11/08/2013 14:30 GMT+7

Nguyễn An Ninh - tiếng chuông thức tỉnh muôn người

NGUYỄN SƠN
NGUYỄN SƠN

TT - Nguyễn An Ninh sinh năm 1900, sinh ra và lớn lên trên đất Gia Định Sài Gòn xưa, cả đời ông gắn với mảnh đất Nam kỳ. Tuổi thơ của Nguyễn An Ninh được hun đúc bằng những hình ảnh đẹp của người cha.

6d4eQhmU.jpgPhóng to
Nguyễn An Ninh (bìa trái) và Nguyễn Thế Truyền (bìa phải) năm 1927 tại Pháp - Ảnh tư liệu gia đình
TTmxQSwv.jpgPhóng to
Nguyễn An Ninh thời trẻ - Ảnh tư liệu

Trốn sang Pháp, vào Sorbonne

Thân phụ ông là cụ Nguyễn An Khương, một nhà nho yêu nước, là một nhà giáo tự mở trường, tự soạn sách về những gương hiếu nghĩa để dạy học trò, là một lương y cứu giúp người không lấy tiền. Cụ thành lập khách sạn Chiêu Nam Lầu để chiêu hiền đãi sĩ cho các phong trào yêu nước. Cụ là một trong ba người lãnh đạo phong trào Đông Du ở phía Nam. Năm 1908 khi phong trào bị thực dân Pháp phát giác, ba người lãnh đạo là Trần Chánh Chiếu, Nguyễn An Khương, Nguyễn Thần Hiến đều có trát đòi. Trần Chánh Chiếu và Nguyễn An Khương bị tống giam, Nguyễn Thần Hiến trốn thoát sang Xiêm, rồi sang Quảng Châu để gặp cụ Phan Bội Châu.

Quyết noi gương cha, Nguyễn An Ninh đã cố gắng học thật giỏi với ước mong có kiến thức để trở thành người ích nước lợi dân. Năm 16 tuổi, với thành tích học tập xuất sắc ông được tuyển thẳng vào Trường cao đẳng Hà Nội, nhưng ông đã thất vọng khi nhận ra nền giáo dục của thực dân chỉ nhằm đào tạo những người làm tay sai cho bộ máy cai trị.

Thế rồi con đường dấn thân của Nguyễn An Ninh bắt đầu bằng việc rời bỏ ngôi trường ấy, là thoát khỏi bóng đen hắc ám của mạng lưới mật thám, khi thân phụ liên can trong vụ án “Gilbert Chiếu cùng đồng bọn âm mưu chống Pháp” (hồ sơ vụ án số 159). Con đường dấn thân đó là tìm đến nơi có cuộc cách mạng dân chủ nổi tiếng, nơi đã ươm mầm cho những tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái mà Nguyễn An Ninh rất ngưỡng mộ. Nguyễn An Ninh đang cần một người đưa đường chỉ lối, ông viết:

“Đất nước chúng ta cần biết bao những con người hiểu biết tâm hồn nòi giống mình, hiểu biết những nhu cầu tinh thần và những gì phù hợp với tâm hồn nòi giống chúng ta, chúng ta đang cần những con người có khả năng hướng dẫn từng bước đi cho dân tộc, soi sáng con đường đi của dân tộc”.

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) chưa kết thúc, Nguyễn An Ninh thoát khỏi tầm kiểm soát của bộ máy cai trị, trốn sang Pháp lúc ông đủ 18 tuổi.

Đến Paris, sau khi ổn định cuộc sống, ông đã vùi đầu vào học để ôn thi, chỉ ba tháng ông đậu vào Trường đại học Sorbonne. Một năm sau ông đậu bằng cử nhân luật hạng xuất sắc.

Gặp Nguyễn Ái Quốc, vào nhóm “Ngũ Long”

Là một thanh niên còn rất trẻ lại thông minh hoạt bát, thân thiện và rất giỏi tiếng Pháp, Nguyễn An Ninh được sự cảm mến giúp đỡ của mọi người. Ông kết thân với các nhà cách mạng, giao du với bạn bè là nhà văn, nhà báo.

Trong số bạn bè có hai người đã có nhiều ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của Nguyễn An Ninh. Đó là giáo sư Marcel Cachin, thầy đỡ đầu suốt những năm học ở Trường đại học Sorbonne mà ông quý mến như cha. Đó là Nguyễn Ái Quốc, người quen biết của khách sạn Chiêu Nam Lầu, người bạn mà Nguyễn An Ninh đã chia sẻ khó khăn trong học tập, trong cuộc sống.

Năm 1921 khi Nguyễn An Ninh đã viết xong luận án tiến sĩ luật, cũng là lúc Nguyễn Ái Quốc gặp nhiều khó khăn trong nhóm các nhà yêu nước VN qua nhiều đêm tranh luận gay gắt. Nguyễn An Ninh suy nghĩ nhiều và ông không thể nào học tiếp. Ông rời bỏ trường đại học để có thời gian nhiều hơn sát cánh cùng Nguyễn Ái Quốc san sẻ khó khăn trong công việc. Cũng từ đây tập hồ sơ của sở mật thám mang ký hiệu SPCE/384, lưu giữ tại trung tâm lưu trữ hải ngoại Pháp ngày càng dày thêm.

Cũng trong năm 1921 có một thanh niên vừa tốt nghiệp kỹ sư hóa ở Toulouse, lên Paris học tiếp để lấy bằng tiến sĩ tại Trường đại học Sorbonne, đó là Nguyễn Thế Truyền. Nguyễn Thế Truyền cũng bị sức hấp dẫn của Nguyễn Ái Quốc, rồi Truyền cũng bỏ học, bỏ thi tiến sĩ, cùng chung chí hướng, họ trở thành bộ ba cùng nhau sát cánh hoạt động. Họ trở thành những nhà yêu nước nổi tiếng trên đất Pháp trong nhóm “Ngũ Long” (gồm: Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền). Tại Paris họ tham gia diễn thuyết, viết báo tố cáo tội ác của thực dân, vận động kiều bào đoàn kết đấu tranh hướng về Tổ quốc.

7UQGQoxj.jpgPhóng to
Nguyễn An Ninh năm 20 tuổi, vừa đỗ cử nhân luật tại Paris - Ảnh tư liệu gia đình

Xác định bổn phận của mình

Nhưng đó chưa phải là mục tiêu đấu tranh của họ, điều mong ước lớn lao mà họ thề nguyện cùng nhau sẽ phấn đấu suốt cuộc đời là Tổ quốc độc lập, dân tộc thoát kiếp nô lệ. Điều mong ước của họ là tâm huyết mà Nguyễn An Ninh đã viết khi về nước:

“Chúng ta sinh ra vào một thời đại mà nhiệm vụ đòi hỏi ở ta quá nặng nề vượt quá sức của ta. Chúng ta có bổn phận phải hi sinh để xây dựng một tương lai mà chúng ta không kịp nhìn thấy... Chúng ta sinh ra trong một nòi giống đã luôn luôn phải trả giá rất đắt cho quyền được sống của mình” (sđd trang 145).

Họ muốn kết hợp mọi sức mạnh cần thiết trên con đường vô vàn khó khăn mà họ bắt đầu. Tháng 10-1922 Nguyễn An Ninh trở về nước thăm dò tinh thần của quần chúng và sự phản ứng của nhà cầm quyền bằng bài diễn thuyết đầu tiên vào đêm 25-1-1923 tại Hội Khuyến học Nam kỳ. Thính phòng chật ních người nghe. Điều quan trọng là quần chúng không quan tâm người nói là ai, nói hay hay nói dở ra sao mà quan trọng là nội dung bài nói đã khơi dậy tinh thần dân tộc.

Nội dung bài diễn thuyết đã giữ chân mọi người, không ai bỏ về, còn vỗ tay nhiệt liệt nhiều lần. Nguyễn An Ninh mừng quá, điều đó chứng tỏ dân Việt tràn đầy nhiệt huyết, chỉ cần có người khơi dậy, dù người đó chỉ là một thanh niên mới 23 tuổi chưa có tiếng tăm.

Nguyễn An Ninh thu xếp trở sang Pháp vào tháng 2-1923 để bàn bạc thực hiện kế hoạch lâu dài mà bộ ba từng mong ước.

Tháng 6-1923 Nguyễn Ái Quốc bí mật sang Nga. Tháng 8-1923 Nguyễn An Ninh trở về nước. Kế hoạch này hoàn toàn bí mật, khi nhà cầm quyền Pháp phát hiện Nguyễn Ái Quốc mất tích thì Đảng Cộng sản Pháp đã đưa Nguyễn Ái Quốc ra khỏi biên giới.

----------------------------------------------

Kỳ tới: Gióng lên những “tiếng chuông rè”

NGUYỄN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên