10/10/2012 10:08 GMT+7

Trở về nơi bắt đầu

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TT - Sau mấy trận động đất, người dân xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) bỏ nhà tái định cư về sống nép bên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Quay về nơi đã ra đi, họ dựng nhà lá gầy dựng cuộc sống mới dù gặp rất nhiều khó khăn.

Tin được tới đâu?Sông Tranh: “Không động đất vẫn có nguy cơ trôi đập”

5idGni5m.jpgPhóng to
Người dân Trà Đốc di dời đồ đạc về quê cũ - Ảnh: Hữu Khá

Trà My sau cơn mưa rừng lồ lộ nỗi lo trong ánh mắt cơ cực của người đồng bào Ca Dong. Con nước dưới chân hồ thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu dâng lên khi dòng nước đầu nguồn tràn xuống. Đường từ đầu cầu Sông Tranh vào lòng hồ thủy điện qua xã Trà Đốc phẳng lì, người ra kẻ vào đông lắm. Thoáng cái sau mấy trận động đất, cụm nhà lá, cây rừng cả mấy chục căn đã dựng lên sát bên lòng hồ.

Về quê vì... sợ chết

Chủ tịch UBND xã Trà Đốc Hồ Văn Lợi nói: “Dân ra dựng lều đã mấy tháng nay rồi. Cứ sau một trận động đất lại có hai ba nhà mọc lên. Mình là người đồng bào nên hiểu hơn ai hết, dân mình từ ngày có thủy điện tội lắm. Từ ngày dân bị thủy điện “đẩy” vào khu tái định cư, đời họ cơ cực hơn. Chủ đầu tư xây cho căn nhà nhưng vào đó không có cái ăn. Đất sản xuất mỗi hộ chỉ được cấp 1.000m2, cày lên toàn sỏi đá, không trồng trỉa được bảo dân sống bằng cái gì. Còn giờ nhà tái định cư thì động đất “lắc cho mấy cái” đã nứt. Mình là cán bộ cũng còn sợ chết huống chi bà con, ai dám ở”.

Ông Lợi nói hôm trận động đất đầu tiên, nghe dân rục rịch đòi bỏ nhà tái định cư, ông cùng cán bộ xã về thức trắng mấy đêm tâm tình vận động dân đừng đi. Ban đầu bà con gật đầu nhưng mấy ngày sau động đất liên tiếp, sợ chết, họ đi, xã không cản được.

Người dân kéo nhau quay về quê cũ, dựng nhà tạm bên lòng hồ thuộc thôn 3B, xã Trà Đốc. Hôm chúng tôi đến sau trận động đất 4,1 độ Richter, có nhà mái che bằng lá cây rừng vẫn chưa kịp héo.

Ông Hồ Văn Sâm (51 tuổi) mới đưa vợ con rời làng tái định cư về quê cũ, giọng buồn bã chỉ tay xuống lòng hồ thủy điện: “Nhà mình ngày trước nằm ở dưới lòng hồ đó. Hồi đó nghe xây thủy điện mất làng ai cũng lo, nhưng rồi cán bộ về tận làng vận động lên ở chỗ mới ổn định hơn, con cái được học hành, vậy là đi. Có ai ngờ dân mình hi sinh, bỏ làng cho thủy điện mà giờ lại rơi vào cảnh ruộng nương không có, chó gà cũng không, nhà thì không dám ở”. Ông Sâm than thở về quê cũ nhưng mọi thứ đều mới, tất cả phải bắt đầu lại từ đầu vì làng quê

đã chìm dưới lòng hồ rồi. Giữa trưa nắng gắt, từng đoàn người xuống lòng hồ cõng ngược nước lên nấu ăn, tắm giặt. “Từ ngày lên làng tái định cư, dân chỉ biết ngồi trong nhà chờ cho hết ngày vì không có đất sản xuất. Đến mùa giáp hạt, đói quá vô rừng chặt cây lấy gỗ bán. Nhưng “phá” được một mùa thì cán bộ bảo như thế là vi phạm pháp luật, sợ, rứa là thôi. Thế là túng đói.

Nhưng đói còn kiếm nắm rau rừng bỏ bụng, không sợ chết, chứ trận động đất liên tiếp dân mình không chịu được. Có đêm nào dám ở trong nhà xây bêtông đâu. Có hôm nửa đêm động đất nhà kêu răng rắc, sáng ra đã thấy nứt toác. Cả tháng trời rồi, thao thức miết nên buộc phải đưa vợ con về làng cũ” - ông Sâm nói lý do họ trở về làng cũ.

Khác với ông Sâm, ngày dời nhà của đôi vợ chồng trẻ Hồ Văn Bi và Hồ Thị Lợi thật đáng thương. Bi nói hai vợ chồng mới cưới nhau, vợ mang thai được ba tháng. Cả tháng nay sống trong nhà tái định cư đêm nào anh cũng ngồi canh vợ vì sợ động đất. “Vợ mình đang mang thai, sợ lắm, nhỡ ở trong nhà xây tái định cư mà đêm hôm động đất vợ chạy không kịp thì gạch đè xuống mất vợ mất luôn con. Dòng họ mình chỉ có mình là con trai nên cái bụng vợ mình quan trọng lắm, cả dòng họ lo nên buộc vợ chồng mình về đây đấy. Biết về đây sẽ khó nhưng có sập mái tranh này thì chắc vợ cũng không hề hấn gì” - Bi mếu máo như muốn khóc.

Nỗi lo... dông bão

Về làng cũ để vơi bớt nỗi lo động đất nhưng dân Trà Đốc lại đối diện với bao lo toan, nhọc nhằn phía trước. Cụ Hồ Văn Miên (72 tuổi), người vừa trở về làng cũ, hướng dẫn đám cháu dựng lại căn nhà lá bên mép hồ. Miếng đất khá bằng phẳng này trước kia chính là chuồng trâu của gia đình cụ. Ngồi giữa căn nhà mới làm ngổn ngang còn hắc mùi nhựa cây rừng, ông Miên lo lắng: “Hôm qua mình đã tổ chức làm cặp gà tạ trời đất. Cầu trời năm nay dông bão đừng đến, chứ nhà cửa tạm bợ này và gặp bão tố nữa e là khó vượt qua”.

Ông Hồ Văn Lợi nói việc dân bỏ nhà tái định cư về sống nơi ở cũ khiến mọi thứ xáo trộn, nan giải nhưng xã buộc phải chấp nhận, không ngăn bà con được. “Họ quay về làng cũ khi mọi thứ đã không còn. Các công trình dân sinh như điện, đường, trường trạm không có, nước sinh hoạt cũng không nên xã vô cùng lo lắng về dịch bệnh. Bây giờ chuyện học cho con em trở về làng cũ cũng rất căng thẳng. Hôm khai giảng năm học mới, xã phải cắt cử người vào vận động cho con em trở lại trường. Xã phải sắp xếp nơi học mới cho con em đồng bào mới về đây, xã sẽ làm hết sức, nhất định không để em nào bỏ học” - ông Lợi tâm sự.

Dù mùa mưa mới bắt đầu nhưng tất cả cán bộ xã đã sẵn sàng, mấy ngày nay họ về tận thôn hướng dẫn bà con che chắn nhà cửa. Theo ông Lợi, chính quyền xã rất lo vì đa số bà con về làng cũ dựng nhà sát mép hồ nên nguy cơ sạt lở rất cao.

30 nhà tái định cư bỏ hoang

Ông Lê Văn Tuấn, chánh văn phòng UBND huyện Bắc Trà My, tâm sự trước đây khi xây nhà tái định cư cũng có khảo sát nhưng không kỹ lưỡng. Vì vậy khi đưa đồng bào vào ở đã có một số điểm không phù hợp với tập tục sinh hoạt, thời tiết khắc nghiệt núi rừng. Ông Tuấn nói xưa nay người đồng bào quen với nhà sàn, giờ đưa họ vào ở nhà xây không phù hợp thời tiết cả mùa mưa lẫn mùa nắng.

Theo ông Tuấn, từ khi xuất hiện động đất, cán bộ từ huyện đến xã đến tận thôn xóm tuyên truyền vận động người dân không nên bỏ bê nương rẫy. Nếu vì lo sợ động đất mà bỏ bê công việc có thể dẫn đến nguy cơ thiếu đói. Theo thống kê, hiện có 30 nhà tái định cư của Ban quản lý dự án thủy điện 3 xây cho người dân bị bỏ hoang, trong đó xã Trà Đốc có 24 nhà, xã Trà Bui có bốn nhà.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên