Cháy TT thương mại Hải Dương: Thiệt hại khoảng 500 tỉ đồngTTTM Hải Dương cháy: bà con tiểu thương mất gần 400 tỉ đồngTrung tâm thương mại Hải Dương trước nguy cơ sụp đổ
Đó chỉ là một số vụ cháy chợ chưa thống kê hết từ đầu năm 2013 đến nay. Lật lại vài năm trước có đến hàng trăm chợ, trung tâm thương mại lớn nhỏ đã bị bà hỏa viếng. Nhiều vụ cháy liên tiếp “phá kỷ lục” cả về quy mô cháy lẫn giá trị thiệt hại. Tháng 12-2006, chợ Lớn Quy Nhơn, Bình Định cháy nhiều giờ, thiệt hại 150 tỉ đồng của gần 1.000 hộ kinh doanh. Tháng 2-2012, chợ Quảng Ngãi ngập trong lửa hơn 7 giờ làm tiêu tan hơn 200 tỉ đồng của người kinh doanh. Còn tại Trung tâm thương mại Hải Dương, vụ cháy gây thiệt hại tạm tính lên đến 500 tỉ đồng ...
Rồi ngọn lửa tàn phá này sẽ lại bốc lên ở chợ nào?
“Thật khủng khiếp! Cứ ít hôm lực lượng chúng tôi lại nhận báo cáo cháy chợ này, chợ kia trên khắp cả nước. Số lượng, quy mô hình như không hề giảm mà cứ tăng...” - một cán bộ phòng cháy chữa cháy TP.HCM ngán ngẩm nhận xét với người viết.
“Kịch bản” các vụ thảm họa này đều na ná nhau: do con người bất cẩn, thiết bị điện kém an toàn. Đặc biệt diễn biến cũng gần “cùng bài”: do báo tin trễ, đường sá, lối vào chợ chật hẹp, thiếu thiết bị chữa cháy hiện đại ... Rồi ngọn lửa mặc sức hoành hành suốt nhiều giờ cho đến khi gần như chẳng còn gì để cháy trước sự hoảng loạn, khóc than rền rĩ của người chịu thiệt hại. Ngậm ngùi hơn có những chợ ở ngay bên sông, thậm chí trên sông như chợ Năm Căn ở Cà Mau, Vĩnh Xương ở An Giang, lực lượng cứu hỏa cũng bó tay. Có ngày mấy chợ cùng “hẹn” nhau phát hỏa như đêm 17-7-2011, miền Trung cháy chợ Tuy Hòa, miền Nam cháy chợ Sóc Trăng. Và có chợ đến hẹn lại cháy như chợ Quảng Sơn, Quảng Bình vừa cháy năm 2012 chưa khắc phục xong thiệt hại, đầu năm 2013 lại tiếp tục bốc hỏa.
Hậu quả đều giống nhau: tiểu thương trắng tay, phá sản!
Có vẻ các địa phương đã học tập nhau kinh nghiệm khắc phục hậu quả sau cháy chợ. Đó là hỗ trợ tiền, đề nghị ngân hàng giãn nợ, giảm lãi vay, trường học miễn giảm học phí, miễn thuế và các khoản đóng góp ...
Sự thật việc quan tâm, giúp đỡ cụ thể này rất có ý nghĩa, nhưng liệu đã đủ hay chưa, và quan trọng hơn nó có phải là “bài thuốc” hiệu quả để trị “dịch” cháy chợ hoành hành. Câu hỏi phòng cháy hay chữa cháy quan trọng hơn? Phòng cháy đã được thực hiện thế nào mà cứ ít hôm thời sự lại nóng lên cháy chợ này, hỏa hoạn trung tâm kia? Đành rằng một vài vụ có thể lý giải này nọ được, nhưng đến hàng trăm vụ cháy chợ chỉ ít năm qua là thực tế cần phải xem lại đầy đủ trách nhiệm việc phòng cháy chữa cháy.
Đặc biệt, hậu quả cháy chợ càng vô cùng nghiêm trọng khi hầu hết tiểu thương đều không có bảo hiểm. Sự quan tâm, giúp đỡ ít tiền, chính sách này nọ không thể nào so sánh được gói bảo hiểm đầy đủ khi hoạn nạn xảy ra. Chỉ có bảo hiểm mới giúp họ đứng lên, làm lại được sau thiệt hại. Phải chăng tại tiểu thương không mua, hay nhà bảo hiểm không thể bán được cho những ngôi chợ có quá nhiều nguy cơ chực chờ?
Nước thì dập lửa. Nhưng khi phải cần đến nước thì quá trễ rồi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận