Tổng thống Putin: “Nga phải giúp người anh em Ukraine”Ukraine khẳng định tránh được vỡ nợ nhờ Nga300.000 người Ukraine đổ ra đường
Phóng to |
Những người dân Ukraine ủng hộ việc gia nhập EU vẫn tiếp tục biểu tình ở Kiev - Ảnh: Reuters |
Hôm 17-12, sau cuộc gặp vài giờ tại Kremlin với Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, Nga đồng ý cho Kiev vay thêm 15 tỉ USD và chấp nhận giảm giá khí đốt từ 400 USD/1.000m3 còn 268 USD như là phần thưởng cho Kiev từ chối EU. Việc giữ Ukraine tiếp tục trong vòng ảnh hưởng của Matxcơva thay vì ký thỏa thuận về thương mại, chính trị với EU được xem là một trong hàng loạt thành tựu ngoại giao của tổng thống Nga trong năm nay.
Nhưng đánh giá kỹ, chiến thắng hay thất bại không thật sự rạch ròi như vậy. Theo giới phân tích, ông Yanukovych có lẽ không bao giờ định ký thỏa thuận với EU (trước sức ép của Nga), nhưng dùng thỏa thuận này để kiếm tiền từ Matxcơva. Bằng cách để cho thỏa thuận như sắp được ký kết, ông Yanukovych “làm giá” được với Tổng thống Putin, người đồng ý cung cấp tiền cho ông Yanukovych ngay cả khi Kiev chưa gia nhập Liên minh hải quan Âu - Á mà Nga chi phối.
Chưa rõ thỏa thuận của Kremlin với ông Yanukovych có làm gián đoạn cuộc đàm phán Ukraine - EU hay không, nhưng chắc chắn nó vẫn chưa thể giúp Kiev vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại. Và nó cũng không giúp vực dậy nền kinh tế èo uột của Ukraine.
Tình hình ở Ukraine phức tạp bởi một nền kinh tế chìm sâu trong khủng hoảng, chấp chới ngưỡng phá sản và có thể trở thành gánh nặng của chính nước Nga. Ukraine đang cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ, rất cần tiền để vượt qua mùa đông và tránh nguy cơ vỡ nợ hiện nay. “Thỏa thuận hôm nay là những cứu trợ ngắn hạn, nhưng những thách thức lớn vẫn còn đó” - chuyên gia Neil Shearing của Tổ chức tư vấn Capital Economics ở London bình luận với AFP.
Kinh tế Ukraine đầy rẫy con số u ám. Gánh nặng lớn nhất chính là giá khí đốt hiện chỉ bằng 20% giá bán sỉ trên thị trường, khiến chính phủ phải gánh khoản chi khổng lồ. Các chính quyền tiếp nối nhau ở Kiev đều không dám chọc giận cử tri bằng việc tăng giá, nên ngân sách quốc gia thêm eo hẹp.
Năm 2009, Ukraine ký thỏa thuận giá khí đốt với Nga, một thỏa thuận được coi là thảm họa khi Ukraine phải trả giá đắt hơn phần còn lại của châu Âu. Dù Kiev đã cố đàm phán lại hiệp ước giảm giá, thỏa thuận hiện tại vẫn là gánh nặng tài chính của nền kinh tế.
Để đối phó, Ukraine đã tìm cách tăng giá đồng hryvnia nhưng không hiệu quả. Gần đây nhất, các nguồn tin nói Ngân hàng Trung ương Kiev phải chi gần 800 triệu USD để giữ giá đồng tiền nên càng làm giảm nhanh nguồn dự trữ ngoại tệ trong nước. Việc tăng giá đồng nội tệ và trợ giá khí đốt cũng khiến các nhà đầu tư ngần ngại cho Ukraine vay. Vì vậy để vay tiền nước ngoài, Ukraine hiện phải trả lãi suất hơn 8% - mức cực cao với các quốc gia.
Ngay lúc này, Ukraine đang rất cần tiền vì năm tới họ phải tái cơ cấu khoản nợ nước ngoài 7 tỉ USD, trong đó có 3 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Trong ngắn hạn, khoản vay từ nước Nga sẽ giúp Ukraine tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ. Nhưng khoản vay này không giúp Ukraine khắc phục các vấn đề trầm trọng hơn của nền kinh tế.
Thực tế sau khi đã buộc Ukraine hủy thỏa thuận với EU, ông Putin không còn giải pháp nào khác ngoài mở hầu bao. Nhưng hiệu quả của nó vẫn chưa rõ. Không giống với các khoản vay IMF thường gồm các điều khoản cải cách ràng buộc, Nga không đưa ra những điều khoản như vậy.
Có lẽ vì thế thỏa thuận giảm giá khí đốt mới ký sẽ được điều chỉnh hằng quý, thay vì giữ một mức giá ổn định trong thời gian dài. Với tình trạng khó khăn của nền kinh tế và tình hình bấp bênh về mặt chính trị của ông Yanukovych, mọi khoản vay với Ukraine lúc này hoàn toàn có thể là bỏ sông bỏ biển.
Nhưng với Tổng thống Putin, có lẽ không cái giá nào là quá cao để giữ Ukraine tiếp tục trong vòng ảnh hưởng của Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận