22/01/2013 06:12 GMT+7

Quan chức nói "dễ làm", dân kêu "khó"

LAN ANH - ĐỨC THANH - NGỌC NGA
LAN ANH - ĐỨC THANH - NGỌC NGA

TT - Quy định trong thông tư 30 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 20-1 đang bị báo chí và người dân kêu trời. Nhưng ông Nguyễn Hùng Long, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), lại cho rằng đây là quy định dễ, không mới.

Người bán hàng rong: "Tôi nào biết quy định mới"

AOXF60zX.jpgPhóng to
Đa số chủ hàng quán trên đường Nơ Trang Long, P.14, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) buôn bán nhưng chưa biết về thông tư 30 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 20-1 - Ảnh: Đức Thanh

Trưa 21-1, cửa hàng “cơm văn phòng” trên phố Nguyễn Công Hoan (Hà Nội) của chị Hiếu rất đông khách. Hỏi chị Hiếu về thông tư 30 của Bộ Y tế yêu cầu cơ sở dịch vụ ăn uống như của chị phải có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, chị có làm được không? Một giây lo lắng, chị Hiếu ngỡ ngàng đưa hóa đơn thanh toán của cửa hàng thịt lợn sạch Sáu Bình chợ Ngọc Khánh, không có ngày tháng lẫn tên hàng hóa, chỉ có số lượng, đơn giá và thành tiền. Còn rau củ quả mua lẻ, không thể nào có hóa đơn.

Tại TP.HCM, những người bán thức ăn đường phố vẫn chưa hề biết đến thông tư này, hoặc có biết cũng mới chỉ nghe loáng thoáng và không mấy ai quan tâm.

“Vô lý lắm”

Quy định 12 năm vẫn... mới

Quy định người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm, trong đó có người bán hàng rong, phải khám sức khỏe, được tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, có hóa đơn chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, có đủ nước sạch, kệ giá bày đồ ăn... đã được ban hành từ năm 2001, nhắc lại vào năm 2005 mà đến năm 2013 này vẫn bị dân chúng và báo chí phản ứng, bị cho là mới, khó, siết...? Đó là vì tính bất khả thi!

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, sau gần tám năm (từ 2005) thực hiện quy định hàng rong cũng phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm mới là kinh doanh hợp pháp, nhiều địa phương mới chỉ có 10-15% cơ sở thức ăn đường phố có loại giấy phép này.

Dọc đường Nguyễn Thiện Thuật (thuộc P.3, Q.3, TP.HCM), từ sáng sớm đến tối có rất nhiều hàng quán bán phở, hủ tiếu, bún bò, cơm... nhưng tất cả những người bán hàng ở đây đều lắc đầu chưa nghe về thông tư 30.

Theo thông tư 30 thì tất cả hàng quán ở đây đều vi phạm đa số các điểm trong thông tư này, như người bán hàng quán phải có giấy chứng nhận sức khỏe, thực phẩm phải có nguồn gốc...

Bà Mười, một chủ tiệm bán cơm, cho biết: “Tiệm cơm của tôi buôn bán đã hơn bốn năm nay. Lâu lâu tôi mới bị cảm gió, hoàn toàn khỏe mạnh không có bị bệnh tật gì, nên tôi cũng chẳng cần phải đi khám sức khỏe làm gì cho mất công, mất tiền. Một phần là vậy, một phần cũng là vì bán quán lề đường như tôi, cả đời cũng chẳng thấy ông, bà khách nào lại đi yêu cầu tôi trình giấy khám sức khỏe rồi mới vào ăn”.

Gần đó là tiệm bán hủ tiếu bò viên của chị Mai đã bán ở đây gần năm năm. Chị Mai nói: “Nếu thông tư bắt buộc tất cả các loại thực phẩm phải có giấy chứng nhận thì vô lý lắm. Không lẽ khi tôi ra chợ mua ký chanh, ký hành lá... để nấu hủ tiếu, tôi lại đòi bà bán chanh, bán hành cấp cho tôi cái giấy chứng nhận nguồn gốc thì bà này lấy đâu ra cả trăm tờ giấy mà để cấp cho người mua như tôi?”.

Trên đoạn đường Nơ Trang Long, P.14, Q.Bình Thạnh bên hông Bệnh viện Nhân dân Gia Định có rất nhiều tiệm bán cơm, bán phở, bột chiên... nằm san sát. Chị Dzoan, một người bán cơm nơi đây, cho biết: “Tiệm của tôi mua thực phẩm từ nhiều nguồn, nhưng đa số người bán hàng không có hóa đơn, chứng từ để đưa cho tôi. Nếu nói thịt thà, cá mú phải có giấy kiểm dịch... tôi dám chắc nhiều người bán thịt, cá sẽ phải nghỉ bán”.

Một chủ tiệm bán bún vịt trên đường Phan Đăng Lưu, P.3, Q.Bình Thạnh nói: “đa số người bán quán như tôi đều mua vịt về tự làm lông nấu bán mới có lời. Ra chợ, thấy ai bán vịt thịt rẻ hơn thì mua, chứ đâu có hỏi họ về giấy kiểm dịch làm gì. Nếu buộc những người buôn bán như tôi phải thực hiện thông tư 30 thì khó lắm. Có thể thời gian đầu sẽ thực hiện để chống chế, nhưng sau đó thì lại về nếp buôn bán hàng chợ như xưa nay”.

Khảo sát một vòng các khu vực có nhiều người bán hàng rong tại TP.HCM như công viên 23-9, công viên 30-4, các cổng trường đại học: Khoa học xã hội và nhân văn (Q.1), Khoa học tự nhiên (Q.5), nhiều người bán hàng rong ở đây đều không biết về thông tư 30. Bà Lành, một người bán bánh tráng trộn trên đường Đinh Tiên Hoàng, cho biết: “Sáng nay tui mới nghe mấy bác xe ôm đậu xe gần đây đọc báo và nói mấy quy định hàng rong phải thực hiện cứ tưởng mấy ông này giỡn chơi, nếu cứ theo quy định thì mấy người bán dạo như tui phải nghỉ hết. Một bịch bánh tráng tui phải dùng hơn chục loại nguyên liệu vậy phải có đủ chục loại giấy tờ chứng minh hay sao? Mà quả tắc, nắm hành làm sao mà có hóa đơn với hóa đỏ mà đòi hỏi?”.

Chứng từ: ghi vào sổ là được?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hùng Long - phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho rằng “hóa đơn” trong thông tư 30 không yêu cầu nhất thiết phải là hóa đơn tài chính. Nếu mua nguyên liệu ở chợ, người kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ cần ghi vào sổ là mua của bà A loại thực phẩm này, bằng này kilôgram... để dễ truy xuất nguồn gốc nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm. Ông Long cũng cho rằng với các cơ sở dịch vụ ăn uống hoạt động theo mô hình công ty thì phải có hóa đơn tài chính khi mua nguyên liệu theo quy định của luật pháp.

Tuy nhiên, lục tìm trong thông tư 30, chúng tôi không thấy bất kỳ hướng dẫn nào cho rằng ghi địa chỉ mua hàng, loại hàng hóa... vào sổ cũng được coi là chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, mà chỉ thấy quy định “nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn phải có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc”, kể cả với người kinh doanh thức ăn đường phố, người bán hàng rong, quầy hàng thức ăn chín chế biến sẵn. Rõ ràng quy định trong thông tư 30 là khó thực hiện, chưa cụ thể, chứ không phải như giải thích của quan chức Bộ Y tế.

LAN ANH - ĐỨC THANH - NGỌC NGA

--------------------------------

Không thể quản lý được các lò rượu thủ công

Nghị định 94/2012 về sản xuất và kinh doanh rượu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, trong đó quy định sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề sản xuất rượu thủ công; đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn hàng hóa sản phẩm rượu theo quy định...

Trước đó, nghị định 40/2008 về sản xuất kinh doanh rượu cũng đã quy định tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công.

Ông Đặng Văn Dân (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) có lò rượu thủ công. Giải thích về việc không đăng ký kinh doanh, ông nói cách nay khoảng bốn năm vợ ông có tham gia lớp tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm cho các đối tượng nấu rượu thủ công do tỉnh tổ chức. Tuy nhiên, vợ chồng ông không thể áp dụng quy trình này trong nấu rượu vì không kham nổi các chi phí theo quy định. Theo tính toán của ông Dân, mỗi khạp rượu với 10 lít gạo, trúng thì được 12 lít rượu, lời chỉ 30.000-40.000 đồng/khạp, nếu thất thì từ huề đến lỗ vốn.

Đại diện Phòng kinh tế TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết đơn vị đã thống kê hơn 300 gia đình nấu rượu thủ công trên địa bàn TP. Thế nhưng, chỉ có vài chục hộ gia đình đến tìm hiểu quy định cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Hiện Phòng kinh tế TP Mỹ Tho đã cấp chưa đến 10 giấy phép sản xuất rượu thủ công. Theo một cán bộ Phòng kinh tế TP Mỹ Tho, người nông dân sản xuất thủ công nhỏ lẻ, thậm chí nấu rượu để tận dụng hèm nuôi heo nên họ không muốn làm giấy phép.

Ông Trần Quốc Tuấn, phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, cho biết ngành công thương của tỉnh đang tuyên truyền khuyến khích người dân đăng ký giấy phép sản xuất thủ công. Hiện chưa có trường hợp người dân nào đến đăng ký giấy phép sản xuất rượu thủ công như nghị định 94 quy định.

Tương tự, ông Nhị Văn Khải, giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện nay tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân đăng ký giấy phép sản xuất rượu thủ công. Tuy nhiên, do một số trường hợp người dân nghèo sản xuất chỉ vài chục lít nên đòi hỏi mọi người đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm hay có giấy chứng nhận bảo vệ môi trường rất khó. Những trường hợp này, tỉnh khuyến khích người dân chuyển đổi sang ngành nghề khác. Hiện Đồng Tháp là một trong những tỉnh cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhiều nhất so với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng cũng chỉ có khoảng 300 giấy phép so với hơn 3.000 hộ gia đình sản xuất rượu thủ công.

N.HẬU - T.TÚ

LAN ANH - ĐỨC THANH - NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên