31/10/2012 09:42 GMT+7

Đất về lại với dân nghèo

TẤN THÁI - NGUYỄN TRIỀU
TẤN THÁI - NGUYỄN TRIỀU

TT - Gần 1.000ha đất nông nghiệp vùng tứ giác Long Xuyên được UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi của doanh nghiệp để cấp lại cho người dân nghèo.

T0vzQw47.jpgPhóng to

Ông Giang Quang (bìa trái) - phó chủ tịch UBND huyện Hòn Đất, Kiên Giang - trao quyết định cấp đất cho người dân nghèo - Ảnh: Ngọc Tân

Gần 1.000ha đất nông nghiệp vùng tứ giác Long Xuyên đã được UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi từ các doanh nghiệp và cấp lại cho dân nghèo đang sẵn sàng cho vụ mùa đông xuân tới.

Trở lại một số xã ở hai huyện Hòn Đất, Kiên Lương thuộc vùng tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang) những ngày này, chúng tôi bắt gặp không khí hồ hởi của những người dân nghèo, gia đình thuộc diện chính sách đang tất bật các khâu giống, phân bón, thuê máy cày... cho một vụ mùa “lịch sử”. Nói là “lịch sử” bởi hầu hết trong số họ đều là lần đầu tiên được làm chủ một mảnh đất, dù từ lúc mới lọt lòng họ đã được gắn cho cái nhãn “nông dân” chính hiệu.

HpXZ9GR6.jpgPhóng to

Sau khi nhận đất, người dân ở Hòn Đất đã tranh thủ san ủi để kịp đón vụ mùa đông xuân tới - Ảnh: N.TRIỀU

Cày trên đất của mình

Mấy hôm nay, ông Trần Văn Bình (ở ấp Kiên Sơn, xã Kiên Bình, H.Kiên Lương) tất bật ngược xuôi liên hệ với chủ máy cày để thuê cày đám ruộng chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân sắp tới. Đây là lần đầu tiên ông được cày trên chính ruộng của mình. “Tui đi bộ đội về lập gia đình đến nay đã hơn 20 năm nhưng chưa có cục đất cắm dùi. Vì cha mẹ anh em đông nên khi tui cưới vợ ra riêng chỉ được cái nền nhà để ở. Hai vợ chồng sống bằng nghề làm thuê, tới mùa vụ thì cắt lúa mướn, thỉnh thoảng hằng năm lại mướn đất ruộng của người dân quanh vùng canh tác. Cuộc sống vì thế chật vật suốt, ba đứa con thì hết hai đứa phải nghỉ học. Nay đã có ruộng để làm, hi vọng cuộc sống sẽ khá hơn”, ông Bình chia sẻ.

"Về nguyên tắc, đất đã cấp cho dân thì bà con có quyền cho mượn, cho thuê, thậm chí chuyển nhượng cho người khác. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp cho mượn, cho thuê đất rồi người ta không trả, xảy ra tranh chấp dẫn tới mất đất. Phương án cho mượn đất để người có điều kiện cải tạo, canh tác rồi sau vài năm lấy lại làm nghe có vẻ hợp lý nhưng có nhiều rủi ro, nhất là những trường hợp tự thỏa thuận"

ông Lâm Hoàng Sa (phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang)

Hiện trên địa bàn H.Kiên Lương đã có hàng trăm hộ dân được xét giao cấp đất. Bà Đỗ Thị Đẹp, một trong những người dân nhận đất tại xã Kiên Bình, cho hay được chính quyền xã xét duyệt vào diện được cấp đất để làm ruộng, bà nửa mừng nửa lo vì không biết mai mốt có thay đổi gì không. “Tháng 4-2012, mấy chú lãnh đạo ấp gửi thông báo cho tui chuẩn bị nhận đất ở doanh nghiệp Tân Ký trước đây. Đêm đó tui ngủ không được. Đến khi bàn giao đất và cắm các trụ đá xác định ranh giới thì tui mừng rơi nước mắt”, bà Đẹp nói.

Cuối tháng 10, trở lại các khu đất của các doanh nghiệp đã bị thu hồi như Khắc Cao, Tân Ký, Xuân Hương trên địa bàn H.Kiên Lương, chúng tôi nhận thấy hiện trạng đất nay đã khác nhiều. Những khu đất trước đây Nhà nước thu hồi giao cho doanh nghiệp làm dự án bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm, đồng ruộng hoang vu nay đã được thu hồi giao cấp cho dân cải tạo để trồng lúa. Một số cánh đồng đã cho thu hoạch và bước đầu đem lại hiệu quả. Chị Nguyễn Thanh Thúy, nhận đất tại vị trí từng giao cho doanh nghiệp tư nhân Khắc Cao, cho biết: “Vụ hè thu vừa rồi tui làm được 5 tấn/ha. Vì trước đây đất bỏ hoang một thời gian, nay mới bắt đầu làm lại nên chưa trúng lắm. Dù vậy gia đình cũng có lúa ăn không sợ đói”.

Tại H.Hòn Đất, nhiều hộ dân nghèo, diện chính sách được cấp đất cũng đang hồ hởi san ủi, xẻ mương, đắp bờ trên mảnh đất vừa nhận để đón vụ mùa đông xuân. Anh Phạm Văn Nở (nhà ở ấp Kênh 9, xã Bình Giang) cho biết gia đình anh có đến tám anh em. Anh Nở kể: “Trước đây ba má tui vào khai phá vùng này, sau giải phóng theo chủ trương của Nhà nước, đất được trưng dụng giao hết cho Công ty Kiên Tài trồng tràm. Vì thế anh chị em tui lớn lên không có cục đất chọi chim”. Gia đình anh tất cả sống bằng nghề làm mướn, trong xóm tùy theo mùa, ai mướn gì thì làm đó, thu nhập chỉ đắp đổi qua ngày. Cách đây ba năm, anh lập gia đình dọn ra riêng và phải thuê 20 công đất cách đó vài cây số để làm ruộng. “Hôm nghe thông báo hai vợ chồng được cấp đất, dù chỉ 1ha thôi nhưng tui bất ngờ và mừng lắm, vì đất này mới là đất của mình”, anh Nở bộc bạch. Sau khi nhận đất, vợ chồng anh đã dốc hết số tiền dành dụm, mượn của anh em, vay thêm 1 triệu đồng với lãi suất 50.000 đồng/tháng, được tổng cộng 8 triệu đồng để thuê máy cày san ủi mặt bằng. Anh cho biết từ vụ đông xuân tới sẽ không làm trên đất thuê nữa mà tập trung chăm bón cho mảnh đất của gia đình.

53QfsMgT.jpgPhóng to

Khu đất của doanh nghiệp Khắc Cao đã thu hồi (vì sang nhượng trái phép) nay cấp lại cho dân sản xuất - Ảnh: T.THÁI

Trả đất về đúng chỗ

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong thời gian từ năm 2004-2008, UBND tỉnh Kiên Giang đã có quyết định và chấp thuận chủ trương cho 19 doanh nghiệp thuê đất để lập dự án đầu tư xây dựng trang trại trồng lúa, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các huyện Hòn Đất, Kiên Lương và thị xã Hà Tiên với tổng diện tích khoảng 3.000ha. Khi được chấp thuận chủ trương cho thuê đất, có 12 doanh nghiệp lập dự án đầu tư, thủ tục thuê đất và được UBND tỉnh ra quyết định cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 1.700ha.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sau khi được giao đất đã không thực hiện đầu tư và sử dụng đất đúng mục đích cam kết. Năm 2011, UBND tỉnh Kiên Giang lập hai đoàn thanh tra tình hình sử dụng đất của các doanh nghiệp này. Kết quả thanh tra phát hiện một số doanh nghiệp không thực hiện đầu tư hoặc chỉ đầu tư một phần và chuyển nhượng toàn bộ diện tích được Nhà nước cho thuê cho tổ chức, cá nhân khác với diện tích hàng trăm hecta. Nhiều doanh nghiệp khác thực hiện đầu tư một phần nhưng chậm tiến độ, một phần diện tích không sử dụng đem cho thuê, cho mượn hoặc để người dân lấn chiếm với diện tích lên đến gần 800ha. Trong khi đó nhiều hộ nghèo tại địa phương không có đất sản xuất, chỉ sống bằng thu nhập từ làm thuê nên đời sống bấp bênh và luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Từ thực tế đó, tỉnh ủy - UBND tỉnh quyết định thu hồi chủ trương, thu hồi toàn bộ hoặc phần diện tích không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích của các doanh nghiệp để cấp cho dân nghèo, các hộ diện chính sách, các hộ bị giải tỏa phục vụ các dự án công cộng nay không còn đất canh tác.

Ông Lê Văn Hiền - phó trưởng Phòng tài nguyên và môi trường H.Kiên Lương - cho biết huyện đã thực hiện việc giao đất cho người dân không đất, thiếu đất sản xuất trên địa bàn và một số nơi khác trong tỉnh từ nguồn quỹ đất thu hồi của các doanh nghiệp. Đến nay, huyện đã giao cấp đất được hai đợt cho trên 130 hộ. Tùy theo điều kiện mỗi hộ được cấp diện tích đất 2ha hoặc 3ha. Tương tự, từ tháng 9-2012 UBND H.Hòn Đất đã giao đất cho 149 hộ nghèo tại địa phương, mỗi hộ 1ha, từ quỹ đất thu hồi của Công ty TNHH Kiên Dũng. Hiện huyện này đang xem xét để cấp đợt hai cho người dân.

Ông Lâm Hoàng Sa - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - giải thích sở dĩ có sự khác nhau về diện tích đất cấp cho người dân ở hai huyện Hòn Đất, Kiên Lương là do căn cứ trên quỹ đất thực tế tại địa phương. “Người dân muốn và cũng chính là điều mong muốn của chúng tôi là có thể cấp đủ hạn điền 3ha cho dân. Tuy nhiên, quỹ đất có hạn trong khi nhu cầu từ người dân rất lớn nên tùy theo thực tế địa phương mà phân bổ”, ông Sa giải thích. Cũng theo ông Sa, ngoài dân cư trú tại Hòn Đất, Kiên Lương, một số hộ bị giải tỏa không còn đất sản xuất và người dân khiếu kiện được cấp đất theo bản án của tòa án ở các địa phương khác trong tỉnh cũng được giải quyết.

Mong được tiếp sức...

Theo tính toán của người dân, chi phí cải tạo mặt bằng để có thể xuống giống canh tác cho mỗi hecta mất 7-8 triệu đồng, tùy vị trí đất nằm gần hay xa hệ thống kênh mương thủy lợi. Đó là chưa kể tiền lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm bón, thu hoạch. Trong khi đó, những người dân được cấp đất hầu hết có hoàn cảnh khó khăn nên không có tiền đầu tư.

Anh Hình Phước Vân (H.Kiên Lương) trầm ngâm: “Gia đình tui mới nhận được 2ha nhưng do đất trũng quá và bị phèn nhiều nên cần phải đầu tư nhiều. Nhưng hiện giờ gia đình gạo ăn còn lo từng bữa thì lấy tiền đâu mà cải tạo đất. Vì vậy vụ đông xuân tới tui tính cho người khác mượn. Để họ bỏ tiền đầu tư canh tác đất cho hoàn chỉnh một thời gian rồi tui lấy lại làm”. Nhiều hộ dân khi nhận đất vùng tứ giác Long Xuyên cũng gặp tình trạng tương tự. Ông Ngô Văn Nam - chủ tịch UBND xã Kiên Bình - cho biết qua thực tế những hộ được cấp đất đa số là hộ nghèo nên rất cần hỗ trợ nguồn vốn ban đầu để cải tạo đất. “Đất khi giao cho dân cần phải cải tạo mới trồng lúa được, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ vốn ban đầu cho người dân. Nếu không có vốn sẽ có những hộ khi nhận họ sang bán lại. Hiện xã đang liên hệ với ngân hàng chính sách để bảo lãnh cho người nhận đất có nhu cầu vay vốn cải tạo đất”, ông Nam nói.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa nhìn nhận khó khăn tìm vốn đầu tư, canh tác của người dân vừa được cấp đất là có thật. Theo ông Sa, hiện tỉnh không có nguồn tài chính để hỗ trợ người dân. “UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện sử dụng nguồn kinh phí địa phương để tu bổ, xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ việc rửa phèn, tưới tiêu hỗ trợ việc cải tạo đất của người dân”, ông Sa nói.

TẤN THÁI - NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên