17/09/2011 14:20 GMT+7

Cẩn trọng khi tăng viện phí

LAN ANH
LAN ANH

TT - Tại hội thảo do Bộ Y tế tổ chức, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho hay: khoảng 350 dịch vụ y tế được đề xuất nâng giá lần này vẫn thực hiện theo hướng thu một phần viện phí.

Những chi phí Nhà nước đã trả/đầu tư như cơ sở vật chất (trừ đầu tư từ xã hội hóa), lương cán bộ y tế sẽ không tính vào giá viện phí.

6tlKddfq.jpgPhóng to
Tăng viện phí có giảm tải được ở các bệnh viện lớn? - Ảnh NGUYỄN CÔNG THÀNH

Tăng viện phí đi đôi với nâng chất lượng?Tăng viện phí, chú ý người nghèo

Viện phí mới chỉ tính chi phí trực tiếp cho người bệnh như thuốc, máu, dịch truyền, phí điện nước...

Nhưng thật bất ngờ, trong đề xuất viện phí mới được Bộ Y tế trình lên hội đồng gồm Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội VN xem xét, hầu hết các dịch vụ được đề nghị tăng giá đều có cơ cấu tiền lương! Ngay ở dịch vụ khám lâm sàng chung/khám chuyên khoa, chi phí đầy đủ cho một lần khám bệnh được Bộ Y tế tính toán là 61.000 đồng cũng có trên 15.000 đồng là tiền lương.

Phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN) Vũ Xuân Bằng thắc mắc: phí điều trị vết thương phần mềm nông là 157.000 đồng, cơ cấu cho tiền lương là 18.000 đồng, nhưng ở dịch vụ thay băng bó bột, tiền lương chiếm đến 6.900 đồng trong tổng mức phí 25.000 đồng.

Một lý do được đưa ra nữa để viện phí phải tăng: thiếu tiền đầu tư cho y tế cơ sở, người bệnh chạy thẳng lên trung ương, quá tải ở trung ương mà không vào bệnh viện tỉnh, huyện. Trên thực tế, tình trạng quá tải đã xảy ra cả ở bệnh viện tỉnh, huyện từ lâu.

Tại hội thảo nói trên, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình Trương Quý Dương thông báo mặc dù ở miền núi nhưng bệnh viện ông đã phải sử dụng đến 130-140% công suất giường bệnh. Điều này chứng tỏ quá tải bệnh viện chủ yếu do mất cân đối cung- cầu dịch vụ y tế. Nếu viện phí tăng mà số giường bệnh/vạn dân vẫn dừng ở mức hiện tại, chất lượng dịch vụ sẽ vẫn giậm chân tại chỗ.

Viện phí tăng thì chất lượng khám chữa bệnh có tăng theo? Ông Vũ Xuân Bằng cho rằng không nên đánh giá chất lượng tăng một cách chung chung, mà nên có thước đo để đánh giá, ví dụ người bệnh có phải nằm ghép, phòng bệnh có sạch sẽ, thái độ chăm sóc có đúng mực, có phải chi “phí ngầm” cho cán bộ y tế...

Những bức xúc về chất lượng dịch vụ y tế khiến ngành y tế đang ráo riết muốn cải tiến viện phí, nhằm cải tiến chất lượng khám chữa bệnh cho người bệnh đỡ khổ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn trên 35 triệu người VN chưa có bảo hiểm y tế. Đây đều là người cận nghèo, làm việc trong khu vực phi chính thức hoặc có thu nhập thấp, nếu viện phí tăng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nhóm đã có thẻ.

Bộ Y tế đề nghị nâng mức hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, học sinh sinh viên nghèo, đến năm 2014 bắt buộc bảo hiểm y tế với nông dân, hộ gia đình làm nông nghiệp, ngư nghiệp...

Thế nhưng trong thực tế khi triển khai hỗ trợ cho người cận nghèo mua bảo hiểm y tế năm qua đã không thành công, do người cận nghèo không mấy thiết tha mua thẻ, dù đã được hỗ trợ 50-80%. Điều đó càng cho thấy nếu không tính toán thật kỹ thì viện phí tăng sẽ có tác động không nhỏ đến đời sống nhóm cận nghèo, lao động tự do, nông dân, cán bộ hưu trí...

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên