06/08/2012 08:14 GMT+7

Một tấc bản đồ, muôn tấc lòng dân...

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Câu chuyện về kỹ sư Trần Thắng - một người Việt ở Connecticut (Hoa Kỳ) - và những tấm bản đồ cổ quý giá liên quan tới chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được anh tìm mua và đang gìn giữ, bảo vệ (đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 5-8 - Người quên nghĩ cho mình) đã khiến nhiều bạn đọc xúc động và bày tỏ lòng cảm phục.

Trưng bày bản đồ TQ không có Hoàng Sa, Trường SaBản đồ Trung Quốc 1904 không có Hoàng Sa, Trường Sa

Hơn một tuần trước, bạn đọc cũng đã biết sơ qua về câu chuyện những tấm bản đồ cổ có giá trị sử liệu cao, có khả năng giúp ích cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam mà Trần Thắng đã đi tìm và mua được trong bài báo của tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn (Thấy lòng yêu nước qua tấm bản đồ).

Nhưng phải đến số báo đó, bạn đọc mới hình dung cái cảnh anh, ngay trong ngày đầu tuần, khi phát hiện những tấm bản đồ nói trên đã xin nghỉ phép ở công ty để vội vã lái xe hơn bốn giờ từ Connecticut đến New York để kịp tận mắt nhìn thấy những tấm bản đồ Trung Hoa mà cực nam của nó giới hạn ở đảo Hải Nam, nghĩa là không hề có Hoàng Sa và Trường Sa trong vòng lãnh giới chủ quyền của họ! Và rồi với tất cả trách nhiệm của một người con nước Việt, anh đã dốc túi hàng ngàn đôla để mua ngay những tấm bản đồ ấy, bởi anh lo ngại những kẻ có dã tâm sẽ mua mất những tấm bản đồ quý giá này!

Bên trong dáng vóc gầy nhỏ của chàng trai gốc Quảng Ngãi này là cả một bầu nhiệt huyết chứa chan với Tổ quốc. Khi nói về Việt Nam, Thắng thường hay dùng một từ: motherland (đất mẹ) - chính xác là như thế, là “đất mẹ” bởi tự thân Thắng đã là một người con trung hiếu của mẹ Việt Nam.

Tưởng tượng cái vóc dáng nhỏ nhắn của anh với chiếc xe vượt hàng trăm cây số để mang về những tấm bản đồ quý giá cho đất nước, chợt liên tưởng tới hình ảnh một người Việt khác ở Ý mà tôi có cơ duyên được biết và viết về anh - kỹ sư Trần Doãn Trang. Cũng là một người Việt xa xứ, làm việc cho Hãng xe hơi Fiat (Ý). Mấy năm trước, khi biết trong những thư viện cổ kính của các dòng tu nước Ý có khá nhiều sách của các giáo sĩ phương Tây từ vài thế kỷ trước đã viết rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền An Nam, anh Trần Doãn Trang đã lặng lẽ một mình gõ cửa nhiều tu viện cổ kính để rồi ứa nước mắt khi tìm thấy cuốn sách Compendio di geografia (Địa lý thế giới) của nhà nghiên cứu địa lý lừng danh Adriano Balbi được xuất bản gần 200 năm về trước.

Nỗi xúc động ấy của anh Trang cũng giống như khi Trần Thắng phát hiện và mua được những tấm bản đồ quý giá. Nỗi xúc động ấy cộng hưởng với niềm vui của hàng triệu người Việt khi thông tin về tấm bản đồ do tiến sĩ Mai Hồng vừa công bố hay việc tìm thấy tờ lệnh Hoàng Sa của gia tộc họ Đặng ngoài đảo Lý Sơn, những công văn của triều Nguyễn liên quan đến Hoàng Sa mà nhà nghiên cứu Phan Thuận An may mắn tìm được...

Lòng yêu nước của người Việt đã được minh chứng qua hàng ngàn năm lịch sử, dù được chứng minh bởi máu xương người lính nơi chiến trận hay việc lặn lội đi tìm một tấm bản đồ, một dòng cổ thư về chủ quyền Tổ quốc ở tận phương trời xa thẳm.

Cuộc đấu tranh giành giữ chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa vốn cam go và bền bỉ, không chỉ từ lòng yêu nước với tư liệu tìm kiếm của mỗi cá nhân đơn lẻ mà cần được tập hợp và liên kết lại để tạo nên sức mạnh pháp lý thật sự, đủ sức đối phó và đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của những kẻ ôm mộng bành trướng!

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên