dịch tại các tỉnh biên giới giáp Việt Nam, nhưng dịch tả có thể lan đến bất kỳ nơi nào, không chỉ dừng lại ở khu vực biên giới.

NHÓM PV, CTV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên