13/11/2012 07:36 GMT+7

Thiên tai lột trần chất lượng công trình

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Cơn bão trái mùa Sơn Tinh quét qua đồng bằng Bắc bộ làm tháp truyền hình Nam Định cao 180m ngã vật. Khối sắt thép lạnh lùng lừng lững bốn chân tưởng vững chãi oai phong chọc trời bỗng dưng nằm quặt quẹo mà có người ví nó mềm như... bún.

Hệ quả của nhiều sai lầm Cần làm rõ việc mua tháp truyền hình Tháp truyền hình đổ do không đúng chuẩn

Thiên tai thật đáng sợ, nhưng ở giữa nghị trường chiều qua (12-11), đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) lại cho rằng nhờ thiên tai mới nhìn thấy rõ chất lượng công trình xây dựng, và lấp ló đằng sau nó là lãng phí, tiêu cực do con người gây ra.

“Tháp truyền hình Nam Định đổ, bộ trưởng thấy gì trong đó? Làm sao để thiên tai không xóa đi dấu vết của nhân tai?” - đại biểu Tâm hỏi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Câu trả lời của ông Dũng cho thấy rằng bộ trưởng chưa thấy gì trong đó, bởi chỉ mới xác định được thiệt hại ước tính 50 tỉ đồng, còn nguyên nhân vẫn đang... đi tìm.

Đại biểu Quốc hội nhắc người đứng đầu ngành xây dựng rằng sự cố với cột tháp truyền hình này chỉ là một ví dụ mà có thể nguyên nhân từ “nhân tai” sẽ bị lộ, còn bao nhiêu công trình khác đề nghị bộ trưởng hãy cho kiểm tra xem đã bị thao túng, rút ruột thế nào, đừng để những kẻ rút ruột công trình “cảm ơn thiên tai” xóa đi những dấu vết của tội lỗi.

Một công trình khác cũng được nhiều đại biểu gọi tên trong phiên chất vấn, đó là thủy điện Sông Tranh 2. “Bộ trưởng từng tuyên bố đập thủy điện Sông Tranh 2 an toàn. An toàn vậy sao lại không cho tích nước? Nếu đập vỡ, ai chịu trách nhiệm?” - đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi xong thì hết giờ và Bộ trưởng Dũng chưa kịp đáp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận “lại thêm một câu hỏi khó rồi”. Khó, vì như bình luận của đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) thì nếu xảy ra sự cố với những công trình như thủy điện hoặc điện hạt nhân thì hậu quả sẽ khôn lường. Khó, bởi trong trường hợp cụ thể này, mặc dù chính bộ trưởng khẳng định “an toàn”, nhưng phản biện của nhiều nhà khoa học độc lập lại cho thấy “không an toàn”, trong khi chân lý thì chỉ có một. Khó hơn nữa là ở trách nhiệm, vỡ đập thì phải chịu trách nhiệm như thế nào cho đủ?

Chủ tịch Quốc hội hỏi chất lượng xây dựng của VN tốt, xấu hay trung bình? Bộ trưởng đáp rằng chất lượng xây dựng của VN cơ bản là tốt, ngoại trừ một vài sự cố xảy ra như... cầu Cần Thơ, tháp truyền hình Nam Định, đập thủy điện Sông Tranh 2.

Chao ôi, “cầu Cần Thơ”, ví dụ được bộ trưởng đưa ra làm nhiều người lạnh gáy. Không có bất cứ trách nhiệm nào có thể trả giá cho 53 oan hồn năm xưa luôn hiện hữu cùng năm tháng với cây cầu bắc ngang sông Hậu. Nếu cái cột truyền hình cao 180m kia với hàng chục tấn sắt thép ngã vật vào khu dân cư thì hậu quả ra sao? Nếu cái đập thủy điện ấy “không vỡ mà chỉ gãy ngang” như cảnh báo của ai đó được đại biểu Ngô Văn Minh dẫn lại thì sẽ thế nào?

Trước Quốc hội, chính bộ trưởng thừa nhận rằng “vấn đề lãng phí, thất thoát không phải hôm nay mà có từ lâu rồi. Đây là bệnh nan giải và rất khó khắc phục triệt để”. Bộ trưởng đã nêu một giải pháp được nhiều người chờ đợi là “mở rộng cơ chế để cộng đồng, xã hội, người dân giám sát. Ví dụ thủy điện Sông Tranh 2 vừa rồi được nhiều nhà khoa học tham gia phản biện”. Đại biểu Nga liền nhắc bộ trưởng rằng chúng ta có ban thanh tra nhân dân, có giám sát nhân dân, nhưng tấm biển “không phận sự, miễn vào” luôn được treo bên ngoài những cánh cửa vào công trình khóa chặt.

Hãy có cơ chế thật sự để nhân dân trăm tai nghìn mắt giám sát chất lượng các công trình xây dựng, nếu không muốn nhờ “thiên tai” làm lộ bộ mặt “nhân tai”. Có thể thí điểm ngay đối với trường hợp thủy điện Sông Tranh 2 khi các nhà khoa học phản biện cho biết họ sẵn sàng tranh luận nếu được Quốc hội làm trọng tài.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên