12/08/2013 11:41 GMT+7

Gióng lên những "tiếng chuông rè"

NGUYỄN SƠN
NGUYỄN SƠN

TT - Nguyễn An Ninh thực hiện mọi việc như đã bàn bạc cùng nhau trên đất Pháp. Làm báo và diễn thuyết để đánh thức tinh thần dân tộc, để thổi bùng ngọn lửa yêu nước. Viết báo cho những ai có học hành đọc, diễn thuyết cho những người ít học nghe. Nơi gieo mầm trước tiên là thanh niên và viên chức ở thành phố, trí thức ở nông thôn như thầy giáo và hương chức trong bộ máy làng xã.

pD5PQhA3.jpgPhóng to
Tờ báo Chuông Rè -Ảnh tư liệu
t40DSRWf.jpgPhóng to
Lệnh truy nã Nguyễn An Ninh của cảnh sát Đông Dương - Ảnh tư liệu gia đình

"Tôi chỉ muốn làm tiếng chuông thức tỉnh đồng bào tôi..."

Ðêm 15-10-1923, Nguyễn An Ninh diễn thuyết về "Lý tưởng thanh niên An Nam" tại Hội Khuyến học Nam kỳ. Muốn răn đe người thanh niên còn quá trẻ, thống đốc Nam kỳ là Cognacq cho gọi Ninh đến dinh thống đốc để hỏi tội:

- Anh nói gì ở Hội Khuyến học Nam kỳ?

- Tôi nói thanh niên cần phải sống có lý tưởng, đất nước này cần trí thức.

- Không cần trí thức ở xứ này, anh muốn làm trí thức hãy sang Moscou mà làm. Từ nay tôi cấm anh diễn thuyết.

Nguyễn An Ninh im lặng, viên thống đốc dịu giọng mua chuộc:

- Anh học giỏi, có tài sao không ra làm chánh án?

- Làm chánh án là làm nô lệ.

- Vậy anh muốn làm gì, làm chính trị, làm quốc sự hả?

- Tôi chỉ muốn làm tiếng chuông thức tỉnh đồng bào tôi mà thôi.

- Tiếng chuông của anh chỉ là tiếng chuông nứt, tiếng chuông rè, hiểu chưa? Cả xứ này phải vâng lệnh tôi.

Nguyễn An Ninh chỉ mỉm cười. Ngày 10-12-1923 tờ báo Chuông Rè số đầu tiên ra đời.

Tôi làm quen với ông Ninh nhờ mua báo bằng Pháp văn đối lập chống chánh phủ đương thời, gọi La Cloche Fêlée do ông một mình vừa chủ trương, vừa viết báo, và vừa bổn thân đứng bán khắp Sài Gòn, mình mặc áo dài trắng, đi xe đạp, tay ôm mớ nhựt trình, miệng rao lanh lẹ và chạy bán từ số, từ tờ cho mấy ông mấy thầy, bất chấp cách lườm ngó đầy ác ý và tiếng nặng nhẹ của nhóm thực dân.

Nguyễn An Ninh ưa đứng bán báo nơi góc Tự Do và Gia Long, đón giờ ra sở năm giờ thì thế nào mấy thầy trẻ dinh Thượng Thơ cũng mua ủng hộ vài ba chục số. Nhưng mỗi luận vào khoảng tháng hai, tháng ba Tây năm 1926, cứ mỗi thứ hai và thứ năm lối bảy tám giờ tối không sót ngày nào, ai muốn gặp Ninh cứ lại trước nhà hàng Yeng Yeng thì gặp, không trật bữa nào. Tôi thường lại đây dùng bữa và thường mua một tờ Chuông Rè. Có mấy lần tôi thẳng thắn kéo tay mời ông vô dùng cơm Yeng Yeng nhưng ông lắc đầu lia lịa.

Riêng tôi, tôi vẫn phục ông thật tình...

Vương Hồng Sển(Hồi ký Hơn nửa đời hư)

Gọi là Chuông Rè nhưng tiếng chuông ấy, tiếng vọng ấy, âm vang ấy không hề rè. Nó góp phần tạo nên một làn sóng yêu nước và quật khởi khắp miền Nam. Báo La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh được người đọc yêu thích thì nhà cầm quyền tìm cách uy hiếp người đọc, vì không thể cấm được ông cử nhân luật đã chấp hành đúng luật lệ quy định. Công chức đọc báo bị đuổi việc, học sinh đọc báo bị đuổi học, binh lính đọc báo bị đổi đến nơi xa xôi hẻo lánh, các nhà tư sản điền chủ đặt mua báo thì tiền bị chặn lại ở bưu điện, nhà in nào in báo thì chủ nhà in bị đe dọa, trẻ em bán báo thì bị đưa về bót, bị tịch thu hết báo. Chưa có tờ báo nào ở xứ Nam kỳ bị khổ sở như tờ báo của Nguyễn An Ninh.

Thành lập "Thanh niên cao vọng"

Không chỉ với tờ báo, Nguyễn An Ninh cũng gặp khó khăn khi diễn thuyết. Trụ sở hội đoàn nào mời Nguyễn An Ninh diễn thuyết thì nơi đó bị rút giấy phép hoạt động. Thuở đó họ cấm dân chúng tụ họp quá 19 người. Vậy là bến xe, chợ búa, rạp hát, đình chùa là nơi Nguyễn An Ninh tìm đến để diễn thuyết, từ miền Ðông đến miền Tây Nam kỳ. Hễ Nguyễn An Ninh đi đến đâu, vừa dừng chiếc xe đạp là bà con đã vây quanh. Bọn mật thám theo sát ông, bọn làng lính cũng đến xua đuổi, nhưng rồi làng lính và mật thám cũng đứng nghe luôn.

Rồi Nguyễn An Ninh thành lập tổ chức "Thanh niên cao vọng", kết nạp hội viên, tổ chức học hành ban đêm trong đền chùa hay ngoài đồng trống. Ai mù chữ thì học chữ, rồi học lịch sử nước nhà, học cách chống giặc của cha ông ngày xưa, đọc thêm sách báo để biết những gì xảy ra trên thế giới. Nhà của Nguyễn An Ninh có cả một tủ sách mấy ngàn quyển, ai có thì giờ cứ đến đọc. Vùng Bà Ðiểm, Hóc Môn, Ðức Hòa, Ðức Huệ là nơi rất an toàn, người dân đều biết võ nghệ và bọn lính thì không dám bén mảng đến. "Thanh niên cao vọng" cứ lan dần, bắt đầu từ 18 thôn vườn trầu cuối năm 1924, sang năm 1925-1926-1927 phát triển khắp Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Bà Rịa. Ðến cuối năm 1928 thì xuống cả miền Tây với số hội viên chính thức theo số liệu của Nguyễn An Ninh là 4.000 người, còn theo tư liệu của mật thám lưu trữ tại Pháp (hồ sơ SPCE/367) là 5.000 người.

Theo nhận xét của tiến sĩ Daniel Héméry trong quyển Sài Gòn 1925-1945: "Nguyễn An Ninh đã phát động sự vùng lên của giới thanh niên cấp tiến qua hai cuộc diễn thuyết tại Hội Khuyến học Nam kỳ... cổ vũ cho sự dấn thân tập thể của những người trí thức trẻ, việc gánh lấy các nỗi thống khổ của đất nước".

Gặp lại Nguyễn Ái Quốc

Suốt thời gian Nguyễn An Ninh về nước từ cuối năm 1923, đầu mối liên lạc giữa bộ ba do Nguyễn Thế Truyền đảm nhiệm vẫn duy trì. Việc liên lạc giữa Paris và Ðông Dương không có gì khó khăn và có nhiều cách: qua đường dây thủy thủ của ông Huỳnh Tấn Kiệt - thư ký Hãng tàu Les Chargeurs Réunis, qua bạn bè thân tín của Nguyễn An Ninh là trạng sư, là nhà báo, là đảng viên cộng sản Pháp làm việc trong bộ máy cai trị. Những lúc Nguyễn An Ninh ngồi tù thì cụ Nguyễn An Khương thay thế, cụ có kinh nghiệm trong việc tổ chức đường dây bí mật trong phong trào Ðông Du.

Sau đó, Nguyễn An Ninh cũng đã hai lần sang Pháp.

Năm 1925 sang để đón cụ Phan Châu Trinh về vì cụ bị ho lao giai đoạn cuối, cụ muốn được an nghỉ trên mảnh đất quê hương. Thời gian này Nguyễn Thế Truyền gặp nhiều khó khăn về tiền bạc, thiếu sự ủng hộ của kiều bào. Kiều bào VN muốn ra báo tiếng Việt và họ sẵn sàng ủng hộ cho báo tiếng Việt. Còn kiều dân các nước thuộc địa khác cũng có nhu cầu của họ. Nên nội bộ ban chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa không thống nhất, mất đoàn kết, một mình Nguyễn Thế Truyền không thể lèo lái tình hình như khi còn Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1927 Nguyễn An Ninh sang Pháp để đón gia đình Nguyễn Thế Truyền về nước, cùng Nguyễn Thế Truyền bàn cách để duy trì phong trào yêu nước của kiều bào và nhờ Ðảng Cộng sản Pháp giúp đỡ. Lần này họ hi vọng được gặp Nguyễn Ái Quốc, vì Ðảng Cộng sản Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đang có mặt tại Mạc Tư Khoa. Suốt hơn hai tháng chờ đợi, cuối cùng đầu tháng 12-1927, ba người bạn đã bí mật gặp nhau tại văn phòng trung ương Ðảng Cộng sản Pháp.

Kỳ tới: Ước vọng chưa thành

NGUYỄN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên