Xe buýt cán chết một học sinhTuổi Trẻ 7-3: Lại chết thương tâm dưới bánh xe buýtNgười bán vé số chết thảm dưới bánh xe buýt
Trước đó một phút, cháu là một học sinh đáng yêu, còn nghĩ về bài vở, thầy cô, trường lớp... Tích tắc sau đó, cháu chỉ còn là một cái xác trẻ thơ được đắp chiếu nằm tang tóc giữa phố phường. Ai có con đều rùng mình lo sợ...
Chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, người dân Sài Gòn nghe nhiều tin tai nạn chết người từ xe buýt. Mới tuần trước, ngày 28-2, một xe buýt khi ôm cua góc đường Lê Thị Hồng Gấm - Calmette (Q.1, TP.HCM) đã chẹt chết một người đàn ông đi bộ dưới lòng đường. Trước đó, sáng 31-12-2013, trên đường Tôn Thất Thuyết, Q.4, một thanh niên tử vong tại chỗ khi bị xe buýt cán qua người...
Trong từng vụ việc cụ thể, cũng chưa hẳn tất cả lỗi đều thuộc về tài xế xe buýt vì có những kiểu tai họa trên trời rơi xuống. Nhưng có một sự thật, xe buýt thật sự là một nỗi ác mộng của người dân TP.HCM. Tôi tin rằng bất cứ ai tham gia lưu thông trên đường phố bằng xe máy mỗi ngày cũng đều có lần thót tim với những cú cúp đầu của xe buýt khi họ đang chạy làn đường bên ngoài thì sấn sổ vào làn bên trong với tốc độ cao, bất chấp tất cả.
Chính vì vậy mà rất nhiều người khi con cái dắt xe ra đường đều dặn dò một câu giống nhau: “Coi chừng xe buýt nghe con!”.
Chuyện xe buýt được gọi là “hung thần” thật ra chẳng phải mới mẻ gì. Có điều, cứ mỗi lần xảy ra một tai nạn đau lòng như sáng qua với trường hợp của em Trác thì lãnh đạo ngành giao thông vận tải TP.HCM và Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng đổ cho tài xế chạy ẩu, thiếu ý thức. Còn cánh tài xế than thở áp lực công việc cao, về bến trễ bị phạt khiến họ phải chạy nhanh. Rồi do hạ tầng giao thông kém, chưa có làn riêng, xe buýt đi vào làn xe máy và cả ý thức người đi đường cũng chưa tốt... Tất cả điều đó đều đúng, đều là thực tế. Nhưng chẳng lẽ đành bó tay trước thực tế đó, để rồi cứ dăm bữa nửa tháng lại rụng rời tay chân trước những cái chết đau lòng?
Người dân đóng tiền nuôi bộ máy nhà nước, không thể chấp nhận một dịch vụ công gây quá nhiều tổn thất về tiền bạc (mỗi năm TP.HCM chi trên dưới 1.400 tỉ đồng trợ giá cho xe buýt) và nhân mạng, dù bất cứ lý do gì. Tổn thất nhân mạng còn đo đếm được. Tổn thất của xã hội do nỗi sợ hãi, nỗi bất an đem lại thì không gì có thể đo đếm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận