Phóng to |
Chàng trai trẻ Thiên Ân trong trại “gà nghe nhạc” của mình - Ảnh: Ngọc Hậu |
Bỏ qua cơ hội nhận học bổng du học Pháp ngành công nghệ sinh học, chàng cử nhân 23 tuổi Nguyễn Duy Thiên Ân đã ở lại VN để trở thành ông chủ trại nuôi gà lấy trứng có hàm lượng Omega-3.
Gà đẻ nhiều, trứng tốt nhờ nghe nhạc
Chúng tôi bước vào trại gà của Ân ở Trảng Bom, Đồng Nai và đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Trong cái nóng hầm hập của những ngày nắng hạn, trại gà của Ân được làm mát bằng nước với hệ thống hút đẩy để không khí tuần hoàn luân chuyển khiến nhiệt độ luôn giữ ở mức 25-260C. Điều đặc biệt là tiếng nhạc giao hưởng du dương cùng với tiếng kêu túc túc của đàn gà 5.000 con khiến trại gà gần 1.000m² biến thành một “nhà hát lớn”.
Nhìn tám cái loa được thiết kế chạy dọc chuồng gà và hệ thống thu phát âm thanh hiện đại cho thấy Ân rất nghiêm túc với ý tưởng này. Chuồng gà của Ân được thiết kế hệ thống cuốn bạt hai bên để tưới vi sinh phân hủy phân gà. Mỗi tuần phân gà được dọn một lần nên không có mùi hôi thối như chuồng gà thông thường.
"Nhạc giao hưởng không chỉ giúp đàn gà giảm stress mà còn giúp nhân công lao động làm việc thoải mái hơn để hoàn thành công việc tốt hơn trong môi trường này" Nguyễn Duy Thiên Ân |
Bắt đầu từ 5 giờ sáng, khi đàn gà vừa thức thì anh cho mở đèn và bật “dàn nhạc giao hưởng” lên để phục vụ cho chúng đến 17 giờ. Ân cho biết: “Tôi đã thử nghiệm nhiều loại nhạc khác nhau như pop, rock nhưng đàn gà từ chối, chúng chỉ chấp nhận nhạc giao hưởng mà thôi. Khi nghe pop, rock hoặc nhạc khác, đàn gà tỏ vẻ nhớn nhác không yên, nhưng khi mở nhạc giao hưởng của Beethoven và Mozart đàn gà mới trở lại nhịp sống dễ chịu bình thường.
Đặc biệt, sau khi cho gà nghe nhạc giao hưởng, thống kê lại thì thấy sản lượng và chất lượng Omega-3 trong trứng gà đều hơn và tăng lên 5-6% so với trước khi cho nghe nhạc.
Học và hành
Tháng 2-2012, Ân làm luận văn tốt nghiệp đại học ngành công nghệ sinh học (Trường đại học Văn Lang) với đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng tỉ lệ thức ăn đến hàm lượng Omega-3 trong trứng gà”. Và cơ duyên bắt đầu từ đấy. Để thực hiện đề tài này, Ân phải nuôi 35 con gà trong phòng thí nghiệm của Viện Sinh học nhiệt đới để lấy trứng. Trong vòng bốn tháng nghiên cứu, ngày nào Ân cũng phải đến phòng thí nghiệm để cho gà ăn, ghi chép tỉ lệ thức ăn hợp lý để gà đẻ trứng có hàm lượng Omega-3 cao. Đến tháng 6-2012, kiểm định từ Công ty Dịch vụ khoa học - công nghệ và cả Trung tâm Đo lường chất lượng 3 đã cho kết quả đề án của Ân thành công ngoài mong đợi.
Những ngày cuối tuần không nghỉ ngơi, những buổi trưa đùm cơm vào phòng thí nghiệm ăn chung với đàn gà là một trải nghiệm thật sự khiến Ân kiên quyết biến đề án của mình thành hiện thực. Đây cũng là đề tài mà Viện Sinh học nhiệt đới đã nghiên cứu bước đầu, nên khi nghiên cứu thành công toàn bộ quy trình, Ân đã bỏ tiền ra mua luôn bản quyền để sản xuất trứng gà Omega-3 thương phẩm vì quyết chí đưa đề tài từ phòng thí nghiệm ra thực tiễn.
Để đầu tư cho trại gà 5.000 con, Ân phải đi khắp nơi thuyết phục, huy động mọi người vay mượn số vốn gần 2 tỉ đồng. Trước tâm huyết của một người trẻ tuổi dám nghĩ dám làm, nhiều người đã bị thuyết phục. Được sự tin tưởng tuyệt đối của những người góp vốn, tháng 10-2012 Công ty Omega Minh Ân ra đời. Ít lâu sau đó, công ty đã đưa ra thị trường trứng gà có chứa hàm lượng Omega-3. Trứng đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đồng Nai chứng nhận đạt chất lượng tiêu thụ trên thị trường.
Bỏ qua du học
Sau khi Ân nghiên cứu thành công đề tài này và quyết định đưa vào ứng dụng thực tiễn thì một trường đại học bên Pháp đã đồng ý cấp học bổng toàn phần cho Ân. Hết sức khó khăn khi Ân phải quyết định lựa chọn giữa đi du học và ở lại... nuôi gà đẻ. Ba mẹ và người thân của Ân rất kỳ vọng vào việc du học của anh nên khi biết Ân có ý định không đi du học để nuôi gà thì gia đình anh phản đối. Tuy nhiên, cho tới giờ này quyết định ở lại VN của mình đến nay vẫn được Ân cho là lựa chọn đúng đắn.
Được hỏi có luyến tiếc gì với việc bỏ lỡ cơ hội du học, thay cho câu trả lời Ân cười sảng khoái nói: “Tôi muốn đứa con tinh thần của mình được sinh ra và phát triển tốt. Nếu không thực hiện dự án nuôi gà đẻ trứng Omega -3 thì tập luận văn của tôi sẽ mãi là luận văn trên giấy”.
Trứng gà Omega-3
Omega-3 là một loại axít béo thiết yếu, cơ thể không thể tự sản xuất mà phải nhờ nguồn thực phẩm bên ngoài cung cấp, trong đó hai axit béo là DHA, EPA... Để sản xuất loại trứng gà Omega-3, Ân phải tự pha trộn thức ăn theo công thức đã được nghiên cứu gồm các loại hạt, tinh dầu, dầu cá và đặc biệt là vi tảo biển... để gà hấp thu và tạo trứng có hàm lượng DHA, EPA... tốt cho trí não. Hiện một số công ty muốn nuôi gà đẻ trứng Omega-3 phải nhập thức ăn được chế biến từ nước ngoài về chứ không như Ân. Anh có hẳn một quy trình từ chế biến đến chăm sóc cho ra trứng thương phẩm Omega-3.
Hiện mỗi tháng trung bình trang trại gà của Ân xuất ra thị trường 120.000 trứng. Trứng gà Omega-3 được làm sạch bằng ozon, đóng dấu, chiếu tia cực tím diệt khuẩn và đóng vỉ. Do quy trình chăn nuôi phức tạp và chi phí đầu vào nhiều nên giá trứng gà Omega-3 bán ra khá cao, giá bán lẻ ngoài thị trường gần 5.000 đồng/trứng. “Hiện nay, nhiều người tiêu dùng đã dần quen sử dụng trứng gà Omega-3. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục làm thêm trại gà mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường” - Ân tự tin cho biết kế hoạch của mình.
Âm nhạc có thể có tác dụng tăng năng suất trong chăn nuôi “Việc nuôi gà lấy trứng giống với nuôi bò lấy sữa vì hai vật nuôi này rất dễ bị tác động ngoại cảnh. Việc cho gà nghe nhạc nhẹ, êm tai sẽ làm dịu thần kinh của chúng, và trong trường hợp này gà sẽ cho năng suất trứng cao hơn so với bình thường” - thạc sĩ Nguyễn Kim Cương, khoa chăn nuôi ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết. Còn phó giáo sư - tiến sĩ Trần Minh Tâm, trưởng khoa công nghệ sinh học Trường đại học Văn Lang, bảo: “Âm nhạc có ảnh hưởng nhất định đối với động vật, nhất là gà, một sinh vật nhạy cảm với âm thanh. Trên thực tế, Nguyễn Duy Thiên Ân đã thử nghiệm cho gà nghe nhạc giao hưởng và kết quả phát hiện được năng suất tăng hơn so với trước. Tuy nhiên, để ứng dụng vấn đề này nhằm tăng năng suất thì cần phải có quá trình nghiên cứu khoa học”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận