22/01/2013 09:05 GMT+7

"Ngồi trên trời mà làm chính sách"

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TT - Ông NGÔ VĂN MINH - ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - đã ví von như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về thực trạng có nhiều nghị định, thông tư quy định thiếu thực tế, gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Một số quy định đang "sống dở chết dở"

Quan chức nói “dễ làm”, dân kêu “khó”

oLooTRs5.jpgPhóng to
Ông Ngô Văn Minh - Ảnh: Nguyễn Khánh

Giải pháp nào cho những quy định bất khả thi?

Quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, xử phạt hành chính đối với cá nhân, hộ gia đình đổ rác không đúng nơi quy định, UBND các cấp có nhiệm vụ bắt giữ chó mèo chạy rông, không sử dụng điện thoại nơi cây xăng... vốn được người dân gọi là những quy định cho vui vì sự khó thực hiện của chúng.

Mới đây, nghị định 94/2012 về sản xuất và kinh doanh rượu (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013) và thông tư 30 của Bộ Y tế về “Điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố” đã bị nhiều người phản ứng, hứa hẹn sẽ nối dài danh sách những quy định bất khả thi.

Ông Minh nói: “Bất cứ quy định nào được đưa ra trước hết phải phù hợp với thực tế, với trình độ phát triển của xã hội và đảm bảo điều kiện để thực hiện thì mới có sức sống, được nhân dân chấp nhận. Văn bản phải ban hành theo đúng trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định rõ phải lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan và đặc biệt quan trọng là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, rồi được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình xem xét, ký ban hành.

Tôi cho rằng những văn bản có vấn đề là những văn bản không tuân thủ quy trình như trên, hoặc là ban hành thiếu cân nhắc, thiếu thận trọng. Tại sao dư luận lại phản ứng quy định cho phép cảnh sát giao thông phạt người đi xe không chính chủ? Vì như nhiều người đã phân tích là nó thiếu thực tế, trái với nguyên tắc thực hiện pháp luật.

Hay mới đây là quy định việc tổ chức tang lễ của công chức, viên chức. Trước đây khi điều kiện còn khó khăn, có ai làm quan tài bằng kính hay để ô kính đâu. Gần đây kinh tế phát triển, người ta bắt đầu làm quan tài có ô kính. Nó cũng xuất phát từ nhu cầu tâm linh rất có ý nghĩa là “nhìn mặt lần cuối” đối với người đã khuất. Vì vậy, giải thích của người có trách nhiệm rằng cấm để ô kính quan tài là sợ kính vỡ rơi vào mặt người quá cố, rồi ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường là không thích đáng. Tôi ủng hộ việc chống phô trương, lãng phí trong việc tang, nhưng thay vì ban hành một nghị định như vậy thì nên tiến hành một cuộc vận động, tuyên truyền đến từng tổ dân phố, khu dân cư để người dân thấy hợp lý sẽ tự nguyện thực hiện”.

* Nguyên nhân của những văn bản bị dư luận phản ứng, thậm chí có văn bản chưa thực hiện đã phải sửa, theo ông là từ đâu, do quan liêu hay do trình độ của những người soạn thảo văn bản đó?

- Tôi nghĩ là do cả hai, cả trình độ năng lực và sự quan liêu, kể cả người thẩm định các văn bản đó cũng quan liêu. Tôi từng ví việc làm ra những văn bản trái luật, thiếu thực tế là ngồi trên trời mà làm chính sách. Ví dụ, có không ít bộ, ngành luôn khẳng định rằng khi ban hành văn bản này chúng tôi đã lấy ý kiến người dân, lấy ý kiến đối tượng có liên quan. Nhưng hỏi ra mới biết họ chỉ đăng dự thảo văn bản đó trên website của bộ, ngành mình. Tôi quả quyết cả tôi và bạn đều không thể biết rằng thời điểm hiện tại có bao nhiêu văn bản đang được lấy ý kiến nhân dân. Người bán hàng ngoài chợ, người nấu rượu truyền thống trong bếp thì làm sao có máy tính, có mạng Internet để biết mà góp ý cho các dự thảo có quy định thịt lợn chỉ được bán trong vòng tám tiếng, sản xuất rượu thủ công phải xin giấy phép và dán nhãn...

Vấn đề quan trọng, theo tôi, là cần phải thay đổi lại quy trình lấy ý kiến nhân dân, đối tượng chịu sự tác động trước khi ban hành văn bản. Việc lấy ý kiến phải tiến hành rộng rãi, có hiệu quả, đúng đối tượng và đặc biệt là người soạn thảo văn bản phải thực tâm tiếp thu, chứ không phải là làm cho đủ thủ tục.

* Các văn bản pháp quy của Chính phủ trước khi ban hành phải có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, nhưng bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết có những kiến nghị của bộ đã không được chấp nhận bởi Chính phủ quyết định theo đa số...

- Tôi chia sẻ với nỗi niềm đó của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Cần phải có quy định để Bộ Tư pháp bảo lưu ý kiến của mình. Tuy nhiên, cũng cần phải đặt vấn đề ngược lại rằng những ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đã được chuẩn bị kỹ chưa, có được giải trình thuyết phục và bảo vệ quyết liệt trước các thành viên Chính phủ không? Nếu thấy quy trình hiện nay là bất hợp lý, bộ trưởng Bộ Tư pháp nên đề xuất một quy trình xây dựng văn bản pháp quy phù hợp hơn.

N4BJ0E66.jpgPhóng to
Một gánh bún chả trên vỉa hè phố Hàng Đậu, Hà Nội. Từ người bán đến người ăn không ai quan tâm đến giấy khám sức khỏe những người bán, nguồn gốc thực phẩm... của thông tư 30 - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Tại phiên giải trình gần đây ở Ủy ban Pháp luật, đại diện Chính phủ cho rằng sở dĩ Chính phủ phải ban hành quá nhiều văn bản pháp quy là do luật của Quốc hội cần nhiều văn bản hướng dẫn, tức là tình trạng luật khung, luật ống dẫn đến việc Chính phủ phải vất vả trong việc soạn thảo các văn bản hướng dẫn, ông suy nghĩ gì trước quan điểm này?

- Tôi cho rằng lý giải như vậy là hoàn toàn không thuyết phục. Tại phiên giải trình tôi không có thời gian để chất vấn, nhưng tôi xin hỏi lại là ai soạn thảo các dự án luật trình Quốc hội? Xin thưa, hơn 90% các dự án luật là do Chính phủ soạn thảo. Có những dự án luật có quá nhiều điều, khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết, đại biểu Quốc hội yêu cầu phải quy định cụ thể nhưng các ban soạn thảo luôn giải thích rằng đây là vấn đề chưa được nghiên cứu kỹ, chưa đủ thực tiễn kiểm nghiệm... nên đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ.

Cho nên tới đây sửa Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần quy định rõ là khi trình dự án luật thì phải trình đầy đủ các dự thảo nghị định quy định chi tiết để Quốc hội xem xét. Gần đây, có những dự thảo luật được trình kèm dự thảo nghị định, nhưng đọc thì thấy rằng không ít dự thảo chỉ chép lại điều luật và giải thích luật, chứ không phải là quy định chi tiết các điều luật do Quốc hội ủy quyền.

* Ông Vũ Đức Đam, bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thừa nhận có tình trạng thông tư của bộ, ngành thường được soạn thảo theo hướng thuận lợi cho sự quản lý của mình, nên có những thông tư cài vào đó cả bộ máy, cả biện pháp thực hiện. ông Đam cũng đề xuất tới đây không nên ban hành thông tư nữa, ông nghĩ sao?

- Tôi đồng tình với quan điểm của ông Đam. Chỉ nên dừng lại ở hình thức nghị định quy định chi tiết điều khoản của luật, không nên để bộ ngành ra thông tư nữa. Thậm chí có nhiều luật phải cụ thể hóa luôn chứ không cần ban hành nghị định nữa, trừ những luật có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp. Nghị định chỉ được quy định chi tiết từng điều luật Quốc hội ủy quyền, chứ không thể quy định thêm nội dung và cũng không được giải thích luật.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Một số quy định đang "sống dở chết dở"

Quan chức nói “dễ làm”, dân kêu “khó”

Người bán hàng rong: "Tôi nào biết quy định mới"

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên