07/04/2013 09:28 GMT+7

Thương hiệu và tờ vé số rách

HOÀNG TRÍ DŨNG
HOÀNG TRÍ DŨNG

TT - 100 triệu đồng là lớn hay nhỏ? Với một người nghèo như ông Dương Văn Tùng thì đó là một số tiền lớn. Nhưng với Công ty Xổ số kiến thiết Kiên Giang thì đó chỉ là một món tiền nhỏ. Và món tiền nhỏ ấy đã có thể trở thành một cơ hội quảng bá thương hiệu cực tốt cho Công ty Xổ số kiến thiết Kiên Giang nếu họ biết nắm bắt cơ hội.

Thương hiệu là vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp. Thậm chí nhiều người còn nhại câu “Tiếng Việt còn, nước Việt còn” của Phạm Quỳnh, thành “thương hiệu còn, doanh nghiệp còn”!

Đối với doanh nghiệp, việc bảo vệ thương hiệu, khuếch trương thương hiệu là chuyện tối quan trọng. Chúng tôi từng đi dự một cuộc họp báo giới thiệu về một sự kiện lớn, do hãng nước ngọt P tài trợ.

Đến dự cuộc họp báo ấy có một nhà báo mặc chiếc áo có thêu tên hãng C - một đối thủ của P. Ngay lập tức, công ty tổ chức sự kiện tổ chức cuộc họp này nháo nhào. Họ phải đi tìm ngay một chiếc áo mới, năn nỉ nhà báo nọ rằng hãy làm ơn làm phước mặc giúp chiếc áo mới.

Đơn giản bởi phía P sẽ không trả một đồng xu nào cho công ty tổ chức sự kiện, vì cho rằng đã không tôn trọng thương hiệu của mình.

Một chuyện nhỏ xíu xiu nhưng đã cho thấy trong thế giới kinh doanh, người ta bảo vệ thương hiệu kinh khủng như thế nào.

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu (một nghề riêng, chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp) đã cho rằng nếu Công ty XSKT Kiên Giang là một doanh nghiệp thực thụ, thì diễn biến của câu chuyện tờ vé số rách đã không dây dưa từ dây cà ra dây muống, kéo dài cả chục ngày qua trên Tuổi Trẻ.

Các chuyên gia đã vẽ ra một kế hoạch làm thương hiệu cho Công ty XSKT Kiên Giang như thế này: Khi báo chí tung câu chuyện này ra dư luận, thoạt tiên không ai chê trách gì Công ty XSKT Kiên Giang, vì họ đã có quy định về chuyện vé số bị rách là không được nhận thưởng.

Tuy nhiên, sau khi xác minh một cách đầy đủ, toàn diện để đủ cơ sở xác nhận tờ vé số của ông Tùng bị rách chỉ là do xui rủi. Khi ấy, Công ty XSKT Kiên Giang tổ chức ngay một buổi trao thưởng cho ông Tùng, với sự có mặt của báo chí. Chắc chắn Công ty XSKT Kiên Giang đã ghi một bàn thắng đẹp đối với khách hàng, và thị phần của thị trường vé số khó mà không có thay đổi theo chiều hướng có lợi cho Công ty XSKT Kiên Giang. Chiêu này các chuyên gia làm thương hiệu cho doanh nghiệp khẳng định: Đừng nói là 100 triệu, cả tỉ đồng cũng xứng đáng!

Thật đáng tiếc, thay vì tranh thủ câu chuyện tờ vé số rách của ông Tùng để xây dựng thiện cảm trong lòng khách hàng, Công ty XSKT Kiên Giang lại viện dẫn hết thông tư này đến quy định nọ nhằm “tiết kiệm” 100 triệu đồng! Dù trên thực tế nhiều vị lãnh đạo của một số công ty XSKT khác khẳng định “hoàn toàn có thể vận dụng thông tư 65 của Bộ Tài chính giải quyết một cách có lợi cho người dân, miễn là không vượt quá quy định của thông tư và pháp luật nhà nước”.

Và nhiều người đã bình luận rằng: Công ty XSKT Kiên Giang đã vì cái lợi nhỏ trước mắt mà quên cái hại lớn sau lưng. Cái hại ấy, chúng tôi đo lường được qua rất nhiều ý kiến của bạn đọc, đó là người ta bảo rằng: từ nay không mua vé số của Công ty XSKT Kiên Giang nữa!

Thật ra câu chuyện bảo vệ thương hiệu, đánh bóng thương hiệu là chuyện “nhập môn” của giới doanh nhân, đặc biệt các doanh nghiệp tư có ý thức cực cao bởi nó liên quan trực tiếp đến “khúc ruột” của mình. Thường xem nhẹ việc bảo vệ, xây dựng thương hiệu là ở các công ty của Nhà nước. Ở đây, Công ty XSKT Kiên Giang là một minh chứng hùng hồn vậy!

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Hội đồng xổ số tỉnh Kiên Giang sẽ xem xétSẽ lại “trúng số” nữa!Công ty xổ số không nhận đơn yêu cầu trả thưởngTiền không mua đượcPhải xét trả thưởng cho ông TùngTrúng số 100 triệu nhưng không được nhậnVé số rách: ông Tùng không được trao thưởngTrúng số 100 triệu không được nhận thưởng: Xin ý kiến Bộ Tài chính

HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên