24/07/2013 09:52 GMT+7

Cửa đời rộng mở

QUỲNH TRUNG - BÌNH MINH
QUỲNH TRUNG - BÌNH MINH

TT - Cách đây bảy năm, hai chuyến xe buýt từ Trung tâm Giáo dục và dạy nghề Bình Triệu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đưa gần 30 người sau cai nghiện đến làm việc tại Công ty dệt may Đại Việt (Q.Tân Phú).

Sau một thời gian họ lần lượt bỏ đi vì nhiều lý do, chỉ còn bốn người ở lại tiếp tục gắn bó với công ty đến nay, trong số đó có anh N.Đ.C. và chị T.T.H., những người cũng được hưởng lợi từ “dự án HIV nơi làm việc”.

Kỳ 1: Anh thợ máy vui vẻ

v7wxpoED.jpgPhóng to
Một thanh niên thuộc “dự án HIV nơi làm việc” được hỗ trợ học nghề sửa xe máy - Ảnh tư liệu USAID

Những ký ức kinh hoàng

So với độ tuổi 31 và 33, gương mặt anh C. và chị H. đều trông trẻ hơn nhiều. Nhìn ánh mắt tinh anh, tràn đầy sức sống khi trò chuyện với chúng tôi, khó có thể tưởng tượng những gì họ đã trải qua khi vướng vào ma túy, và khi được hỏi họ đều lắc đầu ngao ngán: “Khủng khiếp lắm. Giờ không dám quay lại đâu”.

Năm ấy anh C. 17 tuổi, nghe bạn bè rủ rê, anh thử và nghiện lúc nào không hay.

C. kể lúc đó anh bỏ nhà đi bụi, mỗi ngày lảng vảng ở chỗ mẹ bán tạp hóa xin tiền, lúc 20.000 đồng, lúc 50.000 đồng. Thời ấy số tiền đó không đủ để mua thuốc hít, đêm về C. quơ trộm hết đồ đạc của người ta, từ dép đến quần áo, đến cả ăngten cũng... bẻ. Vào mấy tiệm bán hàng, C. liều mình giật đồ rồi chạy.

Có lần C. bị trận đòn thừa sống thiếu chết: “Lúc đó leo qua nhà người ta lấy quần áo, 4-5 người phát hiện liền xông ra nắm đầu, đá, đập bằng cây, sợ tôi chết mới thả ra cho đi”. C. lết về nhà, được mẹ đưa ra trạm xá băng bó vết thương, nhưng khi vừa thấy trong túi mẹ có tờ 50.000 đồng, anh nhanh tay giật rồi lại bỏ chạy. “Lúc đó bằng mọi giá phải có tiền”, anh lắc đầu nhớ lại.

Cũng như anh C., chị H. bị nghiện năm 2001 khi mới 21 tuổi. Chị cười, bảo lúc đó ghét xì ke lắm, vậy mà quen bạn trai xong bị dụ hít rồi nghiện, cứ phải kiếm anh ta để xin. “Lúc đó cũng không biết gì, chơi cho vui, hút vô ói thấy mồ, từ từ riết không có thì mệt, ngáp, phải đi tìm”, chị kể về cảm giác mà bất cứ con nghiện nào cũng trải qua.

Từ một cô công nhân siêng năng làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận ở quận 7, tháng nào cũng gửi tiền đều đặn về cho gia đình, H. nghỉ, đi làm cho một quán cà phê, tiền gửi về nhà thưa dần rồi mất hẳn, thỉnh thoảng về nhà lấy đồ rồi lại đi.

Liếc nhìn cô con gái mới hơn 4 tuổi đang chạy lăng xăng chơi với bạn, chị H. nhớ lại quãng đường đã qua, không giấu được vẻ sợ sệt trong ánh mắt: “Nghĩ lại khủng khiếp, một năm đổ cả đống tiền vào đó, tiền dành dụm mấy năm đi làm xài hết, vàng đang đeo cũng bán. Có lúc cầm xe đạp được hai ba trăm ngàn, gia đình phải lên chuộc về”.

Tấm lòng cha mẹ

Những tưởng nghiện ngập khiến con người ta luôn bất chấp mọi thứ. Thế mà lại có những khoảnh khắc đủ “đau” để kéo họ quay trở về, quyết tâm làm lại từ đầu. Đó là những lúc nhìn giọt nước mắt của đấng sinh thành và nỗi đau của gia đình do chính mình gây ra.

“Lúc bị bắt vào Bình Triệu, nghĩ chắc gia đình bỏ rơi mình, nằm gần 10, 11 ngày bữa nào cũng khóc. Lúc đó tuyệt vọng vô cùng”. Nhớ lại hình ảnh sau 20 ngày chờ đợi mòn mỏi tại trung tâm cai nghiện, nghe đọc tên có người đến thăm nuôi, C. “hết hồn chạy ra, thấy mẹ đang đứng chờ, hai mẹ con ôm nhau khóc” - anh kể lại vanh vách như thể ký ức ấy đã in sâu trong trí nhớ mình.

C. nói lúc anh bị bắt, gia đình cũng không biết tin. Chỉ khi mẹ thấy anh “mất tích” lâu quá, một mình bà đi khắp nơi tìm con, đến hết các trung tâm cai nghiện mà vẫn không gặp, tới khi nghe có người chỉ qua Bình Triệu.

“Tôi không dính tới ma túy thì mẹ cũng không ra nông nỗi như hôm nay, gia đình cũng không tan nát (mẹ anh bị tai biến mạch máu não, cha mất năm 2005). Tội nghiệp mẹ buôn bán, gom tiền đi thăm” - anh trải lòng nói về cảm giác hối lỗi sau mọi việc.

Tấm lòng của người cha, người mẹ chính là điều kỳ diệu đã kéo cả anh C. lẫn chị H. quay về làm lại cuộc đời. “Mỗi lần đi thăm tôi hết 200.000 đồng. Mẹ thì bán trái cây quá vất vả, còn cha lớn tuổi, không làm ra tiền, đi cà nhắc vô thăm...” - chị H. chia sẻ động lực khiến chị làm lại cuộc đời.

H. lặng lẽ ngoái đầu nhìn cha, nói hồi còn nghiện, tết chị về nhà lấy đồ rồi tính đi tiếp, cha đã chặn lại không cho chị đi và còn khóc. Mồng 1, mồng 2 tết, cha lủi thủi đi kiếm chị về. Lúc biết chị vẫn cương quyết đi, cha còn gói lạp xưởng để chị mang theo. Bây giờ cha đã cao tuổi, lại bị tai biến mạch máu não, yếu đi nhiều, nhưng hình ảnh của người cha năm xưa có lẽ vẫn không phai trong tâm trí chị H..

Đường về rộng mở

Hiện tại, cả anh C. và chị H. đều làm công nhân Công ty dệt may Đại Việt. Được bình chọn là một trong các doanh nghiệp đã tích cực tham gia dự án “Hỗ trợ việc làm và dự phòng HIV nơi làm việc cho người có nguy cơ cao tại Việt Nam” của USAID, Công ty Đại Việt có nhiều chính sách nhân đạo dành cho người có HIV và sau cai, tạo điều kiện cho họ có cơ hội đi làm và hòa nhập xã hội.

“Đây là công việc chính đầu tiên của tôi, cũng là nơi làm lại con người tôi. Mình phấn đấu đi lên, được bạn bè đối xử hòa đồng, tin tưởng xem trọng, không phân biệt đối xử. Lúc mẹ bệnh còn được mọi người quyên góp hỗ trợ. Môi trường làm việc rất thoải mái, không có gì phải phiền lòng” - anh C. chia sẻ về nơi đã dang tay đón chào mình sau khi hồi gia từ Trung tâm Bình Triệu.

Bên cạnh công việc điều chuyền, mỗi ngày làm từ 7g30-17g30, anh C. còn nhận thêm việc bốc xếp hàng hóa sau giờ làm để kiếm thêm thu nhập. “Mình phấn đấu đi lên, bạn bè đối xử hòa đồng, chơi giỡn vui vẻ bình thường, còn đi ăn chung. Bây giờ ở nhà cũng hết giận rồi, chủ nhật về nhà dì chơi, họ đón tiếp niềm nở lắm. Đó là niềm hạnh phúc của mình, cứ nghĩ là bị bỏ rồi” - anh C. tươi cười kể về những tình thương mà anh nhận được từ công ty, người thân trong những ngày đầu làm việc.

Lúc chúng tôi nói chuyện với chị Diệp Thị Hằng Nga, phó giám đốc công ty, chị cứ khen cô công nhân H. làm giỏi, rất siêng năng, chịu khó. Đến lúc nghe chị H. giải thích: “Người ta may mấy trăm (sản phẩm), mình nhờ quen tay may tới gần 1.000. Nhiều khi tăng ca tới 1.200-1.300”, chúng tôi mới bất ngờ trước khả năng làm việc của chị. Hỏi chị đi làm có vất vả không, chị bảo: “Việc nào mà chẳng cực. Tôi nghỉ ở nhà được vài bữa là lại muốn đi làm” rồi cười.

Cũng như anh C., chị cảm thấy mình may mắn khi làm ở Công ty Đại Việt vì được đào tạo, đi học cách phòng ngừa HIV, giúp ích cho mình và kể cả những người xung quanh rất nhiều, lại được đồng nghiệp đối xử bình đẳng, còn những người lớn tuổi xem chị như con cháu. “So với cuộc sống hồi 21 tuổi, tôi đã tìm lại được chính mình, thật hạnh phúc. Lúc đó ít ở chung với gia đình, giờ về sống chung mới biết thương cha thương mẹ” - chị H. tâm sự, ánh mắt thoáng buồn khi nhìn cha mẹ già đã vất vả quá nhiều vì mình.

“Tôi được nhận bằng khen công nhân xuất sắc, công nhân chuyên cần hồi năm nay. Xong việc là chạy về nhà với con”, chị H. tự hào chỉ tôi cái bằng khen treo trang trọng trong ngôi nhà tuềnh toàng mà chị sống cùng cha mẹ và các anh chị em. Thỉnh thoảng con chị lại chạy đến bên mẹ, ôm mẹ, đòi uống nước, hay lại nũng nịu bảo “mẹ ơi con đói”. Chị bảo làm ra bao nhiêu tiền đều để dành mua sữa, mua đồ cho con.

Sau những dông bão hôm qua, giờ đây cả anh C. và chị H. đều đã tìm lại được rất nhiều thứ mình vô tình đánh mất trong phút lầm lỡ. Trong tương lai, anh C. nói muốn ổn định chỗ ở, chỗ làm, rồi đón mẹ về lo cho, chuyện cưới xin thì “không năm nay cũng năm sau”. Còn chị H., quay sang nhìn con gái đang tung tăng đùa giỡn, nói đã hài lòng với cuộc sống hiện tại. “Giờ chỉ muốn có người lo phụ giúp con cái, có người lo chở con đi học” - chị nói trong hi vọng.

_________________

Kỳ tới: Doanh nghiệp chung tay

QUỲNH TRUNG - BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên