21/08/2013 07:14 GMT+7

Quay phim CSGT phải xin phép: "Dư luận hiểu sai văn bản"(?)

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn - phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an - khẳng định như vậy khi chúng tôi đề cập đến văn bản 1042/C67-P3 do cục này ban hành được dư luận hiểu là làm khó nhà báo, người dân trong giám sát hoạt động của CSGT.

Vụ clip tố CSGT ghi sai biên bản: Sai đến đâu xử tới đóLập đoàn thanh tra làm rõ clip “tố” cảnh sát giao thônglip tố cảnh sát giao thông "ăn bẩn": mỗi bên nói một kiểu

avmUCrHn.jpgPhóng to
Cảnh sát giao thông giải thích lỗi cho người vi phạm tại giao lộ Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2, Q.10 (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Cụ thể, đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định công dân và nhà báo có quyền quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT vì pháp luật không cấm.

Ngày 20-8, ông Lê Hồng Sơn, cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, cho biết đã nhận được văn bản 1042 do Cục CSGT đường bộ - đường sắt phát hành và đang xem xét mức độ đúng đắn của văn bản này. Sau khi xem xét, cục sẽ có ý kiến chính thức.

Trước đó, ngày 26-4-2013, văn bản số 1042/C67-P3 do đại tá Trần Sơn Hà, phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, ký gửi trưởng phòng CSGT, công an các tỉnh, thành phố quán triệt một số nội dung.

Văn bản này nêu quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm có một số đối tượng vi phạm giao thông lợi dụng mối quan hệ nhờ tác động, xin bỏ qua vi phạm, có đối tượng đã có thái độ chửi bới, lăng mạ, thậm chí chống lại lực lượng đang thực thi nhiệm vụ, hoặc giả danh phóng viên báo, đài sử dụng các thiết bị ghi hình lực lượng tuần tra kiểm soát.

Cụ thể, thời gian gần đây ở Thanh Hóa, Bình Thuận đã xảy ra việc một số đối tượng giả danh nhà báo ghi hình CSGT làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát. Vì vậy, Cục CSGT đề nghị các trưởng phòng chỉ đạo cán bộ chiến sĩ quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định của bộ về nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, tư thế, lễ tiết, tác phong...

Văn bản cũng nêu rõ: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

Dư luận người dân đặt vấn đề nội dung trên đã hạn chế quyền của công dân và nhà báo thực hiện quyền giám sát đối với lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ.

Về vấn đề này, đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định CSGT không có quyền can thiệp vào việc phóng viên tác nghiệp, quay phim chụp ảnh và không có hạn chế gì cả. Với công dân cũng vậy, ở những địa điểm không cấm quay phim, chụp ảnh thì công dân có quyền được quay phim chụp ảnh và thực hiện quyền giám sát của mình.

Ông Tuấn cho biết văn bản 1042 là văn bản nội bộ của lực lượng CSGT nhằm nhắc nhở cán bộ chiến sĩ thực hiện đúng tác phong làm việc chứ không phải cản trở báo chí.

Theo ông Tuấn, thời gian qua đã xảy ra tình trạng người vi phạm bị xử phạt, sau đó có hành vi quay phim chụp ảnh, kích động gây ức chế đối với CSGT làm nhiệm vụ rồi cắt xén, đưa lên mạng Internet, Facebook làm sai lệch hình ảnh cán bộ chiến sĩ CSGT.

Trước tình hình đó, Cục CSGT có công văn nhắc nhở về kỷ cương tác phong làm việc của cán bộ chiến sĩ đề phòng những đối tượng lợi dụng việc quay phim, chụp ảnh để sử dụng vào mục đích xấu như trên.

Đối với việc phóng viên, nhà báo quay phim chụp ảnh là hoạt động báo chí được quy định tại Luật báo chí, báo chí cứ giám sát bình thường và cán bộ nào sai thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. CSGT phải có trách nhiệm tích cực phối hợp với báo chí để tuyên truyền đúng theo pháp luật, ông Tuấn khẳng định. Đối với nội

dung trong văn bản 1042 quy định “Nếu đúng nhà báo thì thông báo cho cơ quan chủ quản”, đại tá Tuấn lý giải chỉ thông báo khi các nội dung báo chí phản ánh chưa thống nhất với cơ quan công an chứ không phải thông báo nếu có nhà báo quay phim, chụp ảnh khi CSGT làm nhiệm vụ.

Ngoài ra khi nhà báo quay phim, chụp ảnh mà có lời lẽ hành vi không đúng mực, kích động người dân thì mới kiểm tra, xử lý để thông báo về cơ quan. Nếu nhà báo làm nhiệm vụ mà cán bộ chiến sĩ CSGT hỏi thì cũng có quyền không nói về cơ quan của mình.

Luật sư NGUYỄN THẾ TRUYỀN (Đoàn luật sư Hà Nội):

Người dân không phải tuân theo văn bản này

Đọc văn bản 1042/C67-P3, chúng ta có thể hiểu khi nhà báo, người dân muốn quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của CSGT đang làm nhiệm vụ thì phải được sự đồng ý của CSGT. Tuy nhiên, tôi thấy nội dung văn bản này không phù hợp với quy định của pháp luật.

Văn bản này chỉ mang tính chất nội bộ trong ngành công an. Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 thì đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên không có hiệu lực bắt buộc chung đối với nhà báo và người dân. Nhà báo và người dân quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ không cần phải tuân theo văn bản này, chỉ phải thực hiện đúng các quy định liên quan đến pháp luật về báo chí, cụ thể là Luật báo chí và các văn bản hướng dẫn.

Về việc người dân quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ thì pháp luật không cấm, nên người dân được thực hiện việc này, đó cũng là quyền của người dân để thực hiện giám sát hoạt động của cơ quan công quyền nói chung và công an nói riêng.

Trước đây, trả lời trên báo Tuổi Trẻ về việc “bị cảnh sát thu máy vì quay phim” tại xã Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương, thượng tướng Lê Thế Tiệm, thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định: “Việc thực hiện quay phim, chụp ảnh là quyền của người dân và đó là hoạt động thể hiện chức năng kiểm tra, giám sát của người dân đối với hoạt động của cơ quan công an. Do đó, người dân sử dụng máy quay phim, chụp ảnh đối với công an không phải là sai phạm”.

Một điểm không có căn cứ nữa của văn bản trên là ở đoạn cuối có ghi: “Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu là giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.

Với điểm này, chúng ta có thể hiểu rằng Cục CSGT đường bộ, đường sắt chỉ phân biệt tất cả các đối tượng chụp ảnh, quay phim CSGT thành hai loại, đó là nhà báo và không phải nhà báo. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu phát hiện đó là nhà báo thì Luật công an nhân dân không quy định lực lượng CSGT có quyền được “tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản” trong hoạt động tác nghiệp. Quy định này cũng vi phạm nghiêm trọng Luật báo chí.

Còn trong trường hợp người đó không phải là nhà báo thì “tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”. Quy định nào cho phép lực lượng CSGT được tạm giữ đối với người quay phim, chụp ảnh và quay phim, chụp ảnh vi phạm điều luật nào để có thể bị tạm giữ và xử lý?

Từ những phân tích trên, tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại tính hợp pháp và hợp hiến của văn bản 1042/C67-P3

Hoàng Điệp ghi

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên