Tăng viện phí đi đôi với nâng chất lượng?
Phóng to |
* Ông Cao Văn Sang (giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM):
Tăng viện phí nhưng phải thấp hơn bệnh viện tư
Viện phí tăng thì chắc chắn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ bị ảnh hưởng. Hiện nay quỹ BHYT tại TP.HCM đang ngấp nghé bội chi. Năm 2010 tại TP.HCM có 12 triệu lượt bệnh nhân khám chữa bệnh nội ngoại trú. Với tiền công khám mà quỹ BHYT chi trả cho các cơ sở y tế 2.000 đồng/lượt thì số tiền phải trả là 24 tỉ đồng. Sắp tới nếu tiền công khám tăng lên 10 lần là 20.000 đồng/lượt khám thì quỹ BHYT phải thanh toán đến 240 tỉ đồng!
Tôi ủng hộ việc tăng viện phí với mức độ phù hợp nhưng tăng thế nào thì cũng phải thấp hơn mức thu viện phí của bệnh viện tư. Hiện nay các bệnh viện tư tự bỏ tiền ra đầu tư bệnh viện nhưng tiền công khám đa số chỉ thu 20.000 đồng/ lần. Như vậy bệnh viện công dự tính thu 20.000-30.000đồng/lần khám liệu có phù hợp? Tôi chỉ tạm bàn đến tiền công khám bệnh và theo tôi để thuyết phục người dân, Bộ Y tế nên công khai cơ cấu giá khám bệnh, bao gồm tiền công khám của bác sĩ, chi phí vật tư tiêu hao cho việc khám bệnh... để ra giá thành nói trên.
Ngoài ra, khi tính cơ cấu giá viện phí mới, Bộ Y tế đã tính đúng tính đủ chưa hay vẫn chỉ là thu một phần viện phí như lâu nay Bộ Y tế thường nói? Nếu Bộ Y tế đã tính đúng tính đủ, tôi xin lưu ý khi đó tất cả kinh phí Nhà nước đầu tư cho các bệnh viện sẽ được chuyển sang hỗ trợ cho người dân mua BHYT.
* Bác sĩ Phan Văn Nghiệm (phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn):
Điều chỉnh viện phí cho phù hợp
Theo tôi, mức viện phí quy định từ 16 năm trước đã quá lạc hậu nên đợt điều chỉnh giá lần này là phù hợp. Tôi nghĩ không nên nói tăng viện phí mà nên nói chỉnh lại giá viện phí thì người dân sẽ hài lòng hơn. Việc chỉnh lại viện phí sẽ giúp các bệnh viện công nâng cấp trang thiết bị y tế, giường bệnh cũ kỹ và bù lại sức lao động cho tập thể y bác sĩ. Việc chỉnh lại giá viện phí cũng sẽ giúp môi trường bệnh viện, chất lượng giường bệnh tốt hơn là cứ tiếp tục bao cấp.
Hiện nay đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên cùng với việc chỉnh lại giá viện phí, Nhà nước phải có chính sách y tế hợp lý cho người nghèo.
* Đại diện Bảo hiểm xã hội VN:
Nên lấy ý kiến về mức viện phí mới
Bảo hiểm xã hội VN đề nghị Bộ Y tế nên mở rộng lấy ý kiến về cơ cấu giá viện phí mới tại các bệnh viện phía Nam. Hiện cơ cấu giá viện phí mới chỉ do các bệnh viện tuyến T.Ư phía Bắc như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Răng hàm mặt, Bệnh viện K... xây dựng.
Hiện nay dự thảo cơ cấu giá viện phí mới đã gần hoàn tất nhưng còn một số bất hợp lý cần chỉnh sửa như giá tối thiểu hiện thấp hơn tổng chi phí. Như vậy, các bệnh viện khó chấp nhận sử dụng mức giá tối thiểu mà có thể sẽ sử dụng mức giá tối đa.
* Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh (phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):
Tôi thấy việc tăng viện phí là cần thiết nhưng cần thay đổi từng bước, không nên tăng hàng loạt dịch vụ vì tăng như vậy sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo, cận nghèo. Theo tôi, trước mắt nên tăng giá đối với những dịch vụ đã quy định mức giá quá lạc hậu. Sau đó sẽ đẩy mạnh BHYT toàn dân và các quỹ cho người nghèo rồi tiếp tục điều chỉnh giá các dịch vụ y tế khác.
Với câu hỏi nhiều người đặt ra: “Tăng giá viện phí thì chất lượng phục vụ người bệnh có tốt hơn không?”, tôi nghĩ trước mắt chỉ có thể nói tăng nguồn thu sẽ giúp bệnh viện có khoản tiền đầu tư thêm trang thiết bị y tế phục vụ người bệnh. Còn chất lượng điều trị cho người bệnh không chỉ là trang thiết bị y tế mà còn là cách ứng xử, thái độ làm việc của nhân viên bệnh viện nên nhiều bệnh viện chưa thể khẳng định điều này.
Giá viện phí đã quá lạc hậu Phần lớn giá các dịch vụ y tế được ban hành từ năm 1995 và đến bây giờ đã quá lạc hậu nên hầu hết các bệnh viện đều phá rào bằng việc có hai bảng giá: bảng giá để thanh toán với BHYT và bảng giá thực tế. Điều này quả là nhiêu khê trong việc thu viện phí và thanh toán. Nhiều người lo lắng đặt câu hỏi: “Tăng viện phí thì người nghèo (và những người có thẻ BHYT nói chung) có khó khăn hơn khi ốm đau không?”. Theo tôi, câu trả lời là không. Xin đưa ra ví dụ: giường điều trị ở bệnh viện tuyến quận huyện là 5.000 đồng/ngày và giá này rất ít bệnh viện giữ nguyên mà phải thu thêm phần chênh lệch để lấy chi phí bù đắp. Phần chênh lệch này bệnh nhân phải đóng. Nếu giá dịch vụ này được nâng lên không còn phần chênh lệch thì bệnh nhân có thẻ BHYT chỉ phải đóng theo tỉ lệ phần trăm đồng chi trả với quỹ BHYT và như vậy chi phí mà bệnh nhân bỏ ra sẽ giảm nhiều. Đối với quỹ BHYT thì sao? Đương nhiên viện phí lên thì phần chi của BHYT sẽ tăng lên, nhưng với một bảng giá viện phí hợp lý, việc thanh toán BHYT sẽ được minh bạch và hiệu quả hơn. Đầu vào của quỹ BHYT cũng đã có lộ trình cho phép tăng và đương nhiên người nghèo, diện chính sách cần được hỗ trợ. Là người từng công tác trong ngành y tế cũng như trong cơ quan quản lý quỹ BHYT, tôi thấy bảng giá dịch vụ kỹ thuật y tế đáng lý ra phải được điều chỉnh tăng từ lâu rồi, để đến bây giờ là quá lạc hậu! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận