27/02/2013 10:24 GMT+7

Khi quà vặt... buffet

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Không nằm ngoài phố lớn, cũng không phải nơi tập trung học sinh, sinh viên nhưng Buffet (tự chọn) Vặt Hà Nội (khu tập thể Giảng Võ, Hà Nội) lại rất đông khách, nhất là buổi trưa và chiều muộn.

Khách đến với Vặt rất đa dạng, nhưng đông nhất vẫn là lứa tuổi mới lớn. Họ đến với Vặt bởi với 65.000 đồng là có thể ăn thỏa thích các món quà vặt của Hà Nội.

bgOxGi5U.jpgPhóng to
Khách hàng chọn món trong quán Buffet Vặt ở khu nhà Giảng Võ, Hà Nội - Ảnh: H.Điệp

Gom quà vặt về một mối

Tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội chuyên ngành báo chí, Nguyễn Phương Mai (sinh năm 1987) cho biết đã có thời gian dài đi viết báo nhưng có vẻ công việc làm báo không khiến Mai thích thú. “Suốt ngày đi phỏng vấn mấy nghệ sĩ với những câu hỏi giống nhau khiến tôi thấy thật nhàm chán nên quyết định kinh doanh”.

Yêu thích công việc ăn uống của Hà Nội nhưng khi mở cửa hàng bán cà phê và mì Ý chưa được bao lâu thì phải đóng cửa bởi “mình thấy người ta làm ăn được nên cũng hớn hở làm theo. Nhưng rõ ràng nó không phải là ý tưởng của mình nên không thể tâm huyết được, cho đến khi quyết tâm thực hiện ý tưởng về một cửa hàng tự chọn những món quà vặt của Hà Nội”.

Thất bại ngay trong lần đầu tiên kinh doanh đồ ăn uống khiến Phương Mai phải nghĩ đến cách khác để tiếp cận thị trường. Cô sang Quảng Châu (Trung Quốc) lấy quần áo về mở shop nhỏ. “Một năm đầu làm ăn tốt lắm, nhưng năm vừa qua thì thật thê thảm. Thấy tôi cứ buồn rầu về việc buôn bán, mẹ tôi bảo hay đi làm công chức đi. Nhưng nghĩ cho cùng, tôi thấy có một câu nói rất hay: được làm điều mình thích có nghĩa là cả đời chả phải làm gì”.

Nghĩ vậy, Mai rủ rê mấy người bạn hùn hạp làm một quán chuyên bán đồ ăn vặt. Đồ ăn vặt của Hà Nội nhiều và ngon, nhưng muốn ăn bánh gối phải lên Lý Quốc Sư, muốn ăn hoa quả dầm cũng lên Lý Quốc Sư, muốn uống trà chanh phải lên Đào Duy Từ... Nhiều khi những cô cậu sinh viên, học sinh chỉ có một khoảng thời gian nhất định lại muốn được ăn nhiều thứ mà cứ chạy xe lòng vòng thì quá mệt. “Sao mình không gom mọi món quà vặt lại một chỗ rồi bán với giá... vặt? - Mai nghĩ vậy rồi rủ hai người bạn góp vốn - Xắn tay vào làm rồi mới biết ti tỉ thứ phải lo”. Những ngày đầu Mai phải dậy thật sớm đi chợ mua thực phẩm. Mẹ tuy không hài lòng với việc con gái được học hành đầy đủ mà lại suốt ngày dầu mỡ và bưng bê, nhưng khi thấy con vất vả có bao nhiêu món ăn “tủ” bà dạy hết. Từ cách nấu chè đến bún riêu hoặc nấu nồi xúp sao cho ngon. Mấy ngày đầu thưa vắng nhưng sau thì đông khách hơn, Mai thuê người nấu nướng và phụ việc nên công việc của Mai cũng nhẹ bớt.

Thừa nhận mở ra buffet vặt chỉ bởi hai cửa hàng quần áo bán không được. “Kinh tế khó khăn khiến việc mua sắm trang phục giảm đi trông thấy. Có những ngày không bán được chiếc áo nào nhưng người ta vẫn phải ăn, nhất là những món ăn đơn giản và không quá tốn kém”. Thế là Buffet Vặt ra đời lần đầu tiên tại Hà Nội với giá tiền 65.000 đồng và 50 món ăn được lựa chọn.

YmLwzBW6.jpgPhóng to
Yến Linh, nhân viên quán Buffet Vặt Hà Nội, làm phở cuốn phục vụ khách - Ảnh: H.Điệp

“Tôi chọn quà vặt”

Nhí nha nhí nhố và luôn luôn vui đùa là các cô cậu học trò còn nguyên đồng phục tìm đến quán Vặt. Chiều đầu năm quán đông khách quá, đến cả chỗ đứng chờ cũng không còn nên các bạn đã bắt đầu thiếu kiên nhẫn: Chị ơi, bao giờ thì có chỗ ngồi đấy, cứ đứng dưới mưa thế này mãi à? Chị ơi, em đứng 15 phút rồi hay là đưa em mấy cái ghế để em ngồi ngoài sân luôn vậy?

Quán đông khách, nhân viên phần lớn đều là các sinh viên đi làm thêm tất bật làm thức ăn cho nóng, lại tất bật mang đồ ăn vào cho khách, cả hai gian phòng đều chật cứng và không có chỗ ngồi khiến khách phải chờ lâu. “Thật ra 65.000 đồng so với túi tiền học trò cho một lần ăn thì quá nhiều nhưng không phải là quá đắt, bố mẹ cũng cho tiền tiêu vặt chứ” - một bạn học sinh vừa chọn đồ ăn vừa trả lời khi được hỏi cảm nhận về quán.

Tuy nhiên cũng bởi mới làm, lại có tới mấy chục món ăn vặt để giới thiệu nên không phải món nào cũng ngon và hấp dẫn: “Ví dụ món bún riêu thì mẹ dạy nấu nên rất ngon, hay sữa đậu nành cũng được mẹ hướng dẫn cách làm sao cho sữa không có cặn mà vẫn thơm ngon, nhưng còn nhiều món khác thì khách hàng cũng chê: Sao ở đây nhiều mà không có món gì đặc sắc vậy? Sao bánh gối ở đây không ngon bằng Lý Quốc Sư?... Nhưng khi mở ra một mô hình kinh doanh mới, lại vừa làm vừa học nên việc không hài lòng tất cả khách hàng cũng không khó hiểu.

Không chỉ có các cô cậu học trò thích ăn vặt mà còn rất nhiều công chức cũng thèm ăn vặt. “Với 65.000 đồng mà được ăn thỏa thích các món từ mặn đến ngọt, từ đồ uống đến đồ rán thì thích quá đi chứ. Chắc chắn lần sau em sẽ rủ bạn đến nữa” - Nguyễn Thị Hiền, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc lần đầu tiên tìm thấy Buffet Vặt trên Facebook và đến ăn - đã nói như vậy.

Với doanh số chừng 300 lượt khách/ngày, Buffet Vặt Hà Nội hằng ngày vẫn bổ sung những món ăn mới theo góp ý của thực khách. “Đôi khi không phải vì đói mà chỉ vì được nhâm nhi những món ăn mình từng rất thích thôi. Nếu có những món ăn giản dị như ngô bung, sắn luộc, khoai luộc thì hay quá. Nó cũng là những món ăn yêu thích của rất nhiều người” - chị Đặng Thu Thủy (Q.Cầu Giấy) góp ý với chủ hàng.

Nhiều người làm theo

Sau chưa đầy bốn tháng ra đời, mô hình buffet quà vặt đã kịp thời được giới thiệu ở nhiều nơi khác nhau: Ngon Vặt (gần Trường ĐH Lao động xã hội) có món tủ là thịt nướng, Buffet Tám (ven đường Hồ Đắc Di) có món khoai lang luộc và Buffet Vặt ở sát địa điểm đầu tiên có món bánh trôi nước, bánh trôi tàu...“Thành công của Buffet Vặt Hà Nội khiến nhiều người thấy mô hình này có thể kinh doanh được nên họ làm theo. Nhưng với vài chục món ăn, tuy có vẻ đơn giản song để khách cảm thấy ngon và trở lại thì không dễ”- Phương Mai nói.

Thừa nhận mình “ăn theo” khi mở ra quán buffet vặt ở ngay cùng khu tập thể Giảng Võ, sau khi quán lẩu của mình kém khách hẳn, Bùi Tiến Lượng (29 tuổi) - chủ cửa hàng bán đồ ăn vặt mang tên Buffet Vặt - đã giảm giá bán còn 59.000 đồng/suất ăn. Tuy nhiên, bởi ra sau mà mọi nguồn hàng không được chuẩn bị kỹ và chu đáo nên quán của Lượng khá ít món ăn và vắng khách. Vừa vớt bánh trôi nước trong nồi nấu và đặt vào từng chiếc đĩa bé tí xíu, Lượng nói: “Nếu đi mua tất cả những thứ này thì không còn lãi nữa. Bởi vậy rất nhiều món chúng tôi đi ăn rồi tự học hỏi người ta cách làm, hoặc lên mạng tìm kiếm cách làm. Đi sau thì phải chấp nhận khó khăn hơn”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: “Có ai đi chợ giùm tôi với!” Kỳ 2: Học đủ thứ tại nhà Kỳ 3: Gặp mình qua... tượng Kỳ 4: Cho thuê “văn phòng ảo” Kỳ 5: Đô thị và 1.001 dịch vụ mới lạ Kỳ 6: Cho thuê... nữ trang ngày cưới Kỳ 7: Xe ôm tính cước, alô là rước Kỳ 8: Biến tấu thú vị cà phê Sài Gòn Kỳ 9: Dịch vụ cho thuê... chú rể

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên