Kỳ 1: Để không là cát bụi
Phóng to |
Bà Thúy Hằng xem lại kỷ niệm chương tri ân những người hiến thi hài mà Trường đại học Y dược TP.HCM tặng chồng mình - Ảnh: Ngọc Nga |
Vẫn “sống” khi đã chết
“Tôi không ngờ ngày nói với tôi quyết định hiến xác là lúc ông phát hiện mình bị ung thư gan. Ngày tái khám ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cầm kết quả chắc chắn trong tay, ông bắt xe buýt sang Trường đại học Y dược TP.HCM điền tên ngay vào tờ đơn đăng ký hiến thi hài” - bà Thúy Hằng rưng rưng nhớ lại ngày người chồng quá cố của mình thông báo quyết định hiến thi hài cho sinh viên y khoa học tập.
Bà Thúy Hằng có khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt đen tròn và khuôn miệng tươi rói như hoa mỗi lần nói chuyện. Nhìn tướng số ấy mọi người đều cho rằng bà sung sướng. Ấy vậy mà cuộc đời bà lại chịu nhiều đắng cay, cơ cực: mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không có con cái, chồng mất sớm. Nhưng riêng bản thân bà Hằng lại thấy quãng đời mình đã qua chẳng có giây phút nào phí thừa. Ngay cả sau này chết đi, thân xác mình vẫn có ích cho cuộc sống, bà thấy mình vui và hạnh phúc vì điều đó.
Năm 2001, trong một lần đi chơi, bà Hằng được một người bạn nói về việc hiến thi hài cho sinh viên các trường ĐH y khoa học tập và nghiên cứu. Về nhà bà luôn tự hỏi: “Mình sẽ còn lại gì sau khi kiếp người này kết thúc? Tài sản? Không. Con cái? Không. Mình chẳng có gì ngoài thân xác này. Chỉ còn lại một nắm tro tàn sẽ hòa lẫn vào trong gió, trong nước, tiêu tan theo cát bụi vô thường. Tại sao người ta chết đi rồi vẫn có ích? Mình có thể làm được không?...”. Những câu hỏi ấy ám ảnh tâm trí một người phụ nữ bao năm qua sống an phận như bà. Bà đi tìm câu trả lời. Qua nhiều lần dò hỏi tin tức, cuối cùng bà biết ở Trường ĐH Y dược TP.HCM có nhận xác để phục vụ sinh viên học tập, nghiên cứu. Vậy là bà quyết định mình sẽ hiến xác cho y học. “Đó là một buổi sáng se lạnh cuối năm 2001. Khi đó, hai vợ chồng tôi ngồi cạnh nhau bên bếp lửa đun nước, vợ chồng nắm tay nhau cho bớt lạnh. Tôi thông báo quyết định của mình với ông. Ông chỉ gật đầu nhẹ, không nói gì, chỉ nắm chặt tay vợ hơn. Ông ít nói như ông vốn vẫn thế. Tôi hiểu vậy là chồng đồng ý, ông không có ý kiến gì. Vợ chồng tôi vốn hiểu nhau mà chẳng cần nhiều lời” - bà Hằng nhớ lại.
Cuộc sống vợ chồng bà Hằng, ông Bình êm đềm trôi đi với xưởng mộc nhỏ kiếm cơm qua ngày. Tờ đơn xin hiến thi hài cho y học của bà nằm yên trong ngăn tủ. Đôi lúc bà quên mình có nó. Rồi một ngày giữa năm 2010, mười năm sau ngày bà đăng ký hiến thi hài, ông Bình lại nắm tay nói với bà: “Mình ạ, tôi cũng hiến xác rồi!”. Hơi ngỡ ngàng nhưng bà cũng mỉm cười gật đầu. Chẳng hỏi nhiều, bà nghĩ chắc chồng cùng có chung suy nghĩ như mình nên có quyết định như vậy. Vợ chồng từ nay lại thêm một điểm chung nữa: thân xác sẽ được nghiên cứu sau khi chết. Nhưng bà không ngờ rằng lúc đó ông đã phát hiện mình bị ung thư gan. Một tuần sau bà Hằng biết lý do chồng quyết định như vậy. Bà khóc ngất, còn ông động viên vợ: đời người ai cũng một lần chết, chết mà vẫn có ích thì còn gì bằng!
Phóng to |
Phóng to |
Bà Thúy Hằng (giữa) trong buổi lễ tri ân của Trường đại học Y dược TP.HCM tổ chức năm 2012 - Ảnh: Ngọc Nga |
Mong bệnh ung thư được chữa trị
Bà Thúy Hằng cho biết khi phát hiện mình bị ung thư gan, ông Thế Bình không lúc nào tỏ ra yếu đuối, ông rất lạc quan. Những cơn đau hành hạ ông mỗi lúc một nhiều nhưng ông hay cười với vợ: “Mấy chục năm sau, các bác sĩ sẽ bẻ cổ nó (bệnh ung thư - PV) ngon lành mình ạ!”, bà Hằng nhớ lại. Có lẽ ý nghĩ mình đã hiến xác, sau khi chết mình vẫn được “làm việc” khiến ông trở nên kiên cường. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông nói với bà: “Tôi hiến xác để sau này các bác sĩ nghiên cứu, để một ngày những người bị bệnh ung thư như tôi sẽ được chữa trị mình ạ. Mang bệnh này mới biết đau đớn lắm, tôi muốn các bác sĩ sẽ mổ xẻ những khối u này ra xem nó là cái gì mà làm người ta đau đến thế, vì vậy cứ để xác đến lúc nghiên cứu xong, nhà trường trả mới lấy về nhé”, rồi ông mất. Một đám tang nhẹ nhàng được tổ chức tại nhà, thân xác ông được chuyển đến trường ĐH cho sinh viên học tập.
Suốt một năm sau đó, mỗi tháng một lần bà Hằng lại được gặp chồng ở bộ môn giải phẫu học của Trường ĐH Y dược TP.HCM. Bà không bao giờ có cảm giác mất mát vì lúc nào bà cũng thấy chồng mình còn đó. Hằng ngày vẫn làm việc như lúc sống ông nói, vẫn hình hài và khuôn mặt thân quen. “Riết rồi quen, mỗi lần đi thăm chồng tôi lại có cảm giác những người làm việc trong bộ môn giải phẫu học như là những người bạn đã thân quen từ lâu rồi. Tháng nào không lên gặp là thấy nhớ. Mỗi khi thăm chồng tôi lại nghĩ sau này mình cũng sẽ nằm ở đây, làm tiếp công việc của ông dù hơi thở mình không còn, ý thức mình đã tiêu tan, như vậy là thấy kỳ diệu rồi” - bà Hằng tâm sự. Chính cảm giác hạnh phúc mỗi lần được gặp chồng nên khi hỏa táng ông, bà Hằng rơi vào thời kỳ khủng hoảng, đau khổ. Lúc ôm tro cốt của ông trong lòng bà mới cảm nhận được sự mất mát thật sự. Nỗi đau khiến bà đổ bệnh suốt gần một năm trời. Nhưng rồi bà vực dậy được mình, chấp nhận đó là sự thật, người chồng đã ra đi thật sự. Nhưng ước nguyện của ông đã thành hiện thực, linh hồn ông vẫn sống mãi với cuộc đời này.
Bây giờ bà Hằng đã bước qua tuổi 47. Bà sống một mình trong căn nhà nhỏ ở Thủ Dầu Một. Hằng ngày, bà đến bệnh viện để giúp đỡ những người già neo đơn bị bệnh, nấu cho họ miếng cơm miếng cháo. Còn chút thời gian nữa thì bà đi quyên góp từ thiện để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nhưng có một điều khiến bà làm cần mẫn nhất là hay nói chuyện với người quen về việc hiến thi hài cho khoa học. Bà bảo thấy thanh thản và bình yên với cuộc sống này bởi bà hiểu rằng cuộc sống này luôn tiếp nối, dù cái chết có tới đi nữa. Bà Hoàng Thị Kim Loan (TP Thủ Dầu Một), một người bạn của bà Thúy Hằng, đã có quyết định hiến thi hài cho sinh viên y khoa nghiên cứu sau khi nghe bà Hằng nói về ý nghĩa tốt đẹp của việc làm này. Bà Loan cho biết lúc nghe bà Hằng nói về quyết định của mình, bà Loan mắng bạn, tưởng tượng đến lúc mất đi bị mổ xẻ đau đớn, người thân của mình làm sao mà chịu được. Thế nhưng sau một lần theo bà Hằng tới thăm ông Bình trong ngày lễ tri ân, bà Loan đã không nén khỏi xúc động khi chứng kiến ánh mắt một cô sinh viên y khoa nhìn những “người thầy lặng im” của cô đang nằm đó. Ánh mắt chan chứa yêu thương, kính trọng và biết ơn! Chính ánh mắt đó của cô sinh viên đã khiến bà Loan suy nghĩ lại. Đến nay, bà và ông xã đã làm đơn đăng ký hiến tặng thi hài sau khi mất.
Kỳ tới: Chuyện từ những gia đình
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận