16/10/2011 09:33 GMT+7

Khi phong bì không để gửi thư

THU HÀ
THU HÀ

TT - Ngành bưu chính thế giới đang kêu cứu vì doanh thu sụt giảm. Từ một nước thuộc thế giới thứ ba như Nepal, doanh thu từ thư từ và bưu kiện giảm 55% so với năm 2006; đến nước giàu như Mỹ, số lượng thư từ giảm 20% so với năm 2007 và dự báo sẽ còn giảm thêm 30% trong năm năm tới (thông tin tổng hợp từ ICT News).

Có vẻ như thời của những chiếc phong bì đang lùi dần về dĩ vãng trên toàn cầu, thì ở VN xem ra phong bì vẫn còn đất sống.

Đừng đưa phong bì cho nhân viên y tếĐưa phong bì có ý nghĩa gì?

VN chưa có thói quen làm điều tra xã hội học triệt để trên mọi lĩnh vực như phương Tây để biết người dân sử dụng phong bì trong những trường hợp nào, với tần suất bao nhiêu, vì sao phải/được đưa phong bì, thái độ của người đưa/nhận vui vẻ hay đau khổ, tự nguyện nay miễn cưỡng...

Nhưng căn cứ vào lượng phản hồi trên các trang mạng và lượt tải về của clip Bài ca phong bì của GS Cù Trọng Xoay thì đủ biết “văn hóa phong bì” ngấm sâu đến mức nào trong xã hội. Rất nhiều thanh niên ngoài phố, trong văn phòng, không loại trừ các bậc trung niên khả kính và các bà nội trợ thuộc nằm lòng lời hát cải biên của GS Xoay: “Nay muốn làm gì thì phong bì đi trước. Từ mừng đám cưới, chia buồn đám ma. Làm mọi thủ tục không sợ phiền hà. Rồi mọi phát sinh đều lo xong hết”.

Cười thì cười, giải trí thì giải trí, nhưng miệng nghe đắng chát: “Phong bì của ta là đa năng nhất. Đem đi xin đất cho đến chạy trường. Phong bì của ta mạnh hơn vũ khí, nên dẫu đi đâu ta nhớ mang theo. Phong bì của ta là cây thuốc quý, mang cho bác sĩ cứu chữa người nhà. Phong bì của ta làm ta có giá, nên dẫu đi đâu ta nhớ mang theo...”.

Hầu như các ngành nghề quan trọng nhất trong xã hội đều được điểm danh trong Bài ca phong bì. Và cũng thật đau đớn, phong bì xuất hiện nhiều nhất trong những lĩnh vực cần nhất đến lương tâm, đạo đức, nhân cách, tình người: nhà đất, giáo dục, y tế...

Khỏi cần nhắc lại những bức xúc, đau đớn, phẫn nộ... của những người ở vào thế “thấp cổ bé họng” phải đi đưa phong bì để làm thủ tục đất đai, nhà cửa, đặc biệt là xin học, chạy trường, chữa bệnh... tràn ngập trên các thư từ, báo chí, diễn đàn từ hàng chục năm nay. Vì vậy, không ngạc nhiên khi cũng như nhiều lần “nói không với tiêu cực” của các ngành khác, giờ đây đến lượt ngành y tế “nói không với phong bì” bắt đầu từ năm bệnh viện lớn.

Nhưng cũng như rất nhiều lần phát động các phong trào “nói không” khác, những người trực tiếp chịu ảnh hưởng của “vấn nạn phong bì”: những người cha, người mẹ chầu chực ở bệnh viện xin khám chữa bệnh cho con, thân nhân của các bệnh nhân cả giàu lẫn nghèo, từ nông thôn đến thành thị hiểu hơn ai hết tính “không tưởng” của các khẩu hiệu này.

Một khi lương bác sĩ chuyên khoa cấp 1 chỉ vừa đủ đi chợ cho một gia đình nhỏ, khi mà bồi dưỡng một ca mổ chỉ vừa bằng một ly cà phê vỉa hè, khi mà một bác sĩ ở bệnh viện lớn phải khám 100 bệnh nhân/ca trực... thì việc “nói không” với những chiếc phong bì mỏng manh nhưng nặng trĩu kia ngày càng trở nên xa vời.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên