19/01/2014 10:06 GMT+7

Sau một kiếp người Kỳ 1: Để không là cát bụi

NGỌC NGA
NGỌC NGA

TT - Khi qua đời, thi hài người tình nguyện sẽ được các trường đại học y khoa tiếp nhận để sinh viên nghiên cứu và học tập trong thời gian 3-5 năm.

j7SSjX2U.jpgPhóng to
Bà Võ Kim Hòa (áo trắng) trong buổi lễ tri ân tại Trường đại học Y dược TP.HCM năm 2012 - Ảnh: N.Nga

Điều kiện là thi hài còn nguyên vẹn. Chính vì điều đó, người thân của họ nhiều khi phải đấu tranh và chấp nhận thiệt thòi để thực hiện cho bằng được di nguyện của người quá cố vì họ hiểu đó là di nguyện rất đỗi thiêng liêng. Câu chuyện của bà Võ Kim Hòa (Q.7, TP.HCM) và chồng mình là một trường hợp như thế.

Cùng di nguyện

Người phụ nữ ấy đã phải kiên quyết đấu tranh và mang điều tiếng vào mình để thực hiện cho bằng được di nguyện của chồng: thi hài ông sẽ được các sinh viên y khoa nghiên cứu và học tập. Bà thấu hiểu hơn ai hết di nguyện thiêng liêng của ông bởi bà không chỉ là người vợ mà còn là người cùng chung di nguyện với ông khi mất. “Với tôi, chồng mình không chỉ là người bạn đời mà là người bạn đường thật sự. Chúng tôi đồng hành với nhau cả khi chết, chúng tôi được hưởng cảm giác giống nhau khi cùng ký tên vào tờ đơn hiến thi hài cho y học, thân xác hai vợ chồng sẽ được các em sinh viên học tập như nhau”- bà Võ Kim Hòa mở đầu câu chuyện về mình và chồng, ông Hoàng Thế Hùng, bằng lời tâm sự đó.

Ông bà lấy nhau mấy chục năm vẫn không có con, cuộc sống lặng lẽ bình yên trôi qua khi ông làm bảo vệ, bà làm tạp vụ cho một ngôi trường tiểu học nhỏ tại quận 7. Ngày nào hai vợ chồng cũng gặp nhau, nhìn nhau cười là thấy hạnh phúc. Rồi một ngày đột nhiên ông nói với bà: “Mình không con cái, khi chết đi còn lại gì trên đời?”. Bà cũng băn khoăn với câu hỏi đó. Gia tài không có, họ hàng xa xôi, con cái cũng không, khi chết đi thân xác cũng sẽ tiêu tan với cát bụi, vậy là hết. Khi trái tim ngừng đập một cuộc đời kết thúc chẳng còn để lại được gì cho đời. Nỗi niềm ấy khiến vợ chồng bà trăn trở mấy tháng trời.

Cho đến một ngày đầu năm 2008, bà vô tình đọc được một mẩu báo cũ nói về việc hiến thi hài cho sinh viên y khoa nghiên cứu học tập. Bà mang về cho ông cùng đọc, hai vợ chồng nhìn nhau đã hiểu họ cùng chung ý tưởng: sẽ hiến thân xác mình cho khoa học. “Vợ chồng hiểu nhau như lòng bàn tay, lúc mang mẩu báo nhỏ về tôi biết là chồng mình cũng sẽ chung ý tưởng với mình” - bà Hòa nhớ lại. Hôm sau, vợ chồng bà đèo nhau trên chiếc xe đạp từ quận 7 đến Trường ĐH Y dược TP.HCM đăng ký hiến thi hài. “Đăng ký xong, hai vợ chồng tôi vui lắm, trên đường về ông ấy cứ ngân nga hát suốt. Ông còn nói vậy là tôi với bà lại thêm một việc giống nhau nữa. Những ngày sau đó cứ khi nào nói chuyện với nhau vòng vòng một lúc là chồng tôi lại nói về chuyện hiến thi hài, ông ấy rất tâm đắc khi quyết định”- bà Hòa nhìn di ảnh người chồng quá cố nở một nụ cười khi nhớ về kỷ niệm.

bRWgjLJo.jpgPhóng to
Bà Kim Hòa luôn tự hào và thấy thanh thản về lựa chọn của bản thân và người chồng quá cố - Ảnh: N.Nga

Thanh thản

Sau khi đăng ký hiến xác được một năm thì ông đột tử. “Đó là một buổi sáng trời mưa tầm tã, hai vợ chồng chở nhau đến trường làm việc, tui xong việc quét dọn vào phòng bảo vệ thì thấy chồng mình lảo đảo rồi bất ngờ gục trên ghế, gọi mọi người đưa ông ấy đến bệnh viện thì đã quá muộn, ông ấy đi rồi, đi mà chẳng nói với vợ được lời nào”- bà nhớ lại, một giọt nước mắt chực rơi. Ông ra đi quá bất ngờ khiến bà và mọi người xung quanh không khỏi bàng hoàng. Vì ông mất quá đột ngột nên cơ quan chức năng muốn mổ tử thi để khám nghiệm, tìm nguyên nhân cái chết của ông. Họ hàng đều đồng ý nhưng bà kiên quyết phản đối việc khám nghiệm tử thi. Nhiều người nhìn bà với ánh mắt ngờ vực, bà vẫn kiên quyết viết đơn xin không mổ tử thi chồng.

“Họ nói là phải tìm ra nguyên nhân cái chết của chồng tôi nhưng bác sĩ đã nói với tôi là ông ấy bị đột tử, mổ tử thi chỉ là thủ tục thôi. Làm vợ tôi biết xưa nay chồng mình hiền như cục đất chẳng có ân oán với ai nên chẳng cần điều tra làm gì. Lúc đó tôi nghĩ nhiều đến di nguyện của chồng, tôi biết cũng như mình, ông tâm đắc với di nguyện đó lắm nên không thể để họ khám nghiệm”- bà Hòa cho biết. Cuối cùng bà Hòa kiên quyết: “Nếu mọi người mổ tử thi thì tôi giao xác ổng cho mấy người lo ma chay, tôi không có khả năng lo đám tang cho ông ấy đâu”. Bà bỏ về, trên đường từ bệnh viện về nhà bà khóc như mưa, buông ra những lời đó lòng bà đau như cắt.

“Cuối cùng thì họ cũng phải chịu thua không khám nghiệm tử thi, tôi vội vã gọi điện cho đội tiếp nhận xác vì sợ quá thời gian. Nhiều việc lo liệu nên cũng chẳng khóc được nữa”- bà Hòa kể lại. Sau khi thực hiện xong di nguyện của chồng, bà phải nghe những lời xì xào bàn ra tán vào của những người xung quanh. Những ánh mắt nghi ngờ, xoi mói về cái chết đột ngột của chồng bà và việc bà kiên quyết phản đối khám nghiệm tử thi khiến bà càng thêm đau đớn. Nhưng những ngày sau đó được tới thăm ông ở bộ môn giải phẫu học Trường ĐH Y dược TP.HCM, thấy ông thanh thản nằm đó, bà hiểu mình đã làm đúng. Những dịp đi dự lễ tri ân chứng kiến những bông huệ trắng và ánh mắt biết ơn của các em sinh viên dành cho những người như chồng mình, bà lại thấy lòng ấm áp đến lạ.

Bây giờ bà sống một mình trong căn nhà nhỏ ở quận 7, thi hài ông cũng đã được hỏa táng sau mấy năm phục vụ khoa học. Bà sống thanh thản vì đã thực hiện được di nguyện của chồng và bà biết khi mình mất cũng sẽ được cùng ông đi tiếp con đường mà hai vợ chồng đã lựa chọn.

Hiến thi hài là hoàn toàn tự nguyện

Chị Phương Oanh, nhân viên phòng tiếp nhận đơn đăng ký hiến thi hài của bộ môn giải phẫu học Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết người nhà của những người hiến thi hài cho y khoa nhiều khi phải chịu rất nhiều thiệt thòi, nhất là sự hiểu nhầm. Chị Oanh nhớ cách đây không lâu một phụ nữ ở miền Tây gọi điện đến đường dây nóng của khoa khóc nức nở vì sau khi chồng bà mất, thực hiện di nguyện của chồng bà để thi hài ông cho thầy trò trường y nghiên cứu.

Sau đám tang ông, mọi người trong xóm đồn đại là bà bán xác chồng để lấy mấy trăm triệu đồng. Mặc những lời giải thích của bà, những tiếng xấu cứ lan truyền nhau, có người đến tận nhà hỏi bà cách thức bán xác sau khi mất như thế nào. Bà đau khổ, bế tắc nhưng không thể tỏ cùng ai, chỉ biết gọi điện tâm sự và khóc với những người ở bộ phận tiếp nhận như chị Oanh. Thầy Lê Văn Cường, trưởng bộ môn giải phẫu học Trường đại học Y dược TP.HCM, khẳng định: Việc hiến thi hài cho khoa học là hoàn toàn tự nguyện nên hiện nay nhà trường chưa có bất kỳ chế độ bồi dưỡng cũng như quyền lợi cho người hiến.

______________

Kỳ tới: Cho sự sống nối dài

NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên