19/03/2014 08:00 GMT+7

Dò đá sang sông

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Các ngân hàng đang hứa hẹn mức lãi suất cho vay mới thấp hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất. Đã qua nhiều đợt giảm lãi suất, nhưng không khí vay tiền làm ăn vẫn trầm lắng. Tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm giảm, đầu tháng 3-2014 mới nhích lên. Năm 2013, tín dụng tăng trưởng cũng ì ạch, nửa cuối năm phải chạy “phi mã” để đạt kế hoạch.

Huy động dưới trần, cho vay kịch trần

Nhìn vào hiện trạng, có quá nhiều cản trở người làm ăn vay vốn ngân hàng. Đầu tiên là nợ xấu. Doanh nghiệp không thể vay thêm vốn khi họ đang nợ ngân hàng và chẳng còn tài sản để thế chấp. Ngân hàng Nhà nước có quyết liệt xử lý nợ xấu nhưng số nợ đã mua được chủ yếu giúp ngân hàng cắt khối u chứ chưa giúp người làm ăn, nhất là trường hợp nhỏ lẻ vay vốn ngân hàng.

Rào cản thứ hai khá “mông lung” nhưng rất quan trọng, đó là doanh nghiệp không biết vay vốn để làm gì khi sức mua của nền kinh tế quá kém, tinh thần làm ăn vẫn chưa được vực dậy.

Trước hai rào cản đó, thì rào cản lãi suất cao chỉ còn là cái “mu rùa” trên đường đi, có chăng làm doanh nghiệp khó chịu hơn là bít đường làm ăn của họ.

Do vậy, lòng tin vào sức sống của nền kinh tế là thứ mà từng cá nhân, doanh nghiệp đang cần. Có lòng tin, người dân không còn thắt lưng buộc bụng. Có lòng tin, doanh nghiệp sẽ trăn trở rồi say mê với các ý tưởng làm ăn mới, họ khơi dậy tiềm năng, tận dụng cơ hội, thậm chí phiêu lưu một chút khi xây dựng các phương án làm ăn.

Lòng tin đó ở đâu ra? Nó phải bắt nguồn từ chính sách. Thế nhưng, dù đã đi tìm nhưng người làm ăn vẫn chưa tìm được chỗ dựa vững chắc từ chính sách. Một câu hỏi đơn giản, nhưng rất quan trọng là lạm phát, lãi suất, tỉ giá tới đây và lâu dài sẽ như thế nào vẫn chưa có câu trả lời. Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ đưa ra dự báo lãi suất, tỉ giá ở dạng ngắn hạn, khoảng một năm, trong khi người làm ăn cần dự báo dài hạn hơn. Đời sống của một phương án kinh doanh ngắn cũng 3-6 tháng hoặc một năm, dự án đầu tư phải là vài năm. Không ai nói trước được lãi suất trong năm sau hoặc ba năm tới là bao nhiêu thì làm sao doanh nghiệp dám xây dựng dự án dài hơi, cá nhân dám vay tiền mua nhà thương mại trả góp trong nhiều năm...

Người làm ăn không còn phiêu lưu bởi họ đã trả giá, nhẹ là thua lỗ, nặng là phá sản bởi sự thay đổi thất thường của lãi suất. Trước đây có doanh nghiệp nói họ như phải uống thuốc độc vì sự bất nhất trong điều hành chính sách tiền tệ. Có lúc, Ngân hàng Nhà nước ép lãi suất xuống thật thấp, doanh nghiệp liền bung ra vay vốn làm ăn. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, sau đó lãi suất tăng vù vù, doanh nghiệp rơi vào ngõ cụt. Doanh nghiệp rút ra bài học là chỉ bung ra khi chính sách rõ ràng, không phiêu lưu nếu chính sách chỉ là tạm thời, ngắn hạn.

Một thông điệp rõ ràng và mang tính dài hạn về chính sách tiền tệ, trong đó có tỉ giá, lãi suất chứ không thể điều hành theo kiểu “dò đá sang sông”, tùy vào từng thời kỳ như đang thực hiện - là yêu cầu chính đáng của người làm ăn với Ngân hàng Nhà nước. Không như trước, nay Ngân hàng Nhà nước đã được giao nhiều quyền hạn để kiểm soát lạm phát. Do vậy lạm phát bao nhiêu, lãi suất và tỉ giá ở mức nào là nằm trong phạm vi điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Có phác thảo được chính sách ổn định lâu dài, lòng tin nơi người làm ăn mới được củng cố, qua đó xã hội giám sát được hiệu quả điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên