Phóng to |
Thầy Ba chỉ đạo nhân viên châm trị cho bệnh nhân - Ảnh: CHÍ QUỐC |
Vào hẻm 44, khu phố 6 đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), phòng khám của ông là một dãy nhà xây tường khang trang, thoáng mát, diện tích chừng 120m2.
“Tụ điểm” của bệnh nhân nghèo
Bác sĩ Võ Tấn Hưng, chủ tịch Hội Đông y TP Cần Thơ, cho biết: “Tinh thần “phục dược” vì người nghèo của anh Ba rất đáng kính trọng. Phương pháp châm trực dược của anh cho thấy có kết quả rất khả quan. Tôi nghĩ nếu anh Ba làm thành một đề tài báo cáo trước hội đồng khoa học của Hội Đông y VN, sẽ mở ra nhiều triển vọng mới cho phương pháp này”. |
Phòng có khu coi mạch khám bệnh, hốt thuốc, châm trị, phía trước có sân nhỏ để phơi thuốc nam. Ngày nào cũng vậy, phòng khám tấp nập người ra vô, đa số là nghèo khó. Đầu tiên, bệnh nhân tới ngay ông để coi mạch, đo huyết áp.
Ông ghi mảnh giấy chuyển qua phòng châm trị, kỹ thuật viên châm xong thì qua chỗ hốt thuốc, đem về sắc uống. Ông Lưu Văn Hai (68 tuổi, nông dân ở Cái Răng, TP Cần Thơ) cho biết: “Tui đau thần kinh tọa ba năm rồi, không tiền đi bệnh viện nên đến đây. Thầy Ba hốt thuốc không lấy tiền mà bệnh cũng đỡ lắm. Dân nghèo vùng này biết tiếng ông nên có bệnh cứ vô. Ai ở cả ngày cũng được bao cơm luôn”.
Ở khu châm trị, cả mười giường đều có đủ người, mỗi giường có một châm trị viên phục vụ tận tình. Bà Huỳnh Thị Mai - châm trị viên - kể: “Tui 71 tuổi rồi, con cháu lớn hết nên vô mần “thí công”. Mỗi ngày nhận được 30.000 đồng gọi là tiền xe chớ không lương bổng gì. Làm phước mà! Người bệnh vô đây tội nghiệp lắm. Nghèo mà mắc cái eo, toàn bệnh dữ không hà: tai biến, vôi cột sống, cụp lưng, thần kinh, đau khớp... thôi thì đủ thứ. Những bệnh này toàn mãn tính, nếu vô bệnh viện hoặc trị thuốc tây thì tiền đâu chịu nổi. Vì vậy mà bà con nghèo tìm tới đây, hầu hết là dân Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang... Mỗi ngày hốt 500-700 thang thuốc”.
Châm trực dược
Bệnh nhân được thầy Ba áp dụng phương pháp mới là “châm trực dược”. Có nghĩa châm trực tiếp vào nơi bệnh (gọi là A - Thị - Huyệt) để kích thích cơ, gân, tạng phủ hoạt động phục hồi chức năng của nó. Phương pháp châm là dùng hai chiếc đũa sắt, đầu quấn bông gòn tẩm thuốc rượu đặt lên chỗ đau nhức, cho hai dòng điện âm dương chạy vô chỗ đó hoặc huyệt đạo cần thiết.
Thầy Ba kể: “Phương pháp này tôi học được của nhà sư Thích Bình Tâm ở thiền viện Thường Chiếu (Long Thành, Đồng Nai) năm 1991. Nhân chuyến đi Nhật, thấy bên đó trị hiệu quả nên thầy đem về áp dụng, truyền lại cho tui gần 20 năm nay”.
Một trong những “khách hàng” thường xuyên của phòng khám là ông Nguyễn Thành Phố, 85 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ông bị thần kinh tọa hơn 30 năm qua, di chứng do bị địch bắt, tù đày và tra tấn dã man thời kháng chiến. Trị giáp hết các bệnh viện lớn nhỏ, bác sĩ “chê”, nói ông sống giỏi lắm là 2-3 năm nữa.
Ông tìm thầy Ba chữa trị, giờ đã 13 năm mà vẫn chưa thấy... chết. “Đi riết đâm ghiền - ông cười sảng khoái - Nếu không có phòng khám này chắc tui chết từ tám kiếp”.
Còn ông Nguyễn Văn Minh (52 tuổi, ở Kinh Cùng, Hậu Giang, bị tai biến mạch máu não năm 2005) kể: “Con tui đưa vô bệnh viện nằm hết sáu tháng, sau đó liệt nửa người. Biết chỗ thầy Ba nó chở qua đây, lúc đó tay chân co quắp. Nhờ châm trực dược mỗi ngày mà nay đã cử động được. Tui dần hồi phục, một năm sau tự đi đứng được”.
Tâm nguyện giúp người
Thầy Ba vốn là nông dân miệt Phú Thứ (Cái Răng, Cần Thơ). Năm 1988, ông bắt đầu làm từ thiện với Hội Chữ thập đỏ phường Cái Khế bằng việc bắc cầu, làm đường, sưu tầm thuốc nam, lập trại hòm từ thiện giúp đỡ người nghèo.
Năm 1991, nhờ duyên may, ông gặp thầy Thích Bình Tâm xuất gia về Cồn Khương trị bệnh cho dân nghèo. Ông đến xin học nghề, sau đó mời thầy Tâm cùng chữa bệnh ở phường Cái Khế. Thiếu phòng ốc, ông vận động đoàn thể phường giúp mặt bằng, cất lên phòng thuốc rộng 28m2. Để có nguồn thuốc, ông nhờ anh em trong tổ từ thiện qua Ba Thê, núi Cấm (An Giang) sưu tầm đem về. Biết ông làm từ thiện nên mọi người sẵn lòng góp sức, “đông tay vỗ nên kêu”.
Nhờ mát tay và chữa bệnh không tốn tiền nên bà con nghèo tìm đến ngày càng đông. Lúc đầu chỉ 5-7 người, sau tăng lên 20-30 người/ngày. Họ là những nông dân lam lũ, bác chạy xe ôm, chị buôn bán nhỏ, cả những bác cán bộ về hưu... Chủ yếu để giảm cơn đau cơ, nhức xương của bệnh nghề nghiệp hoặc tuổi già.
Năm 1993, thầy Tâm giao tổ thuốc lại cho ông Ba coi sóc. Để nâng cao tay nghề, ông tham dự khóa học “Hỗ trợ kiến thức đông và tây y” do Viện Y học dân tộc tỉnh Cần Thơ tổ chức. Suốt ba năm liền, ông vừa học vừa làm, vừa nghiên cứu điều trị kết hợp giữa đông và tây y.
Ông tâm sự: “Môi trường ngày càng ô nhiễm, bệnh tật cũng ngày càng biến hóa hơn, nếu không cập nhật thông tin sẽ tụt hậu, chữa bệnh không kết quả”. Ông dò dẫm rút tỉa cái hay của đông và tây y, bổ trợ nhau để giúp bệnh nhân mau lành và ít tốn kém. Thuốc nam thay thế thuốc tây được thì ông dùng cho rẻ tiền. Cấp bách lắm mới phải dùng thuốc tây. Ông chia sẻ: “Thuốc tây dễ gây tác dụng phụ. Thuốc nam tuy hiệu lực chậm nhưng hiệu quả lâu dài, không lo bị phản ứng phụ”.
Nhân rộng những tấm lòng
Những ngày đầu thành lập, tổ thuốc nam đã không nhận tiền vì tôn chỉ mục đích là miễn phí. Tuy nhiên, bà con nghĩ ra cách lập thùng từ thiện để ai muốn ủng hộ thế nào tùy hỉ. Mỗi người bỏ vô năm ba ngàn, mười ngàn đồng mỗi lần khám. Nhờ đó cũng có chút đỉnh tiền mua thêm thuốc, trả tiền xe.
Người nghèo không có tiền thì đóng góp ngày công giúp việc hoặc vô ruộng vườn hái thuốc đem về. Người khá hơn thì bỏ vô vài ba chục, thậm chí có người vài trăm ngàn đồng ủng hộ bệnh nhân nghèo. Để tách bạch tiền nong, thầy Ba thành lập bộ phận tài vụ riêng coi sóc việc thu chi. Hằng tháng đều có công khai minh bạch.
Về đội ngũ, thầy Ba cũng đào tạo, tập huấn nghiệp vụ hệt như cơ sở khám chữa bệnh thực thụ. Do làm từ thiện nên nhân viên ở đây đều là người tình nguyện. “Họ chính là những bệnh nhân được chữa khỏi tại đây - ông kể - như chị Trần Thanh Hương, vốn là bệnh nhân của tôi. Chị bị thần kinh tọa, gai vôi cột sống, suy nhược cơ thể, chữa nhiều nơi không hết. Tới đây chữa, chị hết bệnh. Chị tình nguyện ở lại phụ giúp thí công, giúp lại người bệnh khác. Hoặc chị La Thị Mỹ Châu bị khối u nhũ vô đây trị hết, chị muốn trả ơn bằng cách làm từ thiện. Hai chị đã phục vụ như vậy hơn mười năm nay rồi”. Ông cho biết đã có 30 người từng là bệnh nhân trở thành châm trị viên hoặc phục dược viên, với tâm nguyện “nhân rộng những tấm lòng” để đền đáp những tấm lòng.
Năm 1998, tổ thuốc nam “nở nồi”, bệnh nhân tăng cả trăm người/ngày. Thời may, Tổ chức Schmitz Stiftung (CHLB Đức) cảm kích lòng từ thiện của ông nên hỗ trợ kinh phí 29.500 mark mua khu đất rộng 120m2, xây lên ba phòng, một trệt, một lửng, có sức chứa mười giường như hiện nay.
Tháng 2-2012, nền phòng khám bị ngập nước, tổ chức này lại hỗ trợ 1.150 euro, các mạnh thường quân góp thêm đủ số tiền hơn 40 triệu đồng nâng cao nền phòng. Từ đó thầy Ba có thêm điều kiện mở rộng vòng tay đón tiếp bệnh nhân nghèo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận