15/10/2011 15:53 GMT+7

Đưa phong bì có ý nghĩa gì?

L.H. (LaHong@...)
L.H. (LaHong@...)

TTO - Nếu ai cũng cho rằng trong bệnh viện mà không đưa phong bì thì “công việc” sẽ không chạy, vậy thì “công việc” sẽ chạy theo chiều hướng nào?

Đừng đưa phong bì cho nhân viên y tế

Giả sử cho trường hợp: Trong một ca trực 20 bệnh nhân đều đưa phong bì, bác sĩ sẽ giải quyết ra sao? Với trường hợp này, khi bác sĩ xướng tên ai thì chắc hẳn người đó đều nghĩ rằng ta là người được ưu tiên. Trong vô thức họ vẫn đinh ninh mình là người số một và xứng đáng được vào vị trí số một mà quên rằng những người còn lại cũng đã thực hiện “nghĩa vụ”.

Ở đây bác sĩ sẽ phải thực hiện công việc chữa bệnh theo một quy trình, theo thứ tự nào đó mà bệnh nhân không thể nào nhìn xuyên suốt được, vì không bác sĩ nào có thể đáp ứng đồng thời quyền ưu tiên của tất cả 20 bệnh nhân và bệnh nhân cũng không thể đòi bác sĩ cho xem danh sách ai là người đóng tiền nhiều nhất.

Phong bì lúc này sẽ giống như những viên thuốc giả dùng để chữa chứng bệnh tưởng tượng rằng mình có bệnh, nó chỉ cho ta cái cảm giác ta đang được ưu tiên.

Hoặc xét theo chiều hướng ngược lại, những ai đã làm nghĩa vụ mà chưa được xướng tên đều có quyền cảm thấy bức xúc và (vì tôi đã làm “nghĩa vụ” rồi cơ mà?).

Một hiện tượng rất lạ là nếu tình trạng đưa phong bì đã thành luật, nhưng trong những ý kiến trên báo chí không một ai thừa nhận họ là người cuối cùng được khám chữa mặc dù đã đưa phong bì.

Như vậy việc đưa phong bì phổ biến phải chăng chỉ thỏa mãn chúng ta về mặt tâm lý, còn về mặt hiệu quả không ai có thể xác nhận được. Mặt khác, hành vi đưa phong bì còn tạo ra áp lực tâm lý lên bác sĩ, vì trong ca làm việc bác sĩ ngoài việc chú trọng đến chuyên môn còn phải chú trọng đến việc lại quả một cách thỏa đáng cho từng bệnh nhân, việc này sẽ ngốn không ít năng lượng và tâm trí.

Điều này dẫn đến bác sĩ bị quá tải, hậu quả là chất lượng công việc không được đảm bảo. Nhưng không ai khác ngoài những người theo trào lưu đưa phong bì lại là những người phải gánh chịu hậu quả này. Đúng là phi lý.

Hành vi của chúng ta lại đưa chính chúng ta vào sự mâu thuẫn và bế tắc?

Những hành vi khó hiểu của bác sĩ trong các bệnh viện có thể xuất phát từ những sự quá tải về chuyên môn, quá tải về tâm lý và kể cả quá tải về lương tâm. Chấm dứt tệ đưa phong bì sẽ giúp bác sĩ tập trung toàn tâm toàn ý với công việc chuyên môn, với y đức.

Còn bày tỏ lòng biết ơn sau khi được điều trị tốt thì không ai cấm đoán cả, trái lại đó còn là sự công nhận chuyên môn và sự tận tâm của bác sĩ và khuyến khích bác sĩ làm việc tốt hơn.

Cùng một hành động, nhưng vào thời điểm khác nhau sẽ có ý nghĩa khác nhau. Đưa phong bì trước sẽ làm mất đi tính khách quan trong công việc, bệnh nhân bị phân biệt đối xử, đó là hối lộ. Đưa phong bì sau khi điều trị biểu lộ lòng biết ơn và tính nhân văn.

Gút lại chúng ta hãy so sánh: "Công việc" trong trường hợp cả 20 bệnh nhân đưa tiền lót tay có chạy nhanh hơn so với trường hợp cả 20 bệnh nhân không đưa tiền lót tay hay không?

Qua bài viết tôi không muốn khẳng định trào lưu đưa phòng bì có hiện hữu hay không, mà chỉ muốn nêu ra câu hỏi liệu điều đó có ý nghĩa gì hay không.

L.H. (LaHong@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên