25/07/2013 07:25 GMT+7

Những mảnh đời có H không đơn độc - Kỳ 3: Bóng hình thầm lặng

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TT - Trên chặng đường tìm lại chính mình của những người bị nhiễm HIV hoặc sau cai nghiện, bên cạnh sự nỗ lực của người trong cuộc và sự giúp đỡ của cộng đồng, còn phải kể đến những người mẹ, người vợ đã hết lòng động viên, hỗ trợ người con, người chồng mình có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn.

Kỳ 1: Anh thợ máy vui vẻ Kỳ 2: Cửa đời rộng mở

Y4Fqt0Qb.jpgPhóng to
Một tình nguyện viên (trái) hỗ trợ một bạn trẻ thuộc dự án làm hồ sơ xin việc - Ảnh: Phạm Hoài Thanh

Mẹ

Chúng tôi gặp mẹ chị T.T.H. tại một căn nhà nhỏ lụp xụp ngổn ngang xe đẩy bán trái cây. Gặp chúng tôi, người đàn bà đã ngoài 60 tuổi cười bảo: “Ở đây nóng lắm, mấy nhà cao tầng xung quanh chắn hết gió rồi. Mấy đứa ra ngoài ngồi cho mát”. Tiếng cười sang sảng là vậy nhưng ánh mắt bà vẫn không giấu được nỗi buồn của người mẹ đã năm năm lặn lội nuôi con ở trại cai nghiện.

“H. hồi đó ngoan lắm, tháng nào đi làm cũng đem tiền về đầy đủ. Từ công ty tới làng xóm nó đi đâu ai cũng thương hết”, bà mở đầu câu chuyện về cô con gái bằng giọng tiếc nuối cái thời còn quá đỗi yên bình.

“Một bữa nó về báo tin động trời là muốn cai nghiện, lúc đó tôi thiếu điều rơi xuống giếng chứ không phải rơi xuống đất” - bà bồi hồi nhớ lại. H. xin được cai ở nhà, nhưng cứ được một, hai tuần lại bỏ đi. Cuối cùng, bà đành tự tay xích chân H. lại để cô không đi tìm “nàng tiên nâu” nữa. “Buồn lắm con ơi” - bà kể về nỗi đau mỗi lúc nhìn con vật vã lên cơn. Một hôm, nhân lúc mẹ vắng nhà, H. xin cha mở xích để đi tắm rồi leo ngõ sau bỏ trốn. Một lần nữa mẹ cô đành nuốt nước mắt, “thấy người ta xì ke hình hài ghê quá nên bấm bụng gọi điện báo công an đến nhà trọ vây bắt con mình”.

“Năm năm trời tôi bán trái cây nuôi nó trong trại. Mấy bữa lên thăm phải dậy từ 3 giờ sáng”, bà kể lại những ngày tháng gian truân. Nghe chúng tôi hỏi về ngày H. hồi gia sau năm năm cai nghiện, giọng bà trở nên phấn khởi. Bà khoe hai ngày trước khi H. về, bà lật đật vay tiền sắm cho cô xe máy làm phương tiện di chuyển. Mấy tháng sau, bà lại tiếp tục mượn tiền góp mua cho cô cái điện thoại. “Hai mẹ con cùng làm để trả nợ đó”, bà cười.

Cũng như mẹ chị H., mẹ anh Đức (“anh thợ máy vui vẻ” mà Tuổi Trẻ đề cập trong kỳ 1) cũng làm mọi cách để kéo con mình ra khỏi cám dỗ của ma túy. Đức nghiện từ năm anh học lớp 10. Ban đầu bà để con ở nhà, mua thuốc tự cai, rồi dẫn đi bác sĩ cai thêm hai lần, đồng thời nhờ người quản thúc nhưng vẫn không có tác dụng. Cuối cùng năm 2001, bà quyết định đưa con đi cai nghiện ở trại Lâm Hà, sau đó chuyển qua Bình Phước và Bình Triệu. “Lúc đó tôi nhìn nó thấy rất đau lòng, nghĩ nó chết đi cho nhẹ nhàng, tôi còn thấy nhẹ lòng hơn” - bà kể lại lần đầu tiên thấy cảnh con vật vã lên cơn nghiện.

Bà quyết định bán luôn ngôi nhà ở gần chợ vải Soái Kình Lâm để tách con ra khỏi nhóm bạn bè bị nghiện. “Nhà đó tôi ở hơn chục năm, rộng lắm. Lúc đó tôi đấu tranh tư tưởng dữ dội”. Dù tiếc, nhưng vì con bà bấm bụng chuyển qua căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm ở quận Tân Bình.

Sau năm năm cai nghiện, Đức hồi gia và được nhận vào làm ở một công ty dệt may. Tháng lương đầu tiên, anh mua bánh trái về biếu mẹ. Bà phấn khởi chỉ tay lên bức tường ở phòng khách, khoe với chúng tôi: “Đó, hôm sinh nhật tôi nó mới đi mua tấm tranh về tặng đó, cảm động lắm”. Giọng buồn rầu, bà nói với chúng tôi nỗi lòng của người mẹ có con nghiện ma túy: “Mặc cảm lắm, hồi đó ai nói gì cũng cúi đầu không dám nói, trong lòng khổ lắm mà không biết nói với ai”.

“Tôi bị đủ thứ bệnh, vừa tiểu đường, thiếu máu cơ tim, còn thêm gai cột sống, vậy mà không hiểu sao có thể sống được để mà lo cho nó lúc đó”, bà nhớ lại những năm tháng gian khổ “chạy theo” Đức khi anh đang chìm đắm trong ma túy.

Vợ

Chị Phạm Thị Ngân, người sinh cho anh Nguyễn Văn Anh Đức một bé gái kháu khỉnh, nói về chồng với giọng đầy yêu thương và cảm thông: “Tôi không tìm hiểu quá khứ của ảnh, chỉ cần biết hiện giờ người ta có sống tốt hay không”.

Biết nhau gần ba năm nhờ làm chung công ty, ấn tượng của chị về anh Đức là “một người hiền lành, nói chuyện đàng hoàng chứ không có vẻ gì là “giang hồ” hay tệ nạn xã hội”.

Chị nói lúc đầu gặp anh chị không sợ, xem anh như những người bình thường khác và vẫn đùa giỡn vui vẻ. Tấm lòng bao dung của chị Ngân đã khiến anh Đức phải rung động. “Hôm 8-3, ảnh nhờ người chuyển cho mình món quà là một cái áo, còn giả bộ nói là tặng nhiều người.

Thật ra lúc ấy biết ảnh tặng có mình mình”, chị nhớ lại kỷ niệm về món quà đầu tiên chồng tặng. “Chắc lúc đó ảnh thương mình rồi”, chị cười.

Cưới nhau chưa được bao lâu, lúc gần sinh đứa con đầu tiên thì anh Đức đổ bệnh, sốt liên tục mấy tháng liền. Gia đình đưa anh đi khám ở nhiều bệnh viện nhưng không khỏi.

Cuối cùng, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, gia đình biết anh Đức nhiễm HIV. “Lúc nghe tin ảnh bị nhiễm, nói sợ người ta không tin chứ mình bình thường lắm. Mình thương anh Đức, không hề nghĩ sẽ xa lánh ảnh” - chị Ngân kể lại cảm giác lúc ấy.

Đến khi bệnh tình trở nặng, anh Đức từ hơn 60kg sụt còn 38kg, cả gia đình đều nghĩ anh khó qua khỏi. Chỉ có chị Ngân vẫn tin tưởng anh sẽ sống: “Lúc ấy ảnh như cái xác khô. Bác sĩ cũng nói hi vọng sống chỉ 20%. Nhưng mình không suy sụp. Mình nghĩ kiếm cách nào chữa bệnh cho chồng”.

Thế là chị chạy ra một bệnh viện ở quận Tân Bình để lấy thuốc kháng HIV ARV cho anh uống. “Lúc đó anh Đức đau đớn lắm, bác sĩ nói bây giờ chỉ có một cách là lên Bình Thạnh lấy thuốc giảm đau. Mình bảo bác sĩ cứ để con đi, con cố được lúc nào hay lúc đó”.

Mỗi tuần chị lại chạy từ quận Tân Bình lên quận Bình Thạnh để lấy thuốc về cho chồng uống giảm đau. “Ban đầu người ta không tin, nghi mình lên lấy thuốc về cho người bị nghiện uống nên chỉ đưa mỗi lần một viên. Cứ cách hai, ba ngày mình phải nghỉ làm một bữa, đi suốt gần ba tháng trời” - chị nhớ lại.

Chị Ngân nói nhiều lúc quên mất chồng mình đang bị nhiễm HIV, cứ tưởng anh là người bình thường như bao người khác. “Nhiều khi ảnh bị trầy xước, nhắc coi chừng máu, mình mới sực nhớ, chứ không cũng quên luôn”. Chị nói cái cách sống không phân biệt đối xử đó giúp anh Đức không suy nghĩ nhiều về căn bệnh của mình, có niềm tin hơn.

Cũng như chị Ngân, chị Trần Thị Phương, 27 tuổi, đã gạt bỏ cảm giác xa lạ, cách biệt để dang rộng vòng tay yêu thương, chăm sóc cho chồng mình là anh Đoàn Văn Thương (một nhân vật đã vươn lên nhờ vay vốn của dự án). “Hồi đầu nghe mình bị choáng, về mất ngủ cả đêm, tưởng tượng cảnh quá khứ của ảnh - chị Phương kể lại lần đầu tiên biết anh Thương từng là con nghiện - Rồi mình nghĩ lại, nhớ tới con người hiện tại của ảnh, ảnh đã thay đổi rồi, nên mình gọi sang an ủi, động viên”.

Cũng từ đó, chị vượt qua nỗi sợ của bản thân, chấp nhận yêu và đi đến hôn nhân với anh Thương vào năm 2011. Hiện nay họ đã có một bé gái kháu khỉnh được 5 tháng tuổi. “Lần đầu tiên ảnh tới nhà, gia đình mình đón tiếp rất nồng hậu, vì trước khi ảnh đến mình đã nói rõ với cha mẹ và muốn mọi người đón nhận ảnh”, chị chia sẻ.

Dù mỗi người một tính cách, mỗi gia đình một hoàn cảnh, nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về những điều muốn làm cho chồng mình, cả hai người phụ nữ đều nói họ muốn trở thành người vợ tốt, làm chỗ dựa về tinh thần cho chồng, luôn tạo niềm vui và động viên để chồng không cảm thấy tủi thân. “Mình chỉ muốn vợ chồng sống vui vẻ, với mình sức khỏe anh Đức là trên hết, để còn sống với gia đình”, chị Ngân nhắn nhủ. Còn chị Phương, ở đầu dây bên kia điện thoại, dường như đang nở một nụ cười rất nhẹ và bình yên khi nói với chúng tôi: “Mình tâm niệm dù thế nào đi nữa vợ con cũng sẽ ở bên cạnh anh. Mình tự hứa sẽ động viên ảnh. Mình thương ảnh lắm, nhưng ít nói ra, chỉ muốn làm thôi”.

___________

Kỳ tới: Doanh nghiệp chung tay

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên