09/05/2014 08:39 GMT+7

"Trung Quốc mộng" ngại gì?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 cùng nhiều tàu xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là hành động “lấy thịt đè người” nhằm biến “Trung Quốc mộng” thành sự thật, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp khiến Bắc Kinh tin rằng đang có thiên thời, địa lợi mà bất cần đến nhân hòa.

Xem Video clip tàu Trung Quốc hung hăng đâm rách tàu Việt NamTàu chiến Trung Quốc xuất hiện tại khu vực giàn khoan HD 981Tàu Trung Quốc hung hăng đâm rách tàu Việt Nam

Thật vậy, châu Âu và Mỹ sa cơ kinh tế, vừa đang vướng bận ở Ukraine, Nga cũng bận bịu với Mỹ và đang cần Bắc Kinh lờ đi vụ ly khai khỏi Ukraine, nên biển Đông nay như “vườn hoang”. Nhất là sau vụ cố húc tàu vào tàu USS Cowpens của Mỹ đầu tháng 12 năm ngoái nhằm trắc nghiệm ý chí của Mỹ và tiếp theo là vụ Mỹ dọa trừng trị tổng thống Syria Assad rồi hai ngày sau lại thôi hồi cuối tháng 8 năm ngoái. Và ngay sau khi ông Obama kết thúc vòng công du châu Á cam kết bảo vệ Nhật và Philippines theo hiệp định quốc phòng song phương, những người chủ trương “Trung Quốc mộng” cho rằng “thời cơ, đại thời cơ” đã đến, tin rằng Việt Nam “cu ky một mình” nhất định sẽ “ngon ăn”.

Thế nhưng, có một thực tế mới là nay các nước Đông Nam Á cùng chung “mặt tiền” trên biển Đông và cùng “trong cuộc” đã hiểu đâu là gót chân Achilles của Trung Quốc. Malaysia, cho đến năm ngoái còn hữu hảo với Trung Quốc, thế nhưng việc Trung Quốc đưa tàu chiến đến căng cờ diễu võ ở dải James Shoal của Malaysia trong suốt tháng 1 và tháng 2 năm nay đã khiến nước này thay đổi thái độ. Hôm 28-2-2014, Thủ tướng Dato’ Sri Abdul Razak của Malaysia tiếp Tổng thống Benigno Aquino III của Philippines, đã cam kết hậu thuẫn Philippines trong việc khởi kiện Trung Quốc. Tại sao? Các chính phủ này thừa hiểu rằng hải quân của mình yếu so với đối phương, vì thế họ hậu thuẫn hải quân bằng vũ khí luật pháp, để từ đó vận động ngoại giao, tạo thành một trận tuyến phòng vệ tổng lực.

Có phải cả hai chính phủ này “thơ ngây”? Không. Đối phương có ra tòa hay không ra tòa là một lẽ, song còn một lẽ khác tối quan trọng. Phàm trong mỗi con người, có nhiều con người khác nhau: “con người - kinh tế”, “con người - xã hội”, “con người - luật pháp”, “con người - võ biền” ... Cho dù là kẻ võ biền, chí ít cũng có chút gì đó của “con người - luật pháp” sống bằng lý trí bên cạnh “con người - võ biền” chỉ chực thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Trong một thế giới ngày càng lấy thước đo văn minh là sự tuân thủ luật pháp quốc tế, từ các hiệp định kinh tế đến các thỏa hiệp bang giao quốc tế, nên “con người - luật pháp” đó ngày càng có chỗ hơn để có thể ngước mặt nhìn đời. Chính những giãy nảy như đỉa phải vôi, “không quốc tế hóa”, chỉ “đàm phán song phương” là những bằng chứng cho thấy rằng trong tiềm thức, cái “con người - luật pháp” còn sót đó vẫn còn sợ luật pháp cho dù cái “con người - võ biền” kia có hăm hở làm càn. Khó có thể ngẩng cao đầu “đệ nhất cường quốc” nếu chỉ cậy vào số đông.

Việc Malaysia cam kết hậu thuẫn cho Philippines trong vụ kiện cho thấy họ tin rằng hiệp thành một đôi đũa vẫn khó bẻ hơn là lẻ loi một chiếc. Điều này cho thấy họ vẫn tin rằng những “con người - luật pháp” còn sót ngay trong xã hội Trung Quốc như học giả Lý Lệnh Hoa - người có quan điểm phản bác đường lưỡi bò phi lý đã kêu gọi Chính phủ Trung Quốc tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển - sẽ đánh thức được các “con người - võ biền” kia hiểu ra rằng “Trung Quốc mộng” đâu thể chỉ bằng trò bá đạo. Dùng pháp luật, đó là một trong những cách để bảo vệ đất nước trong một thế giới ngày càng văn minh.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Giàn khoan Trung Quốc hoạt động tại biển VN là bất hợp phápTrung Quốc phải đưa giàn khoan ra khỏi Việt NamTàu Trung Quốc 3 lần tấn công tàu Việt NamBáo chí quốc tế chỉ trích Trung Quốc hiếu chiến“Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn”

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên