22/01/2014 09:00 GMT+7

Sau một kiếp người - Kỳ 4: Thân xác này quý giá

NGỌC NGA
NGỌC NGA

TT - Thấy có người đến nhà hỏi về việc hiến thi hài cho khoa học, cụ Lê Văn Thân ( Q.Gò Vấp, TP.HCM) nở nụ cười hiền hậu mà không nói gì thêm, lập tức bắc chiếc ghế nhón chân lên cánh cửa lôi xuống một bọc nilông có dán dòng chữ thật to “Hiến xác” đã ngả màu vàng.

Kỳ 1: Để không là cát bụiKỳ 2: Cho sự sống nối dàiKỳ 3: Chuyện từ những gia đình

SMP0dRbP.jpgPhóng to
Vợ chồng ông Thân, bà Tuyến sống vui vẻ vì đã vận động nhiều người cùng hiến thi hài cho khoa học như mình - Ảnh: N.Nga

Trong đó, tập phong bì chứa hơn chục bộ hồ sơ để đăng ký hiến thi hài cho Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch được ông cụ bọc cẩn thận trong một lớp bao nilông nữa. Ông cẩn thận lôi nó ra và bắt đầu tư vấn các thủ tục cần thiết.

Người bắc cầu

Nhiều năm nay có rất nhiều người đến tận nhà ông hỏi các thủ tục và nhờ ông đăng ký giùm để thực hiện ý nguyện được hiến thi hài khi mất. Ông dần trở thành người bắc cầu mà đôi khi ông tếu táo gọi mình là “chuyên viên tư vấn hiến xác”! Từ năm 1999 đến nay, ông đã giúp 63 người làm thủ tục đăng ký và vận động hàng trăm người hiến thi hài cho y học. Việc làm này là cơ duyên có được khi vợ chồng ông đặt bút ký vào tờ đơn đăng ký hiến thi hài cách đây 15 năm.

Năm 1998, vợ ông, bà Đặng Thị Kim Tuyến, làm đơn hiến thi hài cho Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP (nay là Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch). Từng là y tá ở BV 115 nên bà Tuyến hiểu được sự khó khăn của sinh viên y khoa khi không có xác để học tập và nghiên cứu. Bà đăng ký hiến thi hài sau khi mất nhưng không cho ông biết. Một năm sau, bà thủ thỉ với ông về việc đóng góp 5 triệu đồng tiền làm đám ma của mình cho Quỹ vì người nghèo của TP. Ông ngạc nhiên vì đó là số tiền ông bà chắt chiu dành dụm từ đồng lương hưu ít ỏi bao năm để sau này con cháu lo ma chay cho mình, đột nhiên sao bà lại đóng góp từ thiện, sau này mất đi lấy gì mà lo đám? Lúc này bà mới cho ông biết về quyết định của mình là đã hiến thi hài cho nghiên cứu khoa học, sau này mất đi không cần tiền lo ma chay, thi hài sẽ được các em sinh viên y khoa học tập. “Nghe vợ nói lúc đầu tui cũng hơi choáng nhưng cũng là một y sĩ, tui hiểu việc thực hành rất quan trọng trong y khoa nên năm sau tui cũng đăng ký hiến thi hài giống vợ mình” - ông tâm sự. Số tiền bà dành phần lo đám ma cho ông bao năm nay cũng được ông đưa đi đóng cho quỹ người nghèo.

Con cái biết chuyện nhất quyết phản đối việc làm của cha mẹ. Cô con gái của ông bà kiên quyết nói: “Cha mẹ không lo không có đất chôn, nhà con ở Hóc Môn đất rộng, làm sao phải khổ sở để cho người ta mổ xẻ đau đớn?”. Nhưng sau đó chính chị và ông xã đã bị cha mẹ mình thuyết phục, mới đây anh chị cũng tình nguyện làm đơn hiến thi hài sau khi mất. Việc làm của ông bà sau đó được mọi người biết đến. Vậy là có rất nhiều người khi có ý nguyện muốn hiến thi hài đều tìm đến ông. Người gọi điện, người trực tiếp đến tận nhà, người nào không đi được ông lặn lội đến tận nhà đưa hồ sơ và hướng dẫn họ đăng ký rồi đi nộp giùm đơn, sau đó quay về đưa thẻ chứng nhận hiến xác. Cứ như vậy, đã mười mấy năm qua, ông làm việc này không hề mệt mỏi. Trong danh sách ông đăng ký giùm có đủ mọi thành phần lứa tuổi. Tập hồ sơ được ông ghi nắn nót tên, năm sinh, nghề nghiệp, gia cảnh, số thẻ, ngày hiến một cách tỉ mỉ chu đáo để lâu lâu ông liên lạc hỏi han như những người bạn cùng chung ý nguyện, chung tư tưởng.

McSy6YQu.jpgPhóng to
Ông Thân cẩn thận ghi lại đầy đủ thông tin của những người ông làm thủ tục đăng ký hiến thi hài giùm - Ảnh: N.Nga

Đừng để phí thân xác

“Nhiều người hỏi tui mỗi lần có một người hiến xác như vầy được nhiêu tiền, tui nghe mà đắng nghét cổ họng”- cụ Thân tâm sự, giọng thật buồn. Nhiều người hiểu nhầm vì thấy ông làm không công mà nhiệt tình quá. Chỉ cần có người gọi điện tới ngỏ ý muốn ông tư vấn hay đi đăng ký giùm để hiến thi hài thì dù nắng hay mưa ông cũng lặn lội đến tận nơi, tư vấn nhiệt tình, mang hồ sơ đến rồi đi nộp giùm.

Chiếc Chaly cũ từng cùng ông đi khắp các con hẻm Sài Gòn để làm giúp thủ tục hiến thi hài cho mọi người bây giờ nằm yên trong góc nhà vì ông không thể chạy xe được nữa. Nhưng nhận được điện thoại là ông lại đón xe buýt đi. Trong số người ông làm thủ tục giùm có người già cả neo đơn sống ở lề đường, có người con cháu đùm đề giàu có, có người tuổi đã gần đất xa trời, lại có người đang tuổi xuân phơi phới chưa có gia đình, có người học đến tiến sĩ nhưng có người không biết chữ… đủ mọi thành phần lứa tuổi nghề nghiệp nhưng họ đều gặp nhau ở một tư tưởng: chết rồi vẫn muốn mình có ích! Nhiều người sau khi được ông giúp làm thủ tục lại quay ra vận động người thân trong gia đình, bạn bè và những người xung quanh cùng hiến thi hài.

“Người ta hay nghĩ những người hiến xác thường nghèo khổ không có tiền ma chay khi mất nên phải làm như thế hoặc là những người quá coi thường thân thể mình, nhưng thật sự họ đã nghĩ sai”- ông Thân tâm sự. Trên thực tế những người hiến thi hài cho y học bao năm qua ông giúp làm thủ tục đều rất trân trọng thân xác mình. Với ông, thân xác này quý giá ngay cả khi mất, vậy một thứ quý giá như thế tại sao phải để tiêu tan vô ích đến khi còn một nắm xương vô tri? Chính vì vậy khi nói chuyện với mọi người ông đều nhắc nhở: “Thân xác mình là quý giá, sống ngày nào hãy trân trọng thân xác mình, khi mất cũng hãy trân trọng, đừng để phí trong những tấc đất lạnh lẽo”.

Trong số những người ông giúp đăng ký hiến thi hài những năm qua, ông ấn tượng nhất là một người đàn ông ở quận 12, khi trẻ làm nghề đòi nợ thuê, có tiếng trong giang hồ, anh xem thân xác chẳng là gì, bất chấp mạng sống. Thế nhưng khi tuổi đã chớm về già, anh ngẫm lại đời mình mới thấy yêu thân xác này, mới thấy bản thân mình là quý giá nên làm đơn hiến thi hài. Anh mong khi mình mất sẽ làm việc có ích để bù đắp lại một phần nào cho những năm sống hoài sống phí đã qua.

Rồi có người đạp xích lô nghèo khổ cả đời nhưng tư tưởng rất giàu có: thân xác mình vô giá chẳng tiền nào mua nổi, chỉ có sự có ích sau khi mất mới xứng đáng. Có những người khi phát hiện mình bị bệnh hiểm nghèo mới nhận ra sự tồn vong của bản thân thật đáng quý biết bao. Được sống là một niềm hạnh phúc lớn, nhưng khi chết rồi mà vẫn có ích thì là niềm hạnh phúc không phải ai cũng có được…

Bây giờ người bạn đời của ông, bà Kim Tuyến, không còn đi lại bình thường được nữa, mỗi bước chân của bà ông đều phải dìu dắt nhưng đôi vợ chồng già lúc nào cũng có niềm vui. Đó là khi nhận được những cuộc điện thoại hỏi thăm của những người bạn cùng hiến thi hài từ khắp nơi, hay là những lá thư sinh viên y khoa tận Hà Nội gửi vào cảm ơn việc làm của ông bà…

__________________

Kỳ tới:Món quà cuộc sống

NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên