06/12/2012 23:12 GMT+7

Lợi thế cạnh tranh trong tay ta

 TS VŨ THÀNH TỰ ANH (giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy Fulbright)HƯƠNG GIANG ghi
 TS VŨ THÀNH TỰ ANH (giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy Fulbright)HƯƠNG GIANG ghi

TT - Chúng ta đều nhắc tới lợi thế cạnh tranh của VN là lợi thế của người đi sau. Nhưng để tận dụng lợi thế đó, cần phải có năng lực. Năng lực đó là học những bài học đúng của thế giới.

Chúng ta học không đúng việc xây dựng mô hình tập đoàn nhà nước theo kiểu chaebol của Hàn Quốc trong khi chaebol là nguyên nhân khủng hoảng năm 1997-1998 của nước này. Hoặc học nửa vời khi phát triển công ty lớn nhưng không làm sao để chúng có năng lực cạnh tranh quốc tế chứ không phải là độc quyền nội địa. Hơn nữa, chúng ta quên mất nền tảng của kinh tế VN vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Rồi bỏ quên khối doanh nghiệp này, để nó tự bơi trong điều kiện kinh tế toàn cầu đã kém mà kinh tế trong nước cũng khó khăn.

Hiện nay, nền công nghiệp VN vẫn dựa vào các lợi thế cơ bản như đất đai, nhân công rẻ, chi phí rẻ... Đó vẫn là nền công nghiệp gia công, lắp ráp. VN cũng không phát triển công nghiệp dựa vào lợi thế nền tảng như nông nghiệp. Thật sự VN vẫn là một nước nông nghiệp đến thời điểm này và năng lực sản xuất nông nghiệp của VN rất lớn. Nhưng khi chạy theo cái gọi là giá trị công nghệ (dù giá trị gia tăng từ đó không nhiều), và bỏ quên một khu vực quan trọng nơi 60-70% dân số và khoảng 60% lao động vẫn ở khu vực đó thì đây là sai lầm. Phát triển công nghiệp của ta bị tách rời, bỏ quên nông nghiệp. Trong khi nông nghiệp sẽ không được tiếp thêm sức mạnh nếu không được đầu tư công nghệ. Do vậy, cần kết hợp hai yếu tố này với nhau: công nghiệp cần phục vụ nông nghiệp, làm cho giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng lên.

Một trong những tiến bộ đáng khích lệ thời gian qua của VN là tỉ trọng sản phẩm xuất khẩu công nghệ cao chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhưng nhìn sâu vào những gì nằm sau xuất khẩu công nghệ cao của VN thì bức tranh không thật sự sáng sủa, đóng góp giá trị gia tăng của VN trong xuất khẩu công nghệ cao không đáng bao nhiêu. Có những sản phẩm xuất khẩu công nghệ cao nhưng đóng góp của lao động VN chỉ là lấy con chip gắn vào bo mạch. Ở công đoạn này có công nhân trình độ học vấn thấp và chỉ cần 3-5 ngày là làm quen với dây chuyền sản xuất. Có thể các công ty công nghệ cao vào VN như Intel, Samsung... vì chúng ta có ưu đãi, một phần lợi thế lương rẻ, chứ không phải vì chúng ta có lực lượng kỹ sư, nghiên cứu khoa học giàu kinh nghiệm và có đẳng cấp quốc tế.

Thực trạng trên có nguyên nhân là ngân sách cho khoa học - công nghệ chỉ chiếm 2% và tương đương 0,4-0,5% GDP, thấp xa mức bình thường là 1,5-2% GDP của các nền kinh tế khác. Nhưng để tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế, phải tạo môi trường cho các nhà khoa học. Nếu môi trường có tính khuyến khích, khai phóng tự do tư duy, tự do sáng tạo, gắn liền nghiên cứu với ứng dụng và thị trường thì mới tạo ra động lực. Bởi khi ra thế giới, các nhà khoa học VN vẫn trở thành những tên tuổi, tham gia những khâu quan trọng nhất, có hàm lượng chất xám và hàm lượng kỹ năng cao nhất trong chuỗi nghiên cứu khoa học toàn cầu. Do vậy, vấn đề quan trọng là năng lực đó phải nằm ở môi trường thuận lợi nhằm kích thích năng lượng đó được khơi dậy và phát huy hết. Bên cạnh đó, khoa học - công nghệ cao phải dựa vào các tổ chức khoa học - công nghệ, cụ thể là các trường đại học và viện nghiên cứu. Nếu hai chủ thể này không được tổ chức tốt, chúng ta không có được khoa học - công nghệ cao.

Cuối cùng, để có các điều kiện đó thì đầu tư, khuyến khích tài chính không thể không có. Chúng ta vẫn nói là khuyến khích các nhà khoa học, nhưng giá trị mà họ mang lại và tưởng thưởng của Nhà nước và các tổ chức họ làm việc có xứng đáng với công sức mà họ tạo ra hay không?

 TS VŨ THÀNH TỰ ANH (giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy Fulbright)HƯƠNG GIANG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên