15/09/2011 15:52 GMT+7

Tăng viện phí đi đôi với nâng chất lượng?

Hoàng Thanh Tùng
Hoàng Thanh Tùng

TTO - Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài Quyết tăng viện phí, hàng trăm bạn đọc đã có ý kiến. Đa số chưa đồng tình, nhưng cũng có những ý kiến ủng hộ hoặc đặt vấn đề chất lượng dịch vụ y tế có tương xứng với mức tăng.

Tuổi Trẻ Online xin trích đăng một số ý kiến.

rhkDefHy.jpgPhóng toBệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM thường xuyên bị quá tải do phải tiếp nhận điều trị cho cả bệnh nhi ở các tỉnh phía Nam - Ảnh: N.C.T.

* Vấn đề là chất lượng khám và chữa bệnh

Tăng viện phí là việc cần làm và thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên tính toán cẩn thận mức tăng bao nhiêu là hợp lý, đồng thời giải quyết được vấn đề chất lượng khám và chữa bệnh tại các bệnh viên. Bên cạnh việc đề nghị mức tăng bảo hiểm y tế đến mức nào thì tốt hơn, nên suy nghĩ đến cách quản lý và sử dụng nguồn tiền này hợp lý và chặt chẽ hơn.

Người nhà phải vào viện điều trị, ngoài viện phí còn phụ phí là "phong bì" lót tay cho bác sĩ, y tá, hộ lý dường như đã trở thành "luật bất thành văn" đối với tất cả người dân Việt Nam. Việc tăng viện phí giúp cải thiện mức lương cho các bác sĩ, y tá nhưng liệu có xóa hẳn được nạn "đưa và nhận tiền ngoài viện phí" hay không?

Thiết nghĩ, Nhà nước cần có các biện pháp xử lý triệt để với những sai phạm kiểu này. Lương cao thì trách nhiệm, tinh thần công việc càng phải cao, hạn chế phiền hà cho bệnh nhân và người nhà của họ.

* Tăng viện phí là hợp lý nhưng có giảm phong bì không?

Theo tôi, đề án tăng mức thu viện phí là hợp lý, nhưng tăng sao cho hợp lý là tốt nhất. Tuy nhiên, việc tăng viện phí phải kèm theo tăng chất lượng khám chữa bệnh của đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện. Thử hỏi 300 ông/bà giám đốc có dám bảo đảm tăng chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn không?

Bên cạnh đó còn việc tế nhị hơn, tăng viện phí thì có giảm phong bì cho y, bác sĩ khi khám chữa bệnh tại bệnh viện không?

* Tăng viện phí phải đi đôi với chất lượng

Tôi đồng tình với việc tăng viện phí nếu như đến bệnh viện không phải chen chúc, các bác sĩ tận tâm. Bà bộ trưởng Bộ Y tế có bảo đảm được điều này không?

Bản thân tôi tin chắc là không. Viện phí thay đổi nhưng mọi thứ chắc chắn vẫn như cũ. Người bệnh vẫn tiếp tục chen lấn để khám bệnh, các bác sĩ thì tìm cách lôi kéo bệnh nhân đến phòng khám tư....

* Nên kiểm toán tất cả bệnh viện

Nếu muốn tăng viện phí với mục đích cải tạo, nâng cấp, mua sắm thiết bị y tế, tất cả bệnh viện phải công khai tài chính cho người dân biết để đồng thuận đề xuất này. Nếu các bệnh viện có lợi nhuận cao, thu nhập của bác sĩ cao thì không thể dựa vào lạm phát trong lúc này để đề nghị tăng viện phí.

Trong lúc này, điều người dân quan tâm nhất là những biện pháp của Bộ Y tế về việc kiềm chế giá thuốc chữa bệnh đang tăng ngầm mà người dân đang gánh chịu hơn là đề xuất tăng viện phí.

Theo tôi, tất cả bệnh viện phải được kiểm toán để có cơ sở khẳng định nhu cầu tăng viện phí của bệnh viện đó. Ngoài ra, Bộ Y tế nên có những giải pháp triển khai cổ phần hóa các bệnh viện nhà nước để nâng cao chất lượng phục vụ thì khả thi nhất.

* Không đồng tình tăng viện phí

Tôi không hiểu sao các lãnh đạo cấp cao lại đề xuất việc tăng giá bệnh viện quá cao như vậy, có những dịch vụ tăng từ 10-20 lần. Những người dân nghèo làm nông, công nhân viên chức thu nhập một tháng được bao nhiêu, họ còn phải chi tiêu sinh hoạt trong tháng, thậm chí không đủ ăn. Nếu lỡ đau ốm, với mức chi phí như thế thì lấy tiền đâu chữa bệnh.

Thử hỏi tiền giường 1 ngày 12.000 đồng giờ lên 120.000 đồng, vậy người dân làm 1 ngày có được 50.000 đồng không mà tiền giường và các tiền khác tăng như thế? Lỡ đau ốm tiền đâu họ trả.

* Sao không xây thêm bệnh viện?

Do thiếu bệnh viện nên mới có những hình ảnh người dân xếp hàng la liệt như trên. Còn vì sao dân hay lên tuyến trên để khám chữa bệnh thì phải coi lại tuyến dưới có đạt được yêu cầu về khám chữa bệnh không?

Muốn thay đổi thói quen này phải tạo lòng tin cho dân, phải cho họ thấy được việc khám chữa bệnh giữa các tuyến là gần tương đương nhau về chất lượng, trừ những ca nặng mới cần chuyển lên tuyến trên.

* Người nghèo không được bệnh?

Với mức tăng viện phí theo dự kiến này, không sớm thì muộn người nghèo phải "nằm chiếu manh, dùng chăn chiên như hồi còn chiến tranh" như trước đây.

Phải xem lại ý định tăng viện phí và nên tăng quỹ phúc lợi xã hội thay vì tăng viện phí.Thay vì đổ tiền để xây dựng những công trình chưa cần, hãy dùng tiền đó để xây bệnh viện, chắc chắn cảnh xếp hàng để khám chữa bệnh sẽ không còn nữa. Khi thành phố giải phóng, dân số TP chỉ khoảng 2-3 triệu, bây giờ dân số TP là bao nhiêu trong khi bệnh viện không xây mới thì làm sao có khả năng đáp ứng được lượng cư dân ngày càng nhiều như vậy.

* Bộ Y tế cần làm nhiều việc khác hơn là tăng viện phí

Tăng viện phí nghĩa là bệnh viện có thêm được 1 số tiền để đầu tư cơ sở vật chất, nâng chất lượng khám chữa bệnh, các nhân viên y tế có thêm tiền để bảo đảm họ yên tâm công tác.

Đó là những mặt được của tăng giá.

Theo lãnh đạo của Bộ Y tế, tăng giá để giảm bớt những hình ảnh bệnh nhân xếp hàng trên các bậc cầu thang chờ khám bệnh, chấm dứt tình trạng để bệnh nhân “chiếu manh, chăn chiên như hồi chiến tranh, bao cấp”...

Tôi có cảm tưởng là bệnh viện đang gạt những bệnh nhân nghèo, bệnh nhân không đủ tiền đóng viện phí ra bên ngoài. Đẩy những bệnh nhân nghèo sang bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng trên thực tế với mức giá BHYT hiện nay, người nghèo, đặc biệt là các hộ nghèo ở nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa, không chắc đã mua nổi.

Tôi nghĩ trước đề xuất tăng viện phí, Bộ Y tế còn nhiều việc phải làm là kiểm tra giá thuốc, kiểm tra toa thuốc của các bác sĩ, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần phối hợp với các cơ quan chức năng khác để bảo đảm môi trường sống trong lành cho người dân, tuyên truyền cách phòng chữa bệnh...

* Cân nhắc thật kỹ

* Hợp lý mới hợp lòng dân

Ai cũng biết nếu bệnh viện không có kinh phí thì không thể bảo đảm được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nhưng cũng phải hiểu người dân không có tiền thì không thể trả được viện phí. Vì vậy phải hợp lý trong cách tính toán phù hợp với mặt bằng của đời sống xã hội.

Hơn nữa cách tính toán này cũng phải minh bạch, công khai để mọi người đều hiểu. Tôi không hiểu hơn 300 dịch vụ y tế được đề nghị điều chỉnh trên cơ sở nào mà tăng quá cao như vậy? Tôi nghĩ Nhà nước cũng như bà mẹ nghèo đông con, đứa con nào cũng đòi ăn ngon mặc đẹp mà không tính đến khả năng của gia đình thì điều đó không thể chấp nhận được.

Hiện nay, tuy đời sống người dân đã được cải thiện nhưng xã hội phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn. Tỉ lệ người nghèo còn nhiều, nếu tăng viện phí thì có khả năng đẩy người nghèo ra khỏi các cơ sở khám chữ bệnh. Nếu không tăng, gánh nặng đè lên các cơ sở khám chữa bệnh khi không có kinh phí sửa chữa, xây dựng và bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất.

Để hài hòa giữa lợi ích của người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh thì tăng một phần viện phí và Nhà nước phải cấp kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh hằng năm để bảo dưỡng, xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị.

* Chú trọng dịch vụ điều trị theo nhu cầu

Về tổng thể, tôi đồng ý chủ trương tăng viện phí để có nguồn thu tăng, đảm bảo cho cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật và tiền lương nhân viên ngành y tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, vấn đề này triển khai liệu đã phù hợp chưa? Trong khi cuộc sống của đại đa số người dân nghèo và công nhân viên chức đang rất bấp bênh và đang trong tình trạng duy trì để tồn tại.

Tại sao ngành y tế không chú trọng vào dịch vụ y tế điều trị theo yêu cầu của bệnh nhân?

Tôi thiết nghĩ người dân có thể theo túi tiền của mình mà lựa chọn dịch vụ điều trị theo yêu cầu. Song song với việc này, Chính phủ nên xem xét cắt giảm các khoản đầu tư chưa cần thiết để nâng cấp ngành y tế tại địa phương tốt lên nhằm phục vụ đại đa số người dân nông thôn nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

* Tăng viện phí là hợp lý

Ở đây có 2 nội dung được nhiều người quan tâm lo lắng nhất, đó là BHYT và người nghèo chịu viện phí, theo tôi:

- Đối với người nghèo: Hiện nay Nhà nước đã mua BHYT cho họ, còn người cận nghèo đã được hỗ trợ, nhưng tỉ lệ mua BHYT của người cận nghèo còn thấp do khung giá viện phí còn quá thấp. Bản thân họ còn đủ khả năng thanh toán khi khám chữa bệnh chứ không phải là không đủ tiền mua BHYT.

Tôi ở vùng sâu, rất khó khăn, thu nhập bình quân khá thấp nhưng thực tế có rất nhiều người bệnh đơn giản cũng đi BV Chợ Rẫy, Nhi Đồng TP.HCM để khám. Trong khi đó, tiền xe mất gấp 10 lần tiền thuốc (toa thuốc của BV Chợ Rẫy hoặc BV Nhi Đồng ghi không khác gì so với toa thuốc khám tại BV huyện).

- Đối với BHYT: chúng ta phấn đấu đến năm 2014 thực hiện BHYT toàn dân nhưng hiện nay BHYT chiếm tỉ lệ thấp trong dân số. Tôi nghĩ tăng viện phí thì tỉ lệ mua BHYT sẽ tăng nhanh theo chiều tăng viện phí. Ở đây có điều đáng lo là giá bán BHYT thế nào cho người cận nghèo có thể mua được khi giá viện phí tăng và quỹ BHYT có bảo đảm cân đối đủ để chi trả cho người tham gia.

* Giá từ năm 1995, nay đã lỗi thời

Nếu không tăng viện phí thì muôn đời bệnh viện công sẽ không thể phát triển được và mọi người đều phải cực khổ khi vào viện. Tăng viện phí thì chỉ cần có chính sách tốt cho các hộ nghèo và cận nghèo là được. Chứ giờ là cơ chế thị trường rồi mà bệnh viện vẫn còn mang tính bao cấp trong khám và điều trị thì muôn đời mọi người dân còn khổ.

* Điều chỉnh viện phí là đúng

Phần lớn giá các dịch vụ y tế được ban hành từ năm 1995 và thật dễ thấy thời đó so với bây giờ lạc hậu như thế nào. Hầu hết bệnh viện đều phá rào bằng việc có hai bảng giá. Bảng giá để thanh toán với BHYT và bảng giá thực tế, điều đó quả là nhiêu khê trong việc thu viện phí và thanh toán.

Chúng ta nói giá tăng chất lượng khám chữa bệnh có tăng không? Tôi nghĩ chất lượng khám chữa bệnh phụ thuộc nhiều yếu tố và vấn đề tài chính một yếu tố quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường như hiện nay.

Tăng viện phí, người nghèo (và những người có thẻ BHYT nói chung) có khó khăn hơn khi ốm đau không? Theo tôi là không, mà còn có lợi hơn. Ví dụ: ngay giường điều trị ở bệnh viện tuyến quận huyện là 5.000 đồng và giá này rất ít bệnh viện giữ nguyên mà phải thu phần chênh lệch để lấy chi phí bù đắp, phần chênh lệch bệnh nhân phải đóng. Nếu giá dịch vụ này được nâng lên không còn phần chênh lệch, bệnh nhân có thẻ BHYT chỉ phải đóng theo tỉ lệ % đồng chi trả và như vậy chi phí của bệnh nhân giảm đi nhiều.

Đối với quỹ BHYT thì sao? Đương nhiên giá lên phần chi của BHYT sẽ tăng lên, nhưng với một bảng giá viện phí hợp lý thì việc quản lý trong thanh toán BHYT sẽ được minh bạch và hiệu quả hơn. Đầu vào của quỹ cũng đã có lộ trình cho phép tăng và đương nhiên người nghèo, diện chính sách cần được hỗ trợ.

Là người từng công tác trong ngành y tế cũng như trong cơ quan quản lý quỹ BHYT, tôi thấy bảng giá dịch vụ kỹ thuật y tế đáng ra phải được điều chỉnh từ lâu rồi, để đến bây giờ quá lạc hậu.

Để như thế này, bệnh viện kêu ca, bệnh nhân đóng chênh lệch cũng kêu la. Nhưng cần điều chỉnh một cách hợp lý, tránh đưa ra các mức giá tối đa quá cao để dự phòng cho trượt giá những năm sau mà nên đưa ra mức giá phù hợp với thời điểm hiện tại sau đó tính đến tỉ lệ trượt giá hằng năm.

Hoàng Thanh Tùng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên