Kỳ 1: Nguyễn An Ninh - tiếng chuông thức tỉnh muôn người Kỳ 2: Gióng lên những “tiếng chuông rè”
Phóng to |
Nguyễn An Ninh bị bắt lần đầu (ảnh chụp tại bót Catinat ngày 25-3-1926, số tù 163957) -Ảnh tư liệu gia đình |
Phóng to |
Nguyễn An Ninh cùng vợ và con Nguyễn An Tịnh trước khám lớn Sài Gòn 1937 - Ảnh tư liệu gia đình |
Mòn mỏi đợi chờ
Đầu năm 1928, Nguyễn Thế Truyền cùng vợ con trở về nước sống cùng gia đình Nguyễn An Ninh để làm báo và chờ đợi ngày về nước của Nguyễn Ái Quốc.
Điều không may xảy ra là bà Truyền bị rắn cắn được cứu chữa thoát chết nhưng không dám sống ở nông thôn. Khách sạn Chiêu Nam Lầu của gia đình Nguyễn An Ninh cũng đã phát mãi từ năm trước. Vì vậy Nguyễn Thế Truyền phải đưa cả gia đình về Nam Định nhờ sự chu cấp của cha mẹ.
Kế hoạch làm báo gặp trắc trở. Nguyễn An Ninh phải cạo trọc đầu giả vờ đi tu để bôn ba khắp nơi phát triển lực lượng “Thanh niên cao vọng” và hướng dẫn nhân dân xây dựng vùng cơ sở cách mạng rộng lớn, nối liền Bà Điểm - Hóc Môn, Đức Hòa, Đức Huệ, Lộc Giang, Trảng Bàng, Gò Dầu (Tây Ninh), rồi từ Đức Hòa, Đức Huệ sang Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Gò Đen, Chợ Gạo, xuống miền Tây. Nguyễn An Ninh có thể lội bộ bất kể ngày đêm, vùng này sang vùng khác suốt cả tháng trời rất an toàn và không sợ đói rét.
Điều không may lại xảy ra khi Nguyễn An Ninh ra tay đánh tên cai Trần Văn Nên để giải cứu cho Phan Văn Hùm. Sở mật thám tìm mọi cách dàn dựng buộc tội Nguyễn An Ninh lập hội kín để bỏ tù trừ hậu họa.
Cuối năm 1931 mãn hạn tù 3 năm, Nguyễn An Ninh rất nóng lòng vì người của Nguyễn Ái Quốc đã về và đã thành lập Đảng, còn Nguyễn Ái Quốc vẫn biệt tăm. Nguyễn An Ninh tìm mọi cách ra miền Bắc để gặp Nguyễn Thế Truyền bàn bạc. Bao nhiêu đơn xin phép ra Bắc đều bị nhà cầm quyền từ chối.
Giữa lúc đó thì báo chí Sài Gòn đưa tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt giam ở Hương Cảng, bị ho lao và đã từ trần. Biết đấy là âm mưu của thực dân gây hoang mang cho những nhà cách mạng, Nguyễn An Ninh càng quyết tâm tìm mọi cách ra Bắc.
Cơ hội trôi qua
Tháng 8-1933, một phái đoàn đi dự hội nghị Quốc tế hòa bình chống chiến tranh ở Thượng Hải do ông Paul Vaillant - Couturier dẫn đầu ghé qua Sài Gòn. Gần sáu năm mới gặp lại nhau, Nguyễn An Ninh mừng lắm. Mừng hơn nữa khi nghe ông cho biết Nguyễn Ái Quốc còn sống, ông đã gặp Nguyễn Ái Quốc ở Thượng Hải tại nhà bà Tống Khánh Linh, và ông đã thu xếp cho Nguyễn Ái Quốc sang Mạc Tư Khoa an toàn.
Nguyễn An Ninh vội lập danh sách tù chính trị bị giam giữ tại Sài Gòn và quản thúc tại địa phương để Đảng Cộng sản Pháp đấu tranh trước nghị viện Pháp đòi thả tù chính trị.Vì P.V.Couturier cũng là nghị sĩ quốc hội Pháp nên Nguyễn An Ninh nhờ ông tìm cách đưa mình ra miền Bắc để bàn với Nguyễn Thế Truyền sang Pháp tìm cách đưa Nguyễn Ái Quốc về Nam kỳ. Ông P.V.Couturier nhận lời và tìm cách đưa Nguyễn An Ninh đi như một nhà báo tháp tùng theo đoàn. Nhưng nhà cầm quyền Pháp đã ra hàng loạt điện và thông tri tháng 9 và tháng 10-1933 gửi cảnh sát Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ phối hợp để ngăn chặn chuyến đi này.
Đi không thoát nhưng cuối cùng Nguyễn An Ninh cũng nhờ người liên lạc được với Nguyễn Thế Truyền. Và đầu năm 1934, ông Truyền đã thu xếp trở sang Pháp để nối liên lạc với Nguyễn Ái Quốc chờ thời cơ tìm cách đưa Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương,với sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Pháp.
Thời cơ đó là đầu năm 1936 khi bên Pháp thành lập liên minh Mặt trận Bình dân có sự tham gia của Đảng Cộng sản Pháp, thì ở Sài Gòn thực dân cũng nới lỏng mọi kiểm soát và dân chúng được phép tự do đi lại. Nguyễn An Ninh chờ tin tức của Nguyễn Thế Truyền và chuẩn bị sẵn sàng sang Pháp để đưa Nguyễn Ái Quốc về Sài Gòn. Lúc đầu Đảng Cộng sản Pháp nhất trí nhưng khi Mặt trận Bình dân thắng cử và thành lập chính phủ thì Đảng Cộng sản Pháp lại rút lui không tham gia. Nguyễn An Ninh rất buồn, vì theo ông đây là thời cơ ngàn năm có một.
Nằm lại nơi đảo xa
Cơ hội gặp lại Nguyễn Ái Quốc trên quê hương không còn nữa, vùng căn cứ rộng lớn trở thành căn cứ địa đón cán bộ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương về suốt từ năm 1936-1939 khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Nguyễn An Ninh bàn với ông Trương Văn Bang là quyền bí thư Xứ ủy Nam kỳ tận dụng cơ hội được nới rộng tự do ăn nói và đi lại để phát triển lực lượng và xây dựng phong trào cách mạng. Đây là việc làm cuối cùng của Nguyễn An Ninh bởi sau đó ông bị bắt và ở tù ba lần.
Năm 1939, sau khi mãn hạn tù lần thứ tư và đang bị quản thúc tại Mỹ Tho, bà Nguyễn Thị Minh Khai, đại diện cho Xứ ủy Nam Kỳ, đến gặp Nguyễn An Ninh mời ông ra ứng cử Hội đồng quản hạt Nam kỳ và mời ông gia nhập Đảng Cộng sản. Cả hai việc ông đều từ chối. Bà Minh Khai cho rằng ông có đầu óc lãnh tụ, sợ vào Đảng không được làm lãnh tụ, ông đã trả lời: “Nếu tôi muốn làm lãnh tụ thì tổ chức Thanh niên cao vọng do tôi sáng lập đó, quần chúng sẵn sàng tôn vinh tôi, sao tôi không làm? Khi Nguyễn Thái Học mất đi, anh em tìm đến tôi nhờ dẫn dắt cho Việt Nam Quốc dân Đảng nhưng tôi từ chối. Tôi tự thấy mình không đủ tài đức để làm một lãnh tụ. Việc đó đã có Nguyễn Ái Quốc”.
Năm 1940 ông bị bắt lần cuối cùng, bị đày ra giam tại địa ngục Côn Đảo và đã hi sinh tại đó. Ông mãi mãi không bao giờ được gặp lại người anh mà Nguyễn An Ninh từng giải thích với con trai đầu lòng như hồi ký của bà Nguyễn An Ninh đã ghi: “Con có hai bác, bác An Thái đã chết và bác Ái Quốc ở tận bên Nga xa lắm”.
Người thay ông gặp lại Nguyễn Ái Quốc là bà Nguyễn An Ninh, người bạn đồng hành tiếp bước sự nghiệp của ông. Hơn mười năm sau ngày ông gửi xác ở Côn Đảo, bà Ninh tập kết ra Bắc. Bà vừa đặt chân lên bến Sầm Sơn, ban tổ chức đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết báo cho bà biết: Bác Hồ đã điện cho ban tổ chức khi nào bà Nguyễn An Ninh ra phải đưa ngay ra Hà Nội. Bà Ninh vào Phủ chủ tịch đứng lẫn vào số cán bộ phục vụ Bác, đều là bạn bè cũ, chưa kịp chào hỏi hết mọi người đã thấy Bác với bộ quần áo vải nâu, chân bước thoăn thoắt lên bậc tam cấp. Hình ảnh nhanh nhẹn và giản dị đó khiến bà Ninh sững sờ đứng ngây người. Bác đã cất tiếng hỏi:
- Cô Ninh đâu? Cô Ninh là ai đâu?
- Thưa Bác, cháu đây.
Bác đến đặt tay lên hai bên vai, nhìn trìu mến rồi hôn lên trán bà Ninh. Bác còn đứng nhìn, ông Bùi Công Trừng liền nhắc:
- Thưa Bác, hồi năm 1945 cướp chính quyền không có tiền, chị Ninh phải đi xin tiền cho Đảng.
Theo gợi ý của Bác, bên tổ chức đã bố trí cho bà Ninh làm trưởng đoàn đi dự một cuộc hội nghị các bà mẹ ở Genève để gặp một người rất thân với Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn An Ninh. Đó là bà Marie - Claude Vaillant - Couturier lúc đó là tổng thư ký Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới.
Những tưởng Nguyễn An Ninh mất đi là chấm hết. Nào ngờ bà lại được vinh hạnh gặp lại người anh năm xưa và được Người ân cần giúp đỡ động viên suốt những năm khi Người còn sống.
_____________________
Kỳ tới: Những ngày cuối ở Côn Đảo
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận