08/05/2008 10:58 GMT+7

Bội chi ngân sách: 5% hay 6,6%?

T.L.T (ghi)
T.L.T (ghi)

TTO - Theo cách tính của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Chính phủ VN đang chi tiêu vượt quá mức tiền thu vào tới 6,6% GDP, không phải ở mức 5% như Quốc hội cho phép... Trong hội thảo về bội chi ngân sách do Ủy ban tài chính ngân sách quốc hội tổ chức ngày 5-5, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc chính phủ chi tiêu quá mức là một yếu tố gây lạm phát và cần được cắt giảm.

“Nguyên nhân gây ra lạm phát cao có phần quan trọng của chính sách tài khóa lỏng lẻo trong những năm qua, thể hiện ở bội chi ngân sách tăng liên tục qua các năm”, Tiến sĩ Lê Quốc Lý, vụ trưởng Vụ tài chính tiền tệ, cho biết tốc độ tăng bội chi ngân sách trong 8 năm trở lại đây giữ ở mức cao 17-18%/năm. Bộ Kế hoạch đầu tư cũng kết luận lạm phát có một phần đóng góp của bội chi ngân sách. Năm 2001, chi ngân sách 26,5% GDP, đến nay xấp xỉ 40%, tăng rất cao.

Ông Nguyễn Công Nghiệp, thứ trưởng Bộ tài chính thì cho rằng bội chi ngân sách của VN đang nằm ở mức hợp lý 5%. 1/3 mức thâm hụt này được bù đắp bằng tiền vay nước ngoài, còn lại là vay trong nước. Ngân sách nhà nước vẫn bố trí trả đầy đủ các khoản nợ đến hạn, không phát sinh nợ xấu. Ước tính đến cuối năm 2008, nợ chính phủ bằng 36,5% GDP.

Tuy nhiên, ông Jitendra Modi, chuyên gia của Liên minh châu Âu tại VN nói cách tính đó đã bỏ bớt phần chi từ nguồn cho vay lại vốn hỗ trợ phát triển ODA, trái phiếu chính phủ, công trái và các hoạt động đầu tư do ngân hàng phát triển VN. Theo cách tính của thông lệ quốc tế, bội chi ngân sách của VN lên tới 6,6%.

Cần công khai chi phí và lợi ích của các dự án đầu tư công

Ông Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia kinh tế chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cảnh báo: “Thâm hụt ngân sách đang ở mức báo động. Việc gia tăng thâm hụt ngân sách sẽ có thể dẫn đến giảm đầu tư tư nhân hay gia tăng thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai, làm xói mòn niềm tin đối với năng lực điều hành vĩ mô của chính phủ. Nó cũng làm tăng mức lạm phát kỳ vọng của người dân và nhà đầu tư vì họ cho rằng chính phủ trước sau gì cũng sẽ phải in thêm tiền để tài trợ thâm hụt”.

Ông cho rằng chính sách thắt chặt chi tiêu công của chính phủ để giảm thâm hụt ngân sách là hoàn toàn đúng đắn, nhưng chưa chắc chắn việc sẽ làm được đến đâu. Việc cắt giảm, giãn tiến độ đầu tư công không dễ dàng vì các dự án thường đã được duyệt, gắn với lợi ích thiết thân của những tổ chức liên quan đến dự án. Nhà nước hầu như không thể kiểm soát các khoản đầu tư của doanh nghiệp nhà nước do chính sách phân cấp quản lý đầu tư và một số tập đoàn lớn đã có ngân hàng riêng.

"Việt Nam nên giữ nguyên tắc vàng là chính phủ không bao giờ vay để tiêu dùng".

Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, để thu hẹp thâm hụt ngân sách, song song với việc giảm chi tiêu, chính phủ cũng cần cải thiện nguồn thu, tránh tình trạng ngân sách phụ thuộc quá nhiều (hiện là 40%) vào các nguồn thu không bền vững như dầu mỏ và thuế nhập khẩu như hiện nay. Ông đưa ra một giải pháp là chính phủ nên tăng thuế thu nhập cá nhân và thuế bất động sản để thu hẹp thâm hụt ngân sách.

Ông nhận định: Một nguyên nhân quan trọng của quá trình thất thoát, lãng phí trong đầu tư công sự thiếu khách quan trong quyết định đầu tư, do chính quyền địa phương và các ngành chủ quản chịu ảnh hưởng của các nhóm lợi ích. "Cần thành lập một hội đồng thẩm định đầu tư công độc lập để đánh giá toàn diện các dự án”. Cơ chế quản lý đầu tư công này sẽ loại ngay từ đầu những dự án kém hiệu quả như chương trình 5 triệu tấn đường hay đánh bắt xa bờ, sau đó đảm bảo để dự án được tiến hành đúng tiến độ và không bị lãng phí như dự án 112 và các dự án đầu tư cơ bản, được ước tính thất thoát trung bình 30%.

Ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP đồng tình: “Tất cả dự án đầu tư lớn phải có phân tích chi phí lợi ích, và phải được công bố công khai. Tại sao các phân tích chi phí lợi ích của các dự án đầu tư lớn lại bị giữ kín như bí mật quốc gia?”. Ông nhấn mạnh: VN nên giữ nguyên tắc vàng là chính phủ không bao giờ vay để tiêu dùng.

....................................

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh:

gUGKC390.jpgPhóng to
Ông Vũ Văn Ninh
TT - Các chuyên gia cho rằng chi tiêu ngân sách không hiệu quả có thể là một nguyên nhân gây lạm phát. Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Vũ Văn Ninh, bộ trưởng Bộ Tài chính, về vấn đề này bên lề Quốc hội chiều 7-5.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

* Thưa bộ trưởng, Chính phủ có dự định giảm bội chi ngân sách không?

- Hướng là như thế nhưng cụ thể còn phụ thuộc tình hình. Bội chi ngân sách bây giờ hầu hết các nước đều bội chi. Hiện nay bội chi chủ yếu là dành cho đầu tư. Quan điểm của tôi nếu bội chi dành cho đầu tư không hiệu quả thì gây lạm phát. Nếu hiệu quả thì không gây lạm phát.

* Như vậy sẽ không cắt giảm bội chi ngân sách mà tập trung vào hiệu quả đầu tư công?

- Mình muốn ngân sách cân bằng, không bội chi, không phải đi vay. Nhưng nếu tính kỹ thì đi vay cũng là một cơ hội cho phát triển. Nếu trong giới hạn an ninh cho phép có khi phải tăng vay lên để đẩy nhanh tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng đang yếu kém. Có khi lại lợi cho nền kinh tế. Quan trọng nhất là bội chi của mình đang nằm trong giới hạn an toàn của an ninh tài chính quốc gia. Không có một khoản vay nào mình không trả được nợ, đây là điều quyết định của an ninh tài chính đất nước. Vay về không trả được nợ mới đổ vỡ.

* Chính phủ nói bội chi ngân sách nằm trong mức Quốc hội cho phép là 5% GDP, nhưng nếu tính theo cách của Quĩ Tiền tệ quốc tế cộng cả trái phiếu Chính phủ, tiền vay trái phiếu cho doanh nghiệp... thì bội chi ngân sách lên tới 6,6%. Ông nghĩ sao?

- Người ta nói cũng có cái đúng nhưng có cái không đúng. Theo cách tính bội chi của VN, nếu cộng lại là như thế. Theo cách tính quốc tế thì không phải như vậy.

* Nhưng VN đã hội nhập rồi, phải theo thông lệ quốc tế chứ?

- Đương nhiên bây giờ phải tính hai chỉ tiêu. Đối với IMF thì vẫn tính theo quốc tế.

* Hiện giờ VN bị bội chi 5% GDP, ít nhất phải vay 3-4 tỉ USD để bù vào. Có đề nghị Chính phủ phải đánh giá lợi ích và chi phí của dự án đầu tư công và công khai để biết được việc bội chi ngân sách có được dùng hiệu quả không?

- Giám sát đầu tư, phân bổ như thế nào, có hiệu quả hay không cũng giao Bộ Kế hoạch - đầu tư, tôi chỉ có chức năng nhất định thôi.

* Để chống lạm phát phải giảm đầu tư công không hiệu quả, bộ trưởng nói thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch - đầu tư. Nhưng tiền do Bộ Tài chính chi ra mà Bộ Tài chính lại không nắm được có hiệu quả hay không?

- Nhà báo mà cứ truy thế này thì...

* Theo bộ trưởng, lần này Quốc hội có bàn về cắt giảm bội chi ngân sách không?

- Tôi không nói được. Các bạn hỏi khó quá.

* Một nguyên nhân lớn của lạm phát là doanh nghiệp nhà nước đầu tư quá nhiều. Thủ tướng đã họp với các doanh nghiệp nhưng dường như chưa có sự cắt giảm cụ thể nào cả?

- Thủ tướng chỉ đưa ra tiêu chí thôi. Các doanh nghiệp tự thực hiện rà soát. Chính phủ cũng yêu cầu với dự án không hiệu quả như xây dựng trụ sở thì phải dừng. Bây giờ mình phân cấp rồi, xuống bộ, địa phương, doanh nghiệp ra tay. Chính phủ chỉ kiểm tra thôi, không can thiệp sâu vào từng doanh nghiệp như thế được.

* Chính phủ có nên tiếp tục bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay vốn nước ngoài như vay 750 triệu USD cho Vinashin, vì theo thông lệ quốc tế, vốn vay này vẫn tính vào bội chi ngân sách?

- Theo tôi, về lâu dài cần hạn chế bớt để doanh nghiệp tự vươn ra thị trường vốn quốc tế. Bây giờ doanh nghiệp chưa đủ uy tín quốc tế nên Chính phủ phải bảo lãnh những dự án quan trọng. Như vậy doanh nghiệp phải có năng lực, có uy tín trên thị trường nguồn vốn quốc tế mới tự vay vốn được. Đáp ứng các yêu cầu quốc tế không đơn giản. Trước mắt phải bảo lãnh những dự án có hiệu quả.

* Nước mình đang ở giai đoạn kinh tế hơi khó khăn, cần có biện pháp mạnh như cắt giảm chi tiêu công, liệu Chính phủ có dám làm không?

- Đây là cơ hội để xem xét, sắp xếp lại mình hiệu quả hơn thì tốt hơn. Có những cái phải làm. Ví dụ như tiết kiệm chi 10% là thông báo rồi. Tháng năm này yêu cầu phải báo cáo cắt giảm đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh):

Năm nay không được bội chi

BOBSDFd9.jpgPhóng to

Trung tâm Văn hóa thể dục thể thao Bình Chánh (TP.HCM) là một trong những điển hình của sự đầu tư lãng phí, kém hiệu quả - Ảnh: Minh Đức

Bội chi ngân sách 5%/năm là mức cho phép vì nước ta đang trong quá trình phát triển và mức bội chi đó chủ yếu cho đầu tư phát triển. Nhưng vấn đề là một phần trong số tiền Chính phủ đầu tư đã không đem lại hiệu quả như mong muốn, tức là đầu tư gây thất thoát. Nếu trước đây chúng ta đầu tư 3 đồng thì thu được 1 đồng, nhưng nay đầu tư tới 4-5 đồng mới thu được 1 đồng, rõ ràng chúng ta đang đầu tư không hiệu quả.

Bên cạnh đó Chính phủ cũng đầu tư dàn trải, chẳng hạn như chuyện ngành điện đầu tư khu nghỉ mát, viễn thông, ngành đóng tàu đầu tư nhiều thứ ngoài ngành, ngành than vừa rồi đi mua cả thức ăn gia súc... Nhiều tập đoàn đầu tư sang những lĩnh vực không thuộc thế mạnh nên hiệu quả giảm.

Những năm trước đây lạm phát thấp nên mức bội chi 5% là hợp lý, nhưng bây giờ lạm phát cao quá thì phải giảm bội chi ngân sách còn 1-2%/năm, thậm chí không được bội chi nữa. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội vừa qua không thấy nói tới giảm bội chi, không nói cắt giảm đầu tư bao nhiêu, không dự toán ngân sách lại, không có chỉ tiêu lạm phát... mà chỉ đưa ra mỗi chỉ tiêu giảm tăng trưởng xuống còn 7% thì không có cơ sở.

K.Hưng - Q.Thiện ghi

T.L.T (ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên