Trong khi đó, trả lời trên Tuổi Trẻ (ra ngày 21-8), đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Bộ Công an, lại khẳng định “dư luận hiểu sai văn bản”!
Tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần đoạn được bạn tôi đề cập trong công văn số 1042/C67-P3:
“Kiên quyết đấu tranh làm rõ những đối tượng... quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”. Quả thật lời văn trên chỉ có một cách hiểu, không thể khác hơn, đại ý: người nào muốn quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra của cảnh sát giao thông, trong đó có nhà báo, thì đều phải được sự đồng ý của cảnh sát giao thông, nếu không sẽ bị xử lý!
Cho nên, bạn tôi và dư luận bức xúc là phải. Điều 69 Hiến pháp 1992 quy định: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin...”. Còn điều 2, Luật báo chí khẳng định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động...”.
Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, ấy là những quyền cơ bản, thiêng liêng của công dân được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Thế mà nay công văn nói trên lại yêu cầu kể cả nhà báo muốn thực hiện quyền của mình cũng phải “xin” và “cho”!
Xét về thẩm quyền ban hành, công văn nói trên cũng có vấn đề cần bàn. Cho dù đây là một văn bản nội bộ nhưng nội dung lại chứa đựng quy phạm pháp luật. Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội. “Xin”, “cho” trong công văn nói trên chính là một hình thức quy phạm pháp luật. Một văn bản quy phạm pháp luật kiểu như vậy, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn toàn không thuộc thẩm quyền ban hành của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt.
Những “quy phạm” như trên sẽ rất dễ gây cho dư luận băn khoăn: phải chăng có lãnh đạo của ngành công an không muốn ai giám sát, hỗ trợ để chống tiêu cực, chống mãi lộ? Hủy bỏ ngay lập tức công văn số 1042/C67-P3! Thiết nghĩ đó là câu trả lời tốt nhất để đánh tan ngờ vực và hơn thế nữa đó là sự tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc!
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Vụ clip tố CSGT ghi sai biên bản: Sai đến đâu xử tới đóLập đoàn thanh tra làm rõ clip “tố” cảnh sát giao thônglip tố cảnh sát giao thông "ăn bẩn": mỗi bên nói một kiểu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận