01/09/2013 08:17 GMT+7

Nỗi khổ 9 năm làm nhân chứng cho "kỳ án vườn mít"

HÀ CHÂU
HÀ CHÂU

TT - Phiên tòa phúc thẩm do TAND tối cao tại TP.HCM xét xử bị cáo Lê Bá Mai can tội giết người, hiếp dâm trẻ em ngày 30-8 là phiên tòa lần thứ 6. Tuy nhiên, số lần hai cha con ông Điểu Ky và Thị Hằng đi làm nhân chứng thì phải cả chục hơn, vì có những buổi hoãn tòa.

YzAGjSW6.jpgPhóng to
Cha con ông Điểu Ky và Hằng (từ phải qua) - Ảnh: H.Đ.

Dù giấy triệu tập đến tòa ghi là 8g sáng nhưng hai cha con ông Điểu Ky phải rời nhà từ lúc 4g sáng, chưa kịp ăn uống gì. Đã vậy lại bị kẹt xe nên gần 9g họ mới tới nơi. Phải trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử và luật sư suốt buổi sáng nên cả hai cha con ông đều thấm mệt.

“Sáu lần xét xử nhưng nhiều lần tòa hoãn nên cha con tôi phải đi đi lại lại cả chục lần. Tôi chỉ mong mau kết thúc” - ông Điểu Ky mệt mỏi nói.

Đến 2g chiều tòa mới cho nghỉ ăn trưa. Hai cha con ông Điểu Ky và Thị Hằng chọn chiếc ghế đá khá khuất ở sân Tòa án nhân dân TP.HCM, gần nhà vệ sinh công cộng và không thấy họ ăn uống gì.

“Tôi có mang theo cơm nắm từ nhà nhưng Hằng không ăn” - ông Điểu Ky nói. Đi từ sáng, hai cha con cũng không kịp mang theo nước uống: “Mua một chai nước đắt quá. Mà đi vệ sinh ở đây cũng phải trả tiền nên...” - ông Điểu Ky ngập ngừng nói.

Nước da đen sạm, gương mặt gầy gò, hốc hác, ông Điểu Ky cho biết ông có đến năm đứa con gái, Hằng là con út. Cả nhà chỉ có một ít ruộng, trồng lúa thì không đủ ăn, nên cả vợ chồng và các con ông đều đi làm mướn, ai thuê gì làm nấy. Hằng cũng đã học xong lớp 12 nhưng không đi học tiếp vì nhà nghèo và không có tiền để đi học.

Vì việc xét xử kéo dài quá nên Hằng cũng không còn nhớ được hết những lần đi đến tòa: “Cháu chỉ nhớ mỗi lần đi thế này cháu lại phải nghỉ học, cha thì nghỉ đi làm mướn. Cháu phải ra tòa từ khi còn bé xíu (12 tuổi), đến giờ cháu đã 20 tuổi. Chẳng biết đến lúc lấy chồng rồi có phải đi nữa không?”.

Hằng hỏi:

- Cô là nhà báo à?

- Ừ.

- Vậy cô có biết ông Tuân (Dương Bá Tuân, chủ trang trại nơi Lê Bá Mai làm thuê) không?

- Cô có biết.

- Vậy cô là nhà báo của ông Tuân à?

Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi của Thị Hằng:

- Sao cháu lại hỏi vậy?

- Vì nhiều nhà báo thân với ông Tuân.

Một lúc, Hằng thêm: “Nhiều nhà báo viết không đúng với những gì cháu thấy cô ạ”.

Hằng nói thỉnh thoảng có đọc báo bằng chiếc điện thoại cảm ứng cũ nên có biết các báo viết gì.

Tôi giải thích đơn giản với Hằng về việc tại sao các nhà báo lại phải viết nhiều bài báo đến như vậy, bởi các nhà báo và luật sư tìm ra những mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án.

Chính vì nhiều sai sót trong quá trình tố tụng khiến việc xét xử vụ án cứ kéo dài mãi chưa biết lần này đã kết thúc hay chưa.

Không biết Hằng có thể hiểu hết những gì tôi nói? Mấu chốt của vấn đề này bây giờ không chỉ là thân phận của Lê Bá Mai hay nỗi đau đớn của gia đình nạn nhân hoặc sự mệt mỏi của cha con Hằng, mà là việc phải xem xét lại về kỹ năng điều tra cũng như quá trình làm việc của các cơ quan tố tụng.

Rõ ràng đã có những sai sót trong suốt quá trình điều tra và nếu không có ai chịu nhận những sai sót ấy thì dù bản án có được tuyên thì những câu chuyện xảy ra xung quanh bản án này vẫn sẽ là một “kỳ án”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Luật sư vạch 22 điểm sai phạm trong "kỳ án vườn mít"VKS: đủ bằng chứng khẳng định Lê Bá Mai phạm tộiLê Bá Mai khẳng định không hiếp và giết nạn nhân ÚtKỳ án Vườn Mít: Tòa tuyên y án với Lê Bá MaiBác kháng nghị tử hình, y án chung thân Lê Bá Mai

HÀ CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên