Doanh nghiệp mong Bộ Tài chính sớm điều chỉnh hóa đơnDoanh nghiệp mới “chết dở” vì hóa đơn
Một DN mới thành lập tại quận Tân Phú, TP.HCM cho biết sau mấy tuần cầm cự đã buộc phải nộp lại ba quyển hóa đơn GTGT đã đặt in trước đó cho cơ quan thuế, vì nếu không nộp hậu quả có thể nhìn thấy trước mắt là bị phạt, là sống dở chết dở vì cơ quan thuế có đủ quyền hành để ép DN phải thực hiện. Chủ DN này cho biết nộp hóa đơn xong chị thấy hụt hẫng vì đang đi vào ngõ cụt, nếu giải thể thì không ổn, trong khi nếu duy trì thì không làm ăn được. Một hộ kinh doanh cá thể khác tại quận 11 vừa thành lập DN đầu năm 2014 cũng điên đầu vì vừa in 50 cuốn hóa đơn GTGT, chưa kịp sử dụng thì có lệnh thu hồi. Từ chỗ kinh doanh nhộn nhịp, DN này giờ gần như ngưng hoạt động.
Thiệt thòi này ai gánh chịu? Đương nhiên là DN. Lẽ ra DN không phải chịu thiệt thòi này nếu như được cơ quan thuế thông tin sớm. Nhưng một chính sách ảnh hưởng đến sự sống còn của hàng ngàn DN lại có nhiều điểm “lạ”. Thông tư ký ngày 31-12-2013 và có hiệu lực ngay một ngày sau khi ký thay vì 15 ngày sau khi đăng công báo như quy định. Chưa kể phải đến một tháng rưỡi sau khi chính sách này có hiệu lực mới được công bố chính thức trên website của Tổng cục Thuế và hơn hai tháng sau mới được phổ biến đến DN. Đáng ngạc nhiên là thông tư này lại hồi tố cho khoảng thời gian trước đó. Trong khi đó DN không có bất kỳ sự chuẩn bị nào cho sự thay đổi này. Cơ quan quản lý có thể lý luận rằng trước đó đã ban hành nghị định hướng dẫn nhưng nghị định chỉ quy định một số điều kiện trong khi thông tư của Bộ Tài chính lại đặt thêm hàng loạt quy định, trong đó có việc DN mới thành lập từ năm 2014 phải có tài sản cố định từ 1 tỉ đồng trở lên mới được kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Vì sao một sự thay đổi lớn như vậy mà thông tư lại ban hành quá chậm, làm cho DN trở tay không kịp? Cuối năm 2013 khi nghe thông tin chính sách thuế sẽ thay đổi theo hướng không cho các hộ cá thể được khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, hàng loạt hộ cá thể đã phải gấp rút thành lập DN. Những DN này vừa mới được khai sinh đã gần như bị ép khai tử bằng chính sách thuế. Như vậy là không sòng phẳng với DN. Nếu thông tư ban hành chậm thì nên có thời gian để DN điều chỉnh thay vì hồi tố như hiện nay.
Có thể hiểu nguyên nhân sâu xa của việc ban hành các chính sách này là để ngăn chặn hiện tượng thành lập các DN “ma” nhằm mua bán hóa đơn, gây thất thoát tiền thuế của Nhà nước rộ lên vào cuối năm 2013. Thế nhưng không thể “vơ đũa cả nắm” khi cho rằng những DN mới thành lập đều thuộc dạng nghi ngờ, rủi ro cao để từ đó siết lại bằng chính sách thuế, làm cho DN mất sức cạnh tranh, chết từ trong trứng nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN làm ăn chân chính. Đáng lý ra trước khi ban hành, cơ quan soạn thảo cần khảo sát đánh giá đúng với thực tế để chỉnh sửa sao cho chính sách ban hành ra phải hài hòa được hai mục tiêu là ngăn chặn được tình trạng mua bán hóa đơn nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích của DN. Tuy nhiên, sự thay đổi bất ngờ này đã vô hình trung đẩy nhiều DN mới thành lập, DN nhỏ và vừa đang trong bối cảnh khó khăn lại càng thêm khó, thay vì dành thời gian cho hoạt động sản xuất kinh doanh nay phải loay hoay đối phó với chính sách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận