18/08/2013 10:35 GMT+7

Anh mù bắt cá ven sông

ĐOÀN BẢO CHÂU - VŨ THỦY
ĐOÀN BẢO CHÂU - VŨ THỦY

TT - Mùa mưa, con đường vào nhà anh Võ Văn Tâm (ấp Phú Sơn, xã Long Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) nhão nhoẹt sình lầy. Chiếc cầu nhỏ bắc qua sông trước nhà anh chỉ vừa vỏn vẹn một xe chạy, chênh vênh giữa đôi bờ sông đang mùa nước lớn.

Kỳ 1: Khó đi con cõng mẹ đi Kỳ 2: Gia tài của mẹ Kỳ 3: Điều kỳ diệu dành cho cha

oNuwIvZb.jpgPhóng to
Anh Tâm chuẩn bị cho một chuyến đi ghe - Ảnh: Bảo Châu

Vậy mà dù hai mắt đều mù, anh vẫn đi một mạch ra chiếc ghe đánh cá quen thuộc của mình, chuẩn bị cho chuyến thả lưới kiếm tiền về lo cho mẹ cha đang đau bệnh.

“Cha mẹ khổ, không lẽ mình ngồi không”

Năm 10 tuổi, anh Võ Văn Tâm (nay đã 36 tuổi) đi học bị bạn chơi giỡn ném cát vào mắt. Nhà nghèo, không có tiền chạy chữa nên hai mắt cứ mờ dần, sau mù hẳn. Cha mẹ anh đều đã trên 60 tuổi, người bị tai biến mạch máu não nằm liệt giường, người bị viêm đa khớp chỉ đi lại loanh quanh trong nhà. Chính vì thế dù đi lại trên bờ rất khó khăn, ra vào trong nhà nhiều khi còn đụng tường chảy máu nhưng không lúc nào anh Tâm chịu ngồi yên. “Ba má bệnh quá trời, đi còn không nổi, mình chỉ bị con mắt thôi, tay chân lành lặn, không lẽ ngồi không để ba má nuôi cơm” - anh nói.

Khác với trên bờ, khi xuống nước anh lại rất thông thạo, tự tin vì “xuống đó tối thui, người sáng cũng như người mù à” - anh nói. Thế nên hầu hết thời gian của anh là ở dưới nước. Ngày nào cũng vậy, anh cùng người em trai chèo ghe đi khắp sông nhỏ, sông lớn, thả tay lưới bắt cá. 50 tay lưới cũ nhà có được cũng là do mua rẻ, trả góp của người ta suốt trong hai năm. Hễ em xuống gỡ lưới thì anh đẩy ghe, rồi quay ghe, chèo ghe. Khó nhất là những lúc ra sông lớn, gió mạnh, nước lên, ngay cả với người sáng mắt chuyện chèo chống đã khó khăn huống gì người mù. Nhưng anh Tâm làm được hết bằng cách nghe hướng gió, thò tay đoán luồng nước. Một chuyến đi ghe của hai anh em thường kéo dài ba, bốn ngày, ghe lênh đênh đi hết sông này tới bến kia, có khi đi xa hàng chục cây số. Tùy giờ nước lên nước xuống, nhiều khi cả hai người thức suốt đêm thả lưới, rồi 4g-5g sáng lại ghé vào một chợ ven sông bán cá.

Mỗi ngày hai anh em bán được 3-4kg cá, kiếm khoảng 50.000 đồng. Cả nhà bốn người ăn hết 30.000 đồng/ba bữa, còn 20.000 đồng dành mua thuốc cho cha mẹ. Đã không biết bao nhiêu lần khi lặn xuống nước kéo ghe, gỡ cá, không thấy đường, anh đụng đá, rồi vướng vô mớ rễ cây, vướng gai cá chốt máu chảy ròng ròng, tay chân cũng đầy vết cứa. Mà đâu chỉ đi ghe đánh cá, về tới nhà hễ nghe ở đâu có người đi bắt ếch, bắt chuột anh cũng đi theo làm phụ. Không trực tiếp bắt được thì anh xin vác giỏ, cầm cây, miễn sao kiếm được chút tiền lo cho gia đình.

Trước đây mẹ anh, bà Võ Thị Hành, còn khỏe thì nghề chính của bà là lặn hến. Mẹ đi mò hến, anh cũng lò dò xin đi theo, rồi lặn xuống nước bắt chước mò hến y chang mẹ, dù con hến nhỏ tí xíu chỉ bằng đầu ngón tay không dễ tìm được. Dần dà biết cách làm rồi, anh nhất định nói mẹ lên ghe ngồi gom hến thôi, chỉ mình anh xuống mò hến là được. Rồi từ chiều tối tới sáng hôm sau, hai mẹ con lại ngồi còng lưng rửa từng con hến, muỗi cắn khắp người nhưng anh không thấy đường đập, sưng vù tay chân. 10kg hến còn nguyên vỏ chỉ đãi được 2,5kg ruột. Vậy mà không ngày nào anh không đi lặn. Thấy em trai đi chăn vịt mướn cho người ta, phải cho vịt chạy đồng kiếm ăn, anh cũng nhất định đi theo phụ. Cứ em đi đằng trước, anh ở phía sau lùa vịt đi. Không biết con vịt mặt mũi ra sao nhưng anh nghe được tiếng vịt kêu rất thính, đếm chính xác, lùa về không sót một con, dù không ít lần trượt té đập mặt xuống ruộng, lọt mương, lọt sông. Bà Hành cho biết: “Thấy con lặn ngụp dưới sông, quần áo không có cái nào còn nguyên màu, toàn màu bùn sình mà tui rớt nước mắt. Nó siêng năng lắm, ai kêu gì làm nấy, đi suốt, dù gia đình đâu có trông mong nó phải kiếm ra tiền”.

eBC0QWeS.jpgPhóng to
Anh Tâm cùng mẹ vá tay lưới chuẩn bị đi ghe - Ảnh: Bảo Châu

Nhường giường cho cha mẹ

Nhà anh Tâm có ba cái giường, hai giường đặt trong nhà được hai anh em nhường cho cha mẹ. Anh Tâm nằm giường cũ rách nát, ngồi lên kêu cót két ngoài chái bếp và anh Bé Năm, con út, nằm ngủ luôn ngoài ghe. Chái bếp không có tường gạch, chỉ có mấy tấm liếp gỗ che tạm bợ, gió mưa mặc sức dập tơi tả. Toàn bộ “tài sản” của anh được cất gọn trên chiếc giường nhỏ là ba cái áo, hai cái quần, kèm theo một điện thoại di động cũ kỹ chỉ dùng để nghe vì “tui không biết đường đâu mà bấm, nhưng có điện thoại lỡ đi đâu ngoài sông, cha mẹ có chuyện gì người ta báo còn chạy về kịp” - anh cho biết.

Nhà nằm trong vùng sâu, muốn kéo điện phải đóng đến 7 triệu đồng, một khoản tiền quá lớn nên cả nhà đành chấp nhận sống không có điện. Quanh năm suốt tháng chỉ xài một cây đèn dầu làm từ lon sữa bò, cháy leo lét trong đêm. “Có lần, có người vào nhà định ăn trộm thấy nhà tối hù, đứng nhìn một hồi rồi đi luôn vì trong nhà không có gì hết trơn” - bà Hành cho biết. Riêng có một bình sạc được anh Tâm ưu tiên mua về để bắt bóng đèn nhỏ tí trên chỗ giường của cha. Mỗi lần bình sạc hết điện, anh lại mò mẫm ra ngoài chợ xã nhờ sạc 7.000 đồng/lần. Cha anh bị tai biến mạch máu não đã chín năm, liệt hết nửa người, thỉnh thoảng lên cơn nóng sốt, mê sảng suốt mấy ngày liền. Mỗi lần như vậy, hai anh em lại tất tả chèo ghe về đưa cha đi cấp cứu.

Còn bà Hành mấy năm nay bị viêm đa khớp, đi bước nào nhói bước đó. Riêng chuyện xuống bếp nhóm lửa đã rất khó khăn. Bởi vậy nếu đi làm thì thôi, hễ về đến nhà là anh Tâm lại lần xuống bếp lấy giùm mẹ cái nồi, cái chén, gom giùm ít củi khô nhóm bếp. Bữa cơm không có gì ngoài mấy con cá hai anh em đi bắt về đem bán còn dư, mấy cọng rau muống hái sau nhà nhưng “tui thấy được ăn cơm với người trong nhà là sướng lắm, mẹ xới cơm cho, rồi gắp đồ ăn cho mình nữa. Ra đường đâu dễ gì có ai thương mình như vậy. Bởi vậy mình phải thương, phải báo hiếu cho cha mẹ chứ” - anh thổ lộ, tay lần mò vá lại từng tấm lưới cá đã rách bươm.

Ông Nguyễn Văn Khải (trưởng ấp Phú Sơn, xã Long Phú, huyện Tam Bình, Vĩnh Long) nhận xét: “Tôi rất quý và khâm phục anh Tâm vì anh rất chịu khó làm ăn và hiếu thảo. Nhiều khi người ta không dám kêu vì sợ anh bị mù, anh cũng ráng xin đi theo phụ cái này cái kia, đi đêm đi hôm không bao giờ nề hà gì, từ bắt cá, lùa vịt, hốt bùn, bẫy chuột... để kiếm tiền lo cho cha mẹ. Về đến nhà là anh chỉ quanh quẩn chăm sóc cha mẹ”.

____________

Kỳ tới: “Thằng ngốc” nuôi cha

ĐOÀN BẢO CHÂU - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên