27/05/2009 07:58 GMT+7

Nỗi lo từ bội chi ngân sách

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Bội chi ngân sách là chi ngân sách vượt quá số thu. Thời gian qua, VN liên tục bội chi ngân sách khoảng 4-5% GDP, tức chi vượt thu 4-5% tổng sản phẩm làm ra trong nước. Khoản chi lố này Chính phủ phải đi vay của dân qua trái phiếu hoặc vay nước ngoài, hoặc điều chuyển các nguồn lực.

Điều đáng nói là mặc dù kinh tế khó khăn, bội chi ngân sách nhà nước lớn nhưng theo phân tích của Ủy ban Tài chính - ngân sách trong báo cáo thẩm tra, chi thường xuyên của các cơ quan nhà nước vẫn tăng cao, đặc biệt phải kể đến “các khoản chi khác” tăng đến 154%, chi quản lý hành chính tăng 8%...

Chi khác là khoản chi mà các cơ quan nhà nước có thể dùng cho các công việc tiếp khách, tổ chức các hội nghị, hội thảo và các khoản chi không có trong danh mục chi chính thức... Chi quản lý hành chính là chi cho công việc hằng ngày của các cơ quan hành chính.

Chi khác tăng có nghĩa các hội nghị, hội thảo và các hoạt động ít có tên chính thức để có thể được ngân sách thanh toán vẫn nhiều, chi hành chính tăng chứng tỏ công việc của bộ máy hành chính nhiều lên nhưng cũng có thể là báo hiệu bộ máy hành chính chưa tinh gọn và áp dụng công nghệ kém...

Điều đáng nói là khi bội chi cao, cuối cùng dân cũng phải nộp thuế để trả cho khoản tăng cao đó, thì chi cho các mục tiêu an sinh xã hội lại đang giảm xuống. Theo đại biểu Trương Văn Vở - thành viên Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội, qua tìm hiểu kỹ các con số mà Chính phủ trình, ông phát hiện trong bốn tháng đầu năm 2009, khi mà kinh tế tiếp tục khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản thì chi cho an sinh xã hội của Chính phủ đã giảm so với năm 2008.

Ủy ban Tài chính - ngân sách trong báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách năm 2008 và phương án điều chỉnh ngân sách năm 2009 của Chính phủ cũng lưu ý mạnh mẽ: “Cơ cấu chi ngân sách không nên quá nghiêng vào đầu tư phát triển và chi thường xuyên mà nên tăng chi cho con người. Ngoài ra, Chính phủ cần giảm chi quản lý hành chính, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công, thực hiện tốt cơ chế khoán chi và tự cân đối thu chi”... Đặc biệt, Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị Chính phủ cần “khắc phục tình trạng nguồn thu giảm nhưng chi lại tăng rất mạnh, rất nhanh, khó quản lý”...

“Cái bánh” ngân sách rõ ràng có hạn, trong khi nhu cầu chi ở VN luôn rất lớn. Nên điều cần đặt ra là làm sao chi đúng chỗ, tương ứng với tầm quan trọng của nó. Do đã có kinh nghiệm một thời gian chạy theo con số tăng trưởng, chắc hẳn đến nay VN không nên vì con số tăng trưởng mà lơ là chi cho con người. Mất cân đối trong thu chi, trong khi chi cho bộ máy vẫn tăng, đó là một dấu hiệu cho thấy Chính phủ cần làm tốt hơn nữa việc cơ cấu lại bộ máy và để cho các thành phần kinh tế làm những việc mà Nhà nước không nhất thiết phải làm...

Như việc xây ký túc xá sinh viên, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ không nhất thiết phải vay vốn qua phát hành trái phiếu để làm. Chỉ cần có các chính sách như cấp đất, miễn hoặc giảm thuế sử dụng đất thật sự “thân thiện” với tình hình thực tế của thị trường... rất nhiều nhà đầu tư sẽ sẵn lòng bỏ vốn. Như vậy, Chính phủ chỉ không thu được tiền, nhưng cũng không phải lo bội chi quá cao và lo phải trả lãi cho khoản vay đó...

Năm 2009 Chính phủ xin bội chi khoảng 8%, nếu được thông qua, số tiền chi vượt thu sẽ lên tới gần 9 tỉ USD. Dù chỉ phải trả lãi cho một phần số tiền trên với lãi suất không cao thì gánh nặng trùm lên người nộp thuế vẫn không nhỏ. Vì vậy, lâu dài Chính phủ cần có các chính sách để giảm bội chi, mà một trong những biện pháp quan trọng đã được nhắc đến với nhiều quyết tâm là tinh gọn bộ máy.

Khi bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả thì không những sẽ giúp giảm bội chi cả trực tiếp và gián tiếp mà còn giúp phần chi cho con người được nhiều hơn theo đúng khuyến nghị của Ủy ban Tài chính - ngân sách.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên