Tại buổi làm việc với Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Bến Tre, Bệnh viện Đa khoa huyện Giồng Trôm thừa nhận bệnh viện đang nợ các công ty dược khoảng 10 tỉ đồng. Nguyên do là BHXH chưa thanh toán kinh phí vượt quỹ năm 2012 (cũng khoảng 10 tỉ đồng).
Bà Lê Thị Sai, trưởng phòng tài chính - kế toán Bệnh viện Đa khoa huyện Giồng Trôm, cho biết ngày nào các công ty dược cũng điện thoại đòi tiền thuốc. Cách đây hai tháng, một công ty dược đã ngừng cung cấp một số loại thuốc đặc trị mà chỉ công ty này mới có.
“Hơn 20 bệnh nhân cần gấp loại thuốc này. Bệnh viện không biết phải làm sao. Cuối cùng bệnh viện quyết định đi vay “nóng” 50 triệu đồng để trả nợ một phần cho công ty dược và chạy ra hiệu thuốc tư nhân mượn đỡ vài lô thuốc cho người bệnh dùng tạm”.
Việc các bệnh viện nợ nần ngập đầu được lý giải là do bệnh viện thanh toán vượt quỹ bảo hiểm y tế. Đầu năm, BHXH khoán kinh phí chữa cho các cơ sở khám chữa bệnh. Nếu cơ sở khám chữa bệnh thanh toán vượt quỹ thì phải đợi năm sau mới được BHXH thanh toán và nhiều khả năng chỉ thanh toán 60%, số còn lại bệnh viện tự chịu. Một nguyên nhân khác làm các bệnh viện nợ chồng thêm nợ do các quy định của BHXH là phải tạm ứng 80% kinh phí khám chữa bệnh.
Tình trạng nợ nần chồng chất còn xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Cù Lao Minh (nợ công ty dược hơn 8 tỉ đồng), Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Bắc (nợ 2,2 tỉ đồng), Bệnh viện Đa khoa Chợ Lách và Bệnh viện Đa khoa Hàm Long (huyện Châu Thành, mỗi bệnh viện nợ khoảng 2 tỉ đồng).
Ông Lê Quang Trung, giám đốc Bệnh viện Cù Lao Minh, cho biết: “Công ty dược dọa cắt thuốc hoài. Cuối ngày bệnh viện phải vơ vét hết số tiền thu được của ngày để ứng trả một phần cho công ty dược”. Còn ông Trần Văn Tâm, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hàm Long, tâm sự: “Mỗi lần ký giấy công nợ của các công ty dược mà run hết tay chân”.
Theo thống kê của BHXH tỉnh Bến Tre, năm 2012 có 11/14 cơ sở khám chữa bệnh chi vượt quỹ hơn 63,8 tỉ đồng. Đứng đầu danh sách là Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu vượt 14,3 tỉ, Bệnh viện Đa khoa huyện Giồng Trôm vượt gần 12 tỉ, Bệnh viện Cù Lao Minh 5,8 tỉ, Bệnh viện Đa khoa huyện Chợ Lách vượt 4,8 tỉ, Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Bắc vượt hơn 2,4 tỉ đồng.
Trong sáu tháng đầu năm 2013, có đến 8/14 cơ sở tiếp tục âm quỹ. Nhiều lãnh đạo bệnh viện dự báo con số vượt quỹ năm 2013 sẽ còn “khủng” hơn, tất nhiên việc chạy thuốc từng bữa cho bệnh nhân sẽ còn căng thẳng hơn.
Theo bác sĩ Châu Thị Kim Phượng - giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Giồng Trôm, muốn cân đối quỹ khám chữa bệnh thì rất dễ. “Dễ là nếu bệnh viện cứ khám qua loa, cho đại toa thuốc giá vài chục ngàn đồng là được. Nếu làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc thì khó mà đảm bảo quỹ. Chính sách bảo hiểm y tế là để chăm lo sức khỏe cho người dân nhưng cứ chăm chăm khống chế không cho vượt quỹ, tức là ép bệnh viện phải lựa chọn hoặc cân đối quỹ vô cảm với bệnh nhân”.
Ông Phạm Quốc Tuấn, phó giám đốc Sở Y tế Bến Tre, cho biết Luật bảo hiểm y tế ra đời từ năm 2009, đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa phù hợp với tình hình mới. Năm 2012 ngành y tế đã lấy ý kiến sửa chữa luật này, trong đó có một số vấn đề liên quan đến khoán kinh phí khám chữa bệnh. Nếu luật không được sửa đổi sớm thì năm 2014, các bệnh viện sẽ phải tiếp tục đối mặt với tình trạng vỡ quỹ.
____________
Tin bài liên quan:
Hà Nội tăng viện phí lên gấp đôi mức hiện hànhKhai mạc kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM: chưa đề xuất tăng viện phíMột năm tăng giá viện phí: Dân kêu, bệnh viện cũng kêuMột năm viện phí mới: Giường ghép, nỗi khổ chưa chấm dứt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận