01/10/2013 08:40 GMT+7

Đi vay phải nghĩ đến trả

LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TT - Việc Chính phủ đề nghị nâng mức bội chi ngân sách từ 4,8% năm 2013 lên 5,3% trong năm 2014 chắc chắn là chủ đề được quan tâm và thảo luận sôi nổi tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, bởi Quốc hội có thẩm quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về việc này.

Theo dự báo và phân tích đến thời điểm này, nhiệm vụ thu ngân sách năm 2013 hụt khá lớn so với dự toán và năm 2014 sẽ tiếp tục khó khăn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2013 chỉ ước đạt dưới 30% GDP. Tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục trong nhiều năm qua... Với các chỉ số cơ bản như vậy thì có thể khẳng định rằng dòng vốn cho đầu tư đang là vấn đề nan giải. Không có đầu tư thì không có tăng trưởng, kéo theo nhiều hậu quả về kinh tế - xã hội, đặc biệt là vấn đề thất nghiệp. Vì vậy, trong hoàn cảnh nguồn vốn cạn kiệt, tăng mức bội chi ngân sách là nhu cầu hợp lý, nếu Chính phủ cam kết chỉ dành tiền này chi cho đầu tư phát triển, không dùng vào chi thường xuyên, chi sự nghiệp.

Tất nhiên, một đề nghị như vậy sẽ gây ra những ý kiến khác nhau trên diễn đàn Quốc hội. Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế ngày 28-9, có ý kiến nêu lên thực tế các năm trước cứ tăng bội chi thì lạm phát lại tăng và đề nghị “phải cảnh giác với bội chi”. Cạnh đó, việc quyết định tăng bội chi cũng gây thêm một lo lắng nữa là gánh nặng nợ nần khi con số nợ quốc gia đã được cảnh báo. Cũng có ý kiến cho rằng không nên tăng bội chi mà trong thời điểm này nên bán bớt cổ phần hoặc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, rà soát lại các quỹ và tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để có tiền cho đầu tư phát triển.

Một vấn đề mà các đại biểu Quốc hội lo ngại hơn cả là tình trạng đầu tư công tràn lan, kém hiệu quả trong những năm qua cùng với sự nghi vấn tiêu cực, tham nhũng trong đó. Nguy cơ lạm phát, gánh nặng nợ nần và hiệu quả chi tiêu công là những điều đại biểu Quốc hội trăn trở nhất khi bấm nút thông qua đề nghị của Chính phủ.

Do vậy, để thuyết phục được Quốc hội thì Chính phủ cần nghiên cứu và có giải trình cụ thể, đặc biệt là cam kết trách nhiệm trước Quốc hội. Là những người quyết định dự toán chi tiêu ngân sách hằng năm, các đại biểu Quốc hội cần nắm rõ từng khoản chi và hiệu quả của nó. Đối với tiền bội chi ngân sách, nhất thiết không được dùng cho chi tiêu hành chính sự nghiệp, chi thường xuyên mà phải chi cho đầu tư phát triển vì đồng tiền bội chi là tiền đi vay.

Tôi chỉ đồng tình với phương án tăng bội chi ngân sách nếu tiền đó để dành đầu tư cho phát triển như hạ tầng giao thông. Còn nếu vay để trả lương, chi tiêu hành chính thì rất nguy hiểm. Vì vậy, một khi Quốc hội quyết định tăng mức bội chi ngân sách thì cùng với đó là Quốc hội phải kiểm soát xem đồng tiền đó được chi tiêu như thế nào và hiệu quả ra sao. Chúng ta có thể phải chấp nhận một tỉ lệ lạm phát nhất định để tăng chi cho đầu tư phát triển. Bởi một khi nguồn vốn đầu tư không đảm bảo, tốc độ tăng trưởng kinh tế đi xuống thì chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, trong đó có vấn đề tăng thất nghiệp.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Bội chi ngân sách góp phần gây lạm phátNỗi lo từ bội chi ngân sáchBội chi ngân sách: 5% hay 6,6%?Chính phủ đề nghị tăng bội chi ngân sách

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên