17/08/2013 11:35 GMT+7

Điều kỳ diệu dành cho cha

ĐOÀN BẢO CHÂU - VŨ THỦY
ĐOÀN BẢO CHÂU - VŨ THỦY

TT - Sống ở một vùng quê nghèo và cũng chưa bao giờ động đến máy móc, nhưng cậu bé khi mới học tới lớp 7 vì thương cha ngày ngày mày mò để tự chế ra từ máy mátxa chân đến cái ghế có thể tự động nâng gập từ phế liệu giúp người cha bại liệt có thể cử động. Người cha già sau tai nạn tông xe khủng khiếp tưởng sắp chết đã dần hồi sinh như một phép nhiệm mầu.

Kỳ 1: Khó đi con cõng mẹ đi Kỳ 2: Gia tài của mẹ

uMgaTLth.jpgPhóng to
Bữa cơm nào Hóa cũng ăn cùng cha. Ông ngồi trên chiếc ghế tự chế của Hóa - Ảnh: Vũ Thủy
CmWgrw3q.jpgPhóng to
Hóa và cha bên chiếc xe lăn đang được lắp ráp - Ảnh: Vũ Thủy

Máy móc biết yêu thương

Cha ốm liệt suốt 10 năm. Cả chục năm ấy Lê Văn Hóa (sinh năm 1996 ngụ thôn Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung, Triệu Phong, Quảng Trị) từ một cậu học trò vô tư bỗng trở thành một thợ cơ khí lúc nào chẳng hay. Hôm chúng tôi ghé nhà Hóa cùng ăn một bữa cơm trưa, Hóa xới một tô cơm, chan canh rau rồi lại ngồi trên giường của cha. Hai cha con cùng ăn một tô. Cứ cha một muỗng, con một muỗng, hai cha con vừa ăn vừa rì rầm to nhỏ. Bữa cơm chay đạm bạc với dưa giá và canh đậu hũ nhưng chẳng mấy chốc hai cha con đã bới đến tô thứ hai, thứ ba. Nhờ có Hóa ngồi bên vừa “cạnh tranh” vừa trò chuyện, những bữa ăn từ lâu đã không chỉ còn là một thói quen bắt buộc để duy trì sự sống với người cha tâm tính vốn hay buồn bực vì bệnh tật lâu ngày nữa. Xong bữa Hóa lại tất bật lau mặt, lấy nước uống cho cha. Nhà neo người nên chuyện cơm bưng nước rót, lau rửa, đổ bô cho cha Hóa và mẹ thay nhau làm.

Ngồi trong căn bếp chật chội, bà Nguyễn Thị Hạnh (54 tuổi), mẹ Hóa, rầu rầu kể về những ngày đầu ông Lê Văn Hiếu (57 tuổi), chồng bà, bị “xe bổ” khi vào Sài Gòn mua cây giống năm 2003. Vụ tai nạn khủng khiếp khiến ông Hiếu bị thương rất nặng phải đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Cơn nguy kịch qua đi, tính mạng vẫn giữ được nhưng ông bị liệt. Tám tháng liền ông Hiếu không mở mắt, không nhúc nhích được gì. Chòm xóm, người thân đến thăm ai cũng lắc đầu. Những ngày tháng đó với ông Hiếu sống chẳng bằng chết. Nằm một chỗ suốt ngày này tháng nọ, người ông lở loét đau nhức, bà Hạnh và con trai không đành lòng ngồi nhìn cũng ráng chạy thầy chạy thuốc. Nghe mách chỗ nào có thầy hay là Hóa để cha ngồi xe lăn hì hục đẩy đi. Có những chuyến cả đi cả về ngót mười mấy cây số nhưng đôi chân nhỏ của Hóa chẳng nề hà, ta thán. Lúc ấy Hóa mới hơn chục tuổi đầu.

Hằng ngày hai mẹ con Hóa phải thay phiên nhau xoa bóp để ông dễ chịu đôi chút. “Người tôi lúc ấy nhức mỏi không cách chi chịu nổi. Ba anh chị lớn của thằng Hóa đứa học đứa làm nuôi gia đình nên Hóa và mẹ phải cực khổ thay nhau xoa bóp cho tôi” - ông Hiếu ngậm ngùi nhớ lại. Một tay mẹ Hóa phải lo công việc đồng áng nên việc chăm sóc cha hầu như một mình Hóa tự xoay xở. Ngoài thời gian đi học, Hóa suốt ngày quanh quẩn bên ông, cho cha ăn, lau rửa, thay quần áo, đẩy cha đi chữa bệnh. Hóa thấy cha vui vẻ hơn, tâm tính cũng thoải mái hơn mỗi lần được đưa lên xe lăn đẩy ra ngoài hít thở khí trời nên chiều nào cũng đưa cha lên xe lăn đẩy đi chơi. Nhưng Hóa còn nhỏ, sức mẹ cũng yếu, mỗi lần đưa cha ngồi vào xe lăn là mỗi lần mẹ con Hóa phải vật lộn. Hóa thương cha bao nhiêu thì cũng thương người mẹ cơ cực của mình bấy nhiêu. Ông Hiếu cũng thấu hiểu nỗi khổ của vợ con. Nhớ lại những ngày tháng đó ông không khỏi xót xa: “Nhà đã nghèo tôi lại nằm liệt, bao nhiêu khốn khó đổ lên đầu hai mẹ con”. Trong những ngày tháng đầy khó khăn ấy, những lúc ngồi nói chuyện với con, ông Hiếu thỉnh thoảng lại rủ rỉ mong ước có cái máy mátxa và một thứ dụng cụ có thể đưa ông lên xe lăn mà vợ con không phải quá khó nhọc nữa.

Ông Hiếu không biết rằng cậu con trai cứ suy nghĩ mãi về những điều cha nói và quyết tâm biến thành hiện thực. Cứ sau giờ học Hóa lại lang thang đến những vựa phế liệu lục lọi rồi tha về những đoạn sắt thép phế thải, mua lại môtơ xe đạp điện, xích xe đạp... Chưa từng học cơ khí chế tạo nên khi rảnh rỗi Hóa lại lân la đến những tiệm cơ khí để học lóm. Hóa cũng không nhớ mình mất bao nhiêu thời gian để chế ra được cái máy mátxa chân được điều khiển chỉ bằng cách bật công tắc được gắn chắc trên giường ngay tầm với của ông Hiếu. Làm được máy mátxa, Hóa lại ngày đêm nghĩ cách để đưa cha lên xe lăn mà không phải nhờ hàng xóm mỗi khi trong nhà chỉ có mình Hóa. Rồi cũng chính cậu học trò gầy gò, thư sinh ấy hì hục đục khoét tường nhà để treo hệ thống ròng rọc có thể nâng đỡ cha lên xe lăn mà không phải mất nhiều công sức.

Phép mầu của lòng hiếu thảo

Khi chúng tôi đến, ông Hiếu đang nằm trên giường với tay bật công tắc điều khiển ngay bên cạnh, chiếc ghế phía dưới ông từ từ gập lại đỡ ông ngồi thẳng lưng. Quanh cái giường cũ kỹ của ông Hiếu có cả một hệ thống máy móc phụ trợ. Cuối giường là chiếc bàn dài gắn điện thoại bàn có trục xoay để ông có thể với tay kéo về phía mình và cái máy mátxa chân đã được cải tiến thêm chức năng co duỗi chân. Trên giường ngay dưới chỗ ông Hiếu nằm là vị trí của chiếc ghế ngồi giúp nâng gập người. Phía trên giường là hệ thống ròng rọc. Và gần đó là chiếc xe lăn tự hành điều khiển bằng đầu đang được Hóa tháo ra sửa lại. Tất cả đều là những thứ máy móc mà Hóa tự mày mò chế tạo để mang lại cho cuộc sống bất động của người cha chút sinh khí.

Chiều mát trời, ông Hiếu bảo muốn đi ra ngoài cho thoải mái, Hóa nhanh nhẹn đẩy chiếc xe lăn đến cạnh giường, ông Hiếu bấm công tắc để khởi động đưa chiếc ròng rọc xuống, Hóa lồng dải dây vải rộng vào người cha, chiếc ròng rọc từ từ nâng người ông Hiếu lên cao rồi thả vào đúng vị trí chiếc xe lăn. Sợi dây siết chặt vào người nhưng ông Hiếu có vẻ khá dễ chịu. “Nhìn có vẻ đau khổ vậy nhưng mỗi lần nâng lên thế này là các khớp xương được kéo giãn khiến mình mẩy rất thoải mái”, khuôn mặt ông Hiếu như giãn ra. Cảm giác đau nhức, phù nề cũng giảm rất nhiều nhờ chiếc máy giúp mátxa và co duỗi chân.

Cứ thế mỗi ngày trôi qua sức khỏe của cha Hóa dần tốt hơn. Hóa có thời gian nhiều hơn để giúp mẹ thêm chuyện nhà cửa, ruộng vườn, kinh tế gia đình không còn bí bách như trước nữa. Cái cảm giác là gánh nặng của vợ con trong lòng ông Hiếu cũng dần nhẹ nhõm đi. Ông vui hơn và cơ thể cũng dần linh hoạt. Lúc trước ông chỉ nằm một chỗ để vợ con cho ăn uống, giờ thì tay chân đã cử động được, ông tự bốc máy nghe điện thoại và tự đẩy được xe lăn tay. “Bây giờ so với ngày mới bị liệt là một trời một vực rồi cô ạ! Thằng Hóa chưa dám nhận là tài nhưng hiếu thảo, nuôi tôi cả chục năm trời nay. Tôi cũng muốn khỏe hơn bây giờ để Hóa có thời gian đi học” - ông Hiếu nhìn Hóa ngậm ngùi.

Năm ngoái Hóa đã tốt nghiệp lớp 12 nhưng bạn quyết định không thi đại học. Một năm qua nghỉ ở nhà Hóa chỉ quanh quẩn bên cha và mày mò cải tiến lại chiếc xe lăn điều khiển bằng đầu bởi cha Hóa sử dụng tay rất khó khăn. Ông Hiếu đã khá ưng ý với chiếc xe lăn cũ có thể duỗi thẳng người, nhờ nó ông có thể đi chơi xa với cả nhà mà vẫn thoải mái. Nhưng Hóa muốn cải tiến chiếc xe để nó dễ điều khiển hơn và gọn gàng hơn rồi em mới yên tâm đi học. Hóa dự tính nộp hồ sơ vào ngành cơ khí của Trường cao đẳng Công nghiệp Huế học cho bài bản. Bao nhiêu ấp ủ của Hóa cho chuyện đi học và cả nghề nghiệp sau này vẫn là vì một chữ “cha”. Hóa ngồi bên đống sắt thép ngổn ngang giữa nhà nói vọng vào giường cha: “Con học ở Huế vừa đỡ tốn kém vừa gần nhà. Sau này về sẽ chế tạo xe điều khiển tự động và một chiếc giường đa năng có thể giúp mátxa, co duỗi, làm mát, sưởi ấm... tốt hơn thế này cha ạ”.

Kỳ tới: Anh mù bắt cá ven sông

ĐOÀN BẢO CHÂU - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên