20/08/2013 10:25 GMT+7

Trọn đạo dâu con

VŨ THỦY - ĐOÀN BÀO CHÂU
VŨ THỦY - ĐOÀN BÀO CHÂU

TT - Nhìn chiếc ghế bành bên cạnh mẹ ruột giờ trống trải, bà Phùng Thị Ngọc (53 tuổi, ngụ P.4, quận Tân Bình, TP.HCM) lại thấy nhớ người mẹ chồng đã sống chung với mẹ con bà suốt 20 năm. Một thân một mình nuôi bốn con thơ, gánh nặng oằn vai khi một người con trai bị viêm não nhưng bà vẫn vẹn tròn chữ hiếu với hai người mẹ, yêu thương cho đến tận giây phút cuối đời.

0MxA7GjV.jpgPhóng to
Ngày nào bà Ngọc cũng pha mấy cữ cà phê cho mẹ và chị chồng bị bệnh Down - Ảnh: V.Thủy

“Giá mà mẹ đi thanh thản”

Năm vợ chồng bà Ngọc có được mái nhà riêng sau 10 năm sống với cha mẹ chồng thì mẹ chồng và cả chị chồng bị bệnh Down cũng theo mẹ về ở chung. Mấy năm sau đó, bà lại đón mẹ ruột già yếu về nhà phụng dưỡng. Đến khi chồng bà làm ăn thua lỗ, bỏ lại bà với bầy con nheo nhóc và cả một khoản nợ lớn, một mình bà Ngọc dù phải xoay xở đủ đường, phải bán nhà vẫn đưa hai người mẹ và chị chồng theo mình tìm nơi ở mới để chăm sóc.

Đã hai năm kể từ ngày mẹ chồng của bà, bà Nguyễn Thị Năm, qua đời nhưng khi nhắc lại chuyện cũ bà vẫn rưng rưng chực rơi nước mắt. Cách đây bảy năm, bà Năm đang nấu cơm thì bị tăng huyết áp, té ngã và bị chấn thương sọ não phải nằm liệt giường từ đó. Gia đình neo đơn, con cái đứa học đứa làm, bà Ngọc trở thành người chăm sóc chính cho mẹ. Làm điều dưỡng ở bệnh viện, cứ vừa hết ca trực là bà tất tả về nhà, xay thức ăn nhỏ ra để bón cho mẹ, làm vệ sinh, cho mẹ uống thuốc. Những đêm mẹ trở bệnh coi như cả đêm bà thức trắng bên giường mẹ.

Rồi bệnh của bà Năm ngày càng trầm trọng hơn, những vị trí cơ thể tiếp xúc với giường bắt đầu hoại tử, lở loét, không thể tự lành được nữa và phải đặt ống nuôi ăn. Một tay bà Ngọc thay băng, cho mẹ ăn uống, đưa mẹ đi bệnh viện. Vật lộn suốt cả ngày với mẹ chồng và bầy con còn nhỏ nhưng không lúc nào bà Ngọc ngơi nghỉ vì hi vọng có thể níu giữ lại cuộc sống cho mẹ. Bà cứ mải mê chăm sóc mẹ chồng, tóc bà bạc trắng, rụng dần. Những vết loét trên người mẹ chồng cứ sâu dần, ăn vào tận xương của mẹ, nhiều lúc vừa cắt những phần thịt thối, băng bó cho mẹ bà Ngọc vừa khóc. “Lúc đó mẹ tôi đau đớn lắm, bây giờ nhiều đêm nằm suy nghĩ, tôi vẫn thấy mình thật ích kỷ vì đã nghĩ cho mình nhiều hơn, mong muốn mẹ ở bên mình lâu hơn, thay vì nghĩ cho mẹ, rút ống để mẹ có thể ra đi thanh thản, nhẹ nhàng hơn” - bà Ngọc kể lại.

Suốt 20 năm sống với mẹ chồng, khác với suy nghĩ thông thường mẹ chồng - nàng dâu dễ có hục hặc với nhau, bà dành cho mẹ một sự tôn trọng, yêu quý đặc biệt. Từ lâu với bà đã không còn hai tiếng mẹ chồng nữa mà chỉ còn một tiếng “mẹ”. “Lúc mẹ còn khỏe, chồng tôi không có nhà, tôi phải đi làm, bốn đứa con đều do một tay bà chăm hết. Bà lớn tuổi nhưng việc gì cũng muốn làm, muốn giúp tôi. Ơn nghĩa đó mình trả hiếu cả đời cũng không đủ”.

Bà thương mẹ chồng một phần vì cuộc đời của mẹ cũng đầy tủi hờn, cơ cực. Mẹ chồng bà mồ côi, đến khi lấy chồng, chồng lại có vợ nhỏ, coi bà như kẻ ăn người ở khiến bà chịu bao thiệt thòi. Chính vì thế, dù chuyển nhà bao nhiêu lần, con cái dần đã lớn khôn, bà vẫn nuôi mẹ, hiếu nghĩa với mẹ đủ đầy như chính mẹ ruột của mình. Không những vậy, vì mẹ chồng đi đâu cũng dắt theo chị chồng bị bệnh down nên bà chăm sóc luôn chị hơn 20 năm nay, thuộc cả từng thói quen ăn uống, giờ giấc ngủ nghỉ của chị.

Chị năm nay đã 61 tuổi nhưng vẫn ngây ngô như một đứa trẻ, ngay cả vệ sinh tắm giặt bình thường cũng không thể tự làm được, toàn bộ đều do bà Ngọc và các con giúp đỡ. “Nhiều khi một thân một mình lo không xuể, tôi cũng rất mệt mỏi nhưng thấy cả gia đình đều trông mong vào mình, vậy là phải gượng đứng dậy, đi tiếp”, bà Ngọc vừa pha cà phê giấc trưa cho chị chồng vừa nói.

aKB4s1BM.jpgPhóng to
Bà Ngọc chăm sóc mẹ ruột từng li từng tí - Ảnh: Vũ Thủy

Mong mẹ sẽ khỏe hoài

Chỉ vào hai cái ghế ở phòng khách, bà Ngọc bồi hồi, nhớ lại: “Ngày nào hai bà cũng ra đây ngồi, nói chuyện với nhau, nhiều khi còn cãi nhau cái này cái kia. Chiều thấy tôi về là cả hai cùng reo lên, vui vẻ lắm!”. Giờ mẹ chồng đã mất, mẹ ruột bà cũng không còn minh mẫn nên không nhớ bà sui đã qua đời, thỉnh thoảng lại hỏi bà: “Bà sui đi đâu mất rồi, sao lâu quá không ra đây nói chuyện với má?”. Bà trả lời mẹ mà rớt nước mắt vì nhớ mẹ chồng, nhớ những lúc vui vẻ của tình bạn già bên nhau.

Mẹ ruột bà năm nay đã 92 tuổi, đi lại khó khăn vì bị bệnh khớp, tai cũng nghe không được rõ nữa nên từ cái quần cái áo đến miếng cơm, ly nước đều do bà Ngọc và người con gái thứ ba chăm sóc. “Thấy bà còn khỏe tôi cũng mừng lắm, mong bà cứ khỏe hoài như vầy là vui rồi”, bà Ngọc nói, vừa tất bật xếp quần áo, dọn dẹp giường chiếu của mẹ.

Lo cho mẹ, cho chị xong, bà lại xoay xở lo cho con. Bốn người con sinh ra sàn sàn tuổi nhau, người nhỏ nhất 23 tuổi, lớn nhất 30 tuổi, từ nhỏ đến lớn đều sống trong sự vun vén, cần kiệm của mẹ. Người con thứ hai bị viêm não của bà nay đã 28 tuổi nhưng nhiều khi vẫn phải có bàn tay mẹ chăm sóc. “Nó bị bệnh nên xin việc ở đâu người ta cũng không nhận, vậy mà nó thương mẹ, thương bà ráng xin đi làm tuốt ở Long An, mỗi ngày tự bắt xe buýt đi. Lương lãnh ra nó hùn với tôi để lo cho gia đình”, bà Ngọc kể. Tuy nhiên, đi làm được một thời gian, do bị bệnh gan phải dùng nhiều thuốc, thể trạng lại yếu, anh liên tục nhập viện đành phải nghỉ làm. Còn người con gái thứ ba, tốt nghiệp xong THPT chị ở nhà để chăm lo cho bà, cho cô khi mẹ đi làm. Xoay vần với đủ thứ cơm nước, thuốc thang, chị cũng không có mấy cơ hội đi ra ngoài. Bà Ngọc xót xa: “Nhiều khi cũng muốn cho con học nghề, đi làm nhưng ở nhà có nhiều người bệnh, lỡ có bề gì trở tay không kịp. Nhưng chắc sắp tới tôi phải ráng thu xếp để cho con đi học, mở mang kiến thức, có công ăn việc làm đàng hoàng”.

Bà Ngọc kể nhiều về mẹ, về con nhưng nói riêng về mình bà lại hết sức kiệm lời. Đã hơn chục năm nay, bà biết mình mang bệnh viêm gan siêu vi C và tiểu đường nhưng vẫn không thuốc thang gì nhiều, chỉ tự mình ăn uống kiêng khem vì “nếu đi khám bệnh, uống thuốc thì phải uống đều đặn suốt, tiết kiệm được chừng nào hay chừng đó, mình còn khỏe, trong khi con bệnh, mẹ tuổi đã già, cần được ưu tiên hơn chứ”.

Kỳ tới: Chàng trai tật nguyền hiếu thảo

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Khó đi con cõng mẹ đi Kỳ 2: Gia tài của mẹ Kỳ 3: Điều kỳ diệu dành cho cha Kỳ 4: Anh mù bắt cá ven sông Kỳ 5: Người con nuôi hiếu thảo

VŨ THỦY - ĐOÀN BÀO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên