02/10/2013 05:01 GMT+7

"...Còn chồi nảy cây"!

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Thuở sinh thời, giáo sư Trần Quốc Vượng có lần nhận xét rằng câu ca dao kể về chuyện bà mẹ quê ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái về “đẻ ra mười quả trứng, bảy quả ung, còn ba trứng nở ra ba con thì con diều tha, con quạ bắt, con cắt xơi/Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc còn chồi nảy cây...” là một trong những câu ca dao hay nhất miền Trung. Và cứ mỗi trận bão càn quét qua dải đất khó nghèo của xứ này, nhiều người lại thường nghĩ về câu ca dao đó.

Dân miền Trung được mệnh danh là những người chịu thương chịu khó, quanh năm đương đầu cùng cơ cực. Cũng phải thôi, hằng năm, một mùa gió Lào đốt khô quắt thịt da, mùa kia mưa gió bão bùng vây bủa. Dù lớn dù nhỏ, nhưng có năm nào người dân xứ này không đối đầu với vài cơn bão và dăm ba trận lũ. Cứ thế rồi sống chung với bão lũ. Và những câu ca dao như vừa kể là một thứ “doping” tinh thần, để mỗi khi đối đầu với nguy nan họ lại vin vào đó để quật cường trụ vững!

Cơn bão số 10 quét trọn một dải miền Trung, không ít người dân đang lâm vào cơ cảnh như bà mẹ Kẻ Diên xưa, gần như là tay trắng. Câu chuyện trên trang báo, trên màn ảnh truyền hình những ngày qua bớt đi những cảnh đau thương tang tóc như hồi bão Chanchu hay Xangsane. Nhưng có một điều nhiều người chưa biết, những gì cơn bão Wutip tràn qua chỉ là chuyện khởi đầu, cơn bão thật sự giờ đang tiềm ẩn trong những tan tành đổ nát, nhất là sự gãy đổ của hàng vạn hecta cao su của người dân miền Trung, nhất là ở hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

Đi qua những vườn cao su trên vùng đất đỏ Vĩnh Linh, Gio Linh trù phú hôm nào nay tất cả tan nát như sau một trận bom. Hơn 15 năm nay, cây cao su với dòng nhựa trắng được mệnh danh là “vàng trắng” đã đổi đời cho hàng vạn hộ dân của miền đất này. Cây cao su là “nồi cơm”, là “học phí”, là “nhà cửa”, là “tiện nghi”. Mỗi hộ gia đình chỉ cần có chừng 0,5-1ha cao su tiểu điền cho thu hoạch thì coi như đã được “đổi đời”. Vậy mà sau cơn bão Wutip, đi về những vùng cao su nổi tiếng của nông dân hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, chứng kiến cảnh hàng ngàn hecta cao su gãy đổ mà không khỏi cảm thấy đau tiếc. Những cây cao su là “nồi cơm”, là nguồn thu nhập chính của người nông dân một nắng hai sương từ bao năm nay bỗng chốc thành tay trắng.

Nhưng đâu chỉ là thế! 1ha cao su, số tiền đầu tư ban đầu từ làm đất đào hố trồng cây cho đến khi thu hoạch mất từ 50-60 triệu đồng/ha. Bao nhiêu người còn ôm món nợ vay ngân hàng để đầu tư chăm sóc chưa trả xong thì nay sau trận bão tiền mất, vườn tan. Hậu quả của hàng vạn hecta cây cao su gãy đổ chưa phát tác ngay lập tức, nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng vạn gia đình.

Hơn bao giờ hết, cần có ngay giải pháp cấp thiết để hỗ trợ cho họ từ phía ngân hàng và chính quyền địa phương. Những chính sách hỗ trợ kịp thời ấy có lẽ mới chính là cái “chồi” để trên mảnh đất thấm đẫm mồ hôi này, người nông dân lại thấy “nảy cây”, thấy lại được giấc mơ đổi đời của mình không bị nhấn chìm mãi mãi dưới cuồng phong của trận bão vừa mới tràn qua!

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Huế: 30 căn nhà bị sập và tốc máiGió bão tại Quảng Bình đã nhẹ hơn, miền Trung mất điện diện rộngSóng biển đánh sập hàng trăm mét bờ kè biển Hội AnBão chưa tan, ngư dân liều mình ra biểnBão số 10: Ba người bị thương, hàng chục ngàn nhà bị sập, tốc máiQuảng Bình: 2 người chết vì bị tháp ăngten đèChủ nhân những ngôi nhà sập đổ đó là người nghèo

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên